Công tác BHXH, BHYT tại Hậu Giang - Bài 3: Về ấp 100%

Nông nghiệp là thế mạnh của tỉnh Hậu Giang, nhưng có lẽ đây cũng là “yếu điểm” trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế hộ gia đình, bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Đa phần dân số của tỉnh thuộc khu vực nông thôn, chủ yếu là hộ có mức thu nhập trung bình, hộ cận nghèo và hộ nghèo. Số hộ giàu, khá giả chưa nhiều. Vậy mà tại Hậu Giang, có ấp vùng sâu, vùng xa, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng tất cả người dân đều mua bảo hiểm y tế. 

Chú thích ảnh
Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang tuyên truyền về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho cán bộ xã, ấp trong tỉnh. 

Ngày nay, đường ô tô đã về tận trung tâm xã Trường Long A, huyện Châu Thành A. Từ trung tâm xã đi 4 km nữa theo đường tỉnh 929, đến cây cầu Kinh Tế, rẽ trái và chạy thêm 2 km trên con đường bê tông mới làm, chúng tôi về đến ấp Trường Thắng.

Trong ngôi nhà khang trang, sạch đẹp kiểu mái Thái rộng rãi, Bí thư kiêm Trưởng ấp Trường Thắng Nguyễn Văn Hùng lấy ra cuốn sổ theo dõi tình hình người dân tham gia bảo hiểm y tế do ông tự thiết kế các mục, cột trên phần mềm Excel rồi in ra bản giấy gần 50 trang.

Trang đầu tiên cuốn sổ có các cột: mã hộ khẩu, thứ tự khẩu, ngày tháng năm sinh (nam, nữ), quan hệ với chủ hộ, tham gia (mã thẻ), thời gian sử dụng (từ ngày... đến ngày...), đang tham gia, chưa tham gia, vắng địa phương (đi làm ăn xa), bỏ địa phương (lấy chồng nước ngoài) và cột ghi chú.

Trang cuối cuốn sổ có các thông tin: Đến ngày 15/9/2019, tổng hộ 350; tổng khẩu 1.333, số khẩu vắng, bỏ địa phương, chết 366; số khẩu còn ở địa phương 973; số người chưa tham gia 47, đã tham gia 926. Tỷ lệ hộ tham gia ở địa phương 95,17%.

"Bốn bảy người chưa tham gia là do hết hạn chưa mua lại. Vì nhiều việc, tôi chưa gặp họ. Từ nay đến cuối năm, tôi vận động chắc chắn họ sẽ mua vì những người mua rồi họ sẽ tiếp tục mua lại. Họ đã biết quyền lợi khi tham gia bảo hiểm y tế ", ông Nguyễn Văn Hùng nói.

Toàn bộ cư dân ấp Trường Thắng ở dọc hai bên con kênh Kinh Tế dài khoảng 2,5 km. Ấp Trường Thắng hình thành với việc chính quyền đưa dân về đây xây dựng vùng kinh tế mới từ những năm đất nước vừa giải phóng. Lúc đó, một hộ dân được Nhà nước cấp cho 0,2 ha đất vườn, ruộng. Một thời gian dài, ấp Trường Thắng là vùng đất đặc biệt khó khăn.

Đường sá đi lại lúc đó vô cùng gian truân. Người dân đi thuyền, ghe là chính. Năm 2008, người dân trong ấp đóng góp và làm được hai con đường bê tông dọc hai bên kênh, rộng 2m, để đi lại thuận tiện hơn. Hiện nay, một bên vừa được Nhà nước đầu tư nâng cấp làm con đường bê tông, bên còn lại vẫn là con đường từ năm 2008 đã xuống cấp nghiêm trọng.

Đi lên từ “xuất phát điểm” thấp, ấp Trường Thắng hiện nay vẫn là ấp có số hộ nghèo cao nhất xã Trường Long A, với 16 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo. Ấp có 45 hộ người Khmer, Hoa, Ê-đê, Chăm và 45 hộ theo tôn giáo Tin lành, Thiên Chúa, Hòa Hảo. Vậy mà, từ chỗ chỉ vài chục phần trăm số người dân tham gia bảo hiểm y tế, đến năm 2017 ấp Trường Thắng tăng lên hơn 60%. Năm 2018, ấp đã có 100% người dân tham gia bảo hiểm y tế.

“Càng nghèo càng phải mua bảo hiểm y tế. Người giàu, người khá giả họ bệnh lúc nào là có tiền chữa bệnh lúc đó. Mình nghèo, mình đâu có tiền sẵn nên phải “thủ” cái thẻ bảo hiểm y tế”. Gặp những hộ khó khăn, tôi giải thích với họ như vậy, họ hiểu rồi mua bảo hiểm y tế, Bí thư kiêm Trưởng ấp Trường Thắng Nguyễn Văn Hùng cho biết.

Ông Nguyễn Văn Hùng kể: Ấp có bà Kiều Thị Ái Trang đã cao tuổi nhưng không xây dựng gia đình. Bà thường xuyên bị bệnh tật lại nuôi thêm một đứa cháu mồ côi. Khi vận động mua bảo hiểm y tế, bà Trang nói không có tiền. Nghe bà Trang nói thế, Trưởng Công an xã hỗ trợ bà 500 ngàn đồng mua bảo hiểm y tế 6 tháng. Sau lần đó, bà Trang tự mua bảo hiểm y tế liên tục đến nay. Hiện bà Trang đi bán hàng thuê được 100 ngàn đồng/ngày đều để dành một phần mua bảo hiểm y tế.

“Cũng có trường hợp gia đình khá giả trong ấp nhất quyết không mua bảo hiểm y tế. Cán bộ xã tuyên truyền, vận động cũng không mua vì cho rằng đi khám dịch vụ tốt hơn bảo hiểm y tế. Nhưng rồi gia đình đó có người con trai không may mắc bệnh hiểm nghèo, lúc đó mới thấy giá trị của bảo hiểm y tế. Từ đó đến nay, hộ này chủ động mua bảo hiểm y tế cho cả 10 người trong gia đình", ông Hùng chia sẻ.

Một trường hợp khác là hộ nghèo, sau khi đưa mẹ đi khám bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế, anh con trai đã qua ngay nhà Trưởng ấp mua thẻ bảo hiểm y tế. Anh này cho biết, đưa mẹ đi chữa bệnh nếu không có thẻ bảo hiểm là “chết chắc”, vì có tiền đâu mà đóng. Thấy vậy, anh về mua luôn bảo hiểm y tế cho mình.

“Vậy đó, mưa dầm thấm lâu. Trước đây, tôi cứ đi tuyên truyền, vận động từng hộ dân mua bảo hiểm y tế. Dần dần, người dân hiểu biết lợi ích của tấm thẻ bảo hiểm y tế. Thực tế những trường hợp cụ thể của ấp đi khám chữa bệnh có bảo hiểm y tế, đã làm cho các hộ khác nhận thức rõ thêm về quyền lợi khi mua bảo hiểm y tế”, ông Nguyễn Văn Hùng nhớ lại.

Phòng làm việc của Bí thư kiêm Trưởng ấp Trường Thắng ở nhà có bộ bàn ghế, máy vi tính mở sẵn, một chiếc máy in cùng vài cuốn sổ các loại. Bằng vài cái nhấp chuột, ông Hùng mở bảng theo dõi tình hình người dân tham gia bảo hiểm y tế do ông xây dựng trên chương trình Excel. Cứ một biến động ở hàng, cột nào, kết quả tổng ở cuối bảng sẽ được thay đổi.

Đang làm việc trên máy vi tính, điện thoại thông minh kế bên vang lên tiếng “tít tít” báo có tin nhắn. Ông Hùng cầm điện thoại rồi cho biết qua tin nhắn Zalo, có người nói cần mua bảo hiểm y tế. Họ chụp hình chân dung rồi gửi qua Zalo cho ông Hùng. Ông Hùng chuyển tiếp tấm hình chân dung kèm thông tin của người dân mua bảo hiểm y tế cho cán bộ xã. Vậy là xong, chỉ còn việc lên xã lấy thẻ bảo hiểm về cho người dân.

Ông Hùng lấy trong hộc bàn máy vi tính cái túi đựng một xấp bao nhựa trong, lớn hơn tấm thẻ bảo hiểm y tế một chút, rồi cho biết: Khi lấy thẻ bảo hiểm y tế về, tôi cho vào cái bao này, đồng thời có kèm thêm tấm giấy nhỏ in thời gian sử dụng thẻ để người dân biết mua lại bảo hiểm y tế khi hết hạn.

Làm Trưởng ấp Trường Thắng từ năm 2009, đến năm 2011 ông Hùng được điều động làm công tác Mặt trận Tổ quốc xã, rồi đến năm 2014, được điều động trở lại làm Bí thư ấp. Từ tháng 7/2018 đến nay, ông làm Bí thư kiêm Trưởng ấp Trường Thắng. Ông chia sẻ: "Nếu giữ được uy tín, vận động bà con làm gì cũng dễ. Không riêng gì việc vận động người dân mua bảo hiểm y tế mà tất cả công tác khác cũng vậy".

Chia tay ông, tôi nhớ mãi hình ảnh người Bí thư kiêm Trưởng ấp 59 tuổi rành công nghệ, được người dân tin tưởng. Và chắc chắn, ấp Trường Thắng sẽ thực hiện được mục tiêu - ấp có 100% người dân tham gia bảo hiểm y tế năm thứ hai.

Bài cuối: Người nông dân nhận lương hưu

Bài và ảnh: Phạm Duy Khương (TTXVN)
Công tác BHXH, BHYT tại Hậu Giang - Bài 2: Chuyện về anh Tài thu bảo hiểm
Công tác BHXH, BHYT tại Hậu Giang - Bài 2: Chuyện về anh Tài thu bảo hiểm

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế hộ gia đình ở Hậu Giang thời gian gần đây tăng cao, có sự đóng góp không nhỏ của các nhân viên thu bảo hiểm ở cơ sở.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN