Tết của người Mông ở vùng cao Yên Bái bây giờ không còn triền miên, kéo dài cả tháng ròng như trước, hủ tục giết cả chục con trâu, bò làm tang ma… cũng chỉ còn trong những câu chuyện kể. Hình ảnh những nương lúa, nương ngô đầy ăm ắp, những cánh rừng táo mèo trĩu quả… đang tô điểm cho diện mạo những bản làng nơi đây sắc màu tươi mới, căng tràn sức sống. Dẫu vẫn còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng ấm no đang từng bước về với nơi này. Từ những bản làng xa xôi nhất, nhiều người Mông chú tâm lo tính chuyện làm ăn, từng bước vươn lên thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Đời sống của người Mông ở Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Yên Bái đã tốt hơn trước. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN. |
Ở Yên Bái, đồng bào người Mông cư trú chủ yếu ở 40 xã, những nơi có địa hình cao nhất thuộc 5 huyện: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên và Lục Yên; trong đó hai huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của cả nước là Trạm Tấu và Mù Cang Chải có đông đồng bào người Mông sinh sống nhất. Ở đây, sản xuất chủ yếu là nông – lâm nghiệp tự cung tự cấp cùng với nhiều hủ tục, kéo theo cái đói, cái nghèo, cứ đeo đẳng người Mông hết đời này sang đời khác.
Trước đây, người Mông ở Yên Bái thường bắt đầu ăn Tết riêng của dân tộc mình vào cuối tháng 12 dương lịch, sau khi kết thúc vụ sản xuất chính, những cái cuốc, cái cày, cái dao phát nương được dán giấy đỏ, dựng ở góc nhà. Những cái Tết người Mông kéo dài cả tháng ròng, linh đình, từ nhà nọ sang nhà kia, mọi hoạt động sản xuất, học tập, làm việc đều ngưng trệ. Sau Tết là cái đói giáp hạt kéo dài, dai dẳng khắp các bản người Mông…
Từ khi thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Yên Bái về vận động đồng bào Mông đón chung một Tết Nguyên đán để đảm bảo việc học tập của học sinh và thuận lợi cho sản xuất, tăng thêm tinh thần đoàn kết dân tộc, người Mông ở Yên Bái đã chuyển sang ăn Tết chung. Nhiều hủ tục đã được đồng bào loại bỏ; sản xuất, kinh tế được chú trọng, cuộc sống nhờ thế đã thay đổi hơn trước rất nhiều. No ấm đang về với từng bản làng nơi đây.
Ông Nguyễn Thành Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Trạm Tấu cho biết: Huyện có đến gần 90% dân số là đồng bào người Mông. Trước đây bà con người Mông chỉ sản xuất nông nghiệp một vụ, vì thế đồng bào thường ăn Tết kéo dài trong cả tháng, bỏ bê việc đồng áng, ruộng vườn. Trẻ em người Mông cũng nghỉ học để ở nhà ăn Tết… Ăn hết Tết người Mông lại tiếp tục ăn Tết Nguyên đán. Tết thì linh đình kéo dài, nhưng sau Tết, nhiều gia đình người Mông không có gạo để ăn.
Ông Hưng bảo rằng, đó là chuyện của những năm trước. Còn bây giờ, đồng bào người Mông đã biết tập trung thời gian để sản xuất kịp thời vụ Đông - Xuân, chú trọng phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, các hộ đói, nghèo đã giảm đi trông thấy.
Huyện Trạm Tấu có 11 xã và 1 thị trấn; trong đó có tới 10 xã tập trung đông đồng bào người Mông sinh sống. Khi bắt tay vào vận động người Mông ăn chung một Tết, cán bộ xã, huyện vấp phải phản ứng không đồng thuận của nhiều người. Ông Giàng A Phông , Bí thư Đảng ủy xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu cho biết, ban đầu, việc vận động bà con ăn chung Tết ở Bản Mù gặp vô vàn khó khăn. Trong khi đã vận động được hầu hết người dân ở các xã khác ở trong huyện đón chung một tết theo chủ trương của tỉnh thì chỉ còn xã Bản Mù là người dân vẫn cứ khăng khăng, không muốn phá lệ cũ.
Các cán bộ địa phương đã bằng mọi phương pháp vận động nhưng tâm lý người dân vẫn không muốn thay đổi. Khi nghe báo cáo tình hình, đồng chí Chủ tịch huyện Trạm Tấu khi đó đã phải trực tiếp xuống dự hội nghị của các thôn ở Bản Mù để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân và cuối cùng đã thuyết phục được đồng bào. Đến bây giờ tất cả các hộ đồng bào Mông trong huyện đã tự ý thức và nhận ra được những điều tốt đối với đời sống của chính mình trong việc ăn chung một Tết.
Ông Phông còn cho biết thêm, Bản Mù có 8 thôn, bản với gần 6.000 nhân khẩu; 100% là đồng bào người Mông. Cuộc sống của người Mông nơi đây giờ đã khác xưa rất nhiều. Không chỉ ăn chung một Tết, tiết kiệm, tránh lãng phí, dành thời gian tập trung sản xuất vụ Đông - Xuân mà nhiều hủ tục của người Mông đã được xóa bỏ. Người Mông đã làm được một “cuộc cách mạng” trong đời sống của mình.
Theo tập tục, người Mông, trước đây người chết không được cho vào quan tài ngay mà để nằm dưới đất ở giữa nhà nhiều ngày, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Nhà có bao nhiêu con trai phải giết thịt bấy nhiêu con trâu, bò để làm cỗ. Có nhà sau đám tang trở nên kiệt quệ. Bây giờ, thực hiện chủ trương đời sống văn hóa mới, được nhà nước vận động, hỗ trợ, người chết đã được cho vào quan tài và mang chôn trong 48 tiếng. Đám tang bây giờ cũng không còn tổ chức linh đình, tốn kém như trước. Chủ trương đúng đắn nên được đồng bào hưởng ứng. Đời sống của người Mông ở đây nhờ thế đã khấm khá hơn trước rất nhiều.
Thôn Khấu Ly, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu có hơn 500 nhân khẩu. Từ khi thực hiện theo những chủ trương mới, đời sống của bà con đồng bào Mông nơi đây như bước hoàn toàn sang một trang mới. Anh Giàng A Vàng, Trưởng thôn Khấu Ly cho biết, bản thân anh cũng như gần 100 hộ dân trong thôn bây giờ đều đã nhận thức được chuyện cần thiết phải tập trung phát triển kinh tế gia đình, để tự vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Không ăn Tết kéo dài để kịp sản xuất vụ Đông - Xuân, trồng thêm lúa, ngô, phát triển đàn gia súc, gia cầm. Cùng với đó, chung tay xây dựng đời sống văn hóa mới, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu để tự nâng cao đời sống gia đình… Ở Khấu Ly vẫn còn nhiều người nghèo, nhưng từ khi làm theo chủ trương mới của Đảng và Nhà nước, lúa ngô trong mỗi gia đình đã nhiều hơn, trâu bò trong chuồng đông hơn. Cuộc sống của người Mông trong thôn Khấu Ly đang thực sự thay da đổi thịt.
Ở thôn Suối Giao, xã Xà Hồ, cuộc sống của người Mông ở đây cũng đã ổn định hơn trước nhờ việc thay đổi cách nghĩ, cách làm. Hơn 60 hộ người Mông trong thôn được khoán hơn 150 ha rừng sơn tra; một năm, mỗi hộ ở đây có thu nhập thêm từ 10 đến 20 triệu đồng. Ông Thào A Chểnh, Trưởng thôn Suối Giao cho biết, đời sống mới, mọi người trong thôn đều phấn khởi. Ai cũng chăm lo sản xuất nên không còn lo đói nữa. Nhiều nhà trong thôn đã mua sắm được xe máy, ti vi. Nhiều nhà đang vươn lên để thoát nghèo và làm giàu.
Cuộc sống ở những bản làng của người Mông vùng cao Yên Bái hiện đang thực sự đổi thay từng ngày. Để phát huy những kết quả đã đạt được và thực sự làm thay đổi đời sống của đồng bào, tỉnh Yên Bái chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công tác dân vận, tích cực tuyên truyền nhằm thực sự thay đổi nhận thức của bà con. Cùng với đó, tỉnh triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nhân rộng các mô hình, những tấm gương điển hình tiên tiến trong sản xuất; thúc đẩy các chương trình xoá đói giảm nghèo một cách bền vững.
Bà Nguyễn Thị Huyền, Trưởng phòng Dân tộc - Tôn giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Cuộc sống của đồng bào người Mông ở Yên Bái dù còn nhiều khó khăn nhưng đã tốt hơn xưa rất nhiều. Những hủ tục được xoá bỏ, sản xuất kinh tế được chú trọng, bà con đang tự nỗ lực vươn lên để thoát nghèo. Thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động bà con ăn chung Tết Nguyên đán, lồng ghép cuộc vận động xoá bỏ các hủ tục trên cơ sở tôn trọng, gìn giữ các phong tục truyền thống tốt đẹp của đồng bào để thực sự những thay đổi trở thành nếp sinh hoạt trong đời sống.
Cũng theo bà Huyền, trong quá trình thực hiện các cuộc vận động để có được những thay đổi tích cực trong đời sống của đồng bào người Mông ở Yên Bái như ngày hôm nay, đó là: Phải xuất phát từ chủ trương đúng, phù hợp với lòng dân; phải phát huy được tối đa các lực lượng xã hội tham gia vào các cuộc vận động; phải kiên trì, linh hoạt để dân hiểu, dân tin và thực hiện theo; coi trọng và phát huy được vị trí, vai trò của các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, những người có uy tín tại các thôn, bản và đặc biệt là phải phát huy được tính gương mẫu, đi đầu của mỗi cán bộ, đảng viên.