Công tác BHXH, BHYT tại Hậu Giang - Bài 1: Nỗ lực xóa những 'điểm tối'

Tại Hậu Giang, nhận thức của xã hội về ý nghĩa, lợi ích của chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đã được nâng lên. Số người tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh tăng đáng kể, đối tượng tham gia ngày càng được mở rộng.

Chú thích ảnh
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Hân, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Vị Thủy giải thích cho nông dân về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Chủ tịch UBND của một xã thuộc thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, cho biết, mới đây mẹ ông có biểu hiện của bệnh cao huyết áp, chóng mặt, được gia đình đưa tới cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang. Khi vào phòng cấp cứu, mẹ ông phải chờ khoảng 20 phút mà chưa thấy bác sĩ hỏi thăm. 

“Nếu lúc đó, mẹ tôi huyết áp lên cao thực sự, mấy chục phút chờ đợi vậy hết sức nguy hiểm. Bác sĩ vào khám đưa mẹ tôi sang phòng có bảng đề: khám ngoài giờ. Sau một hồi khám, nhân viên y tế yêu cầu gia đình đóng tiền và không được thanh toán bảo hiểm y tế” - vị cán bộ xã này kể lại.
 
Tại buổi đối thoại của Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy Nguyễn Văn Vui với nhân dân trên địa bàn xã Vị Thủy mới đây, một người dân phản ánh đã đưa người thân bị bệnh đi điều trị bằng thẻ bảo hiểm y tế tại Trung tâm Y tế huyện Vị Thủy. Bác sĩ cho nhập viện và xuất viện theo đúng số ngày quy định của bảo hiểm y tế, mặc dù bệnh nhân còn mệt và có nguyện vọng ở lại tiếp tục điều trị nhưng không được. Tuy nhiên, sau khi xuất viện, bệnh nhân bị nặng trở lại, người nhà lại phải đưa đến Trung tâm Y tế huyện Vị Thủy cấp cứu. Lúc này, bác sĩ yêu cầu người nhà bệnh nhân mua thuốc ngoài danh mục bảo hiểm y tế để chữa trị.
 
Những “điểm tối” trong khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế như vừa kể trên chỉ là tảng băng nổi tại nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, làm ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của người dân đối với chính sách bảo hiểm y tế. 
 
Cũng theo vị Chủ tịch UBND một xã thuộc thành phố Vị Thanh - người đưa mẹ đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang được đề cập trên đây, trong xã có khu vực hầu hết người dân không mua bảo hiểm y tế. Những người dân này cho biết, chừng nào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang chấn chỉnh cách thức khám chữa bệnh có trách nhiệm hơn, họ mới mua bảo hiểm y tế.
 
Vị Chủ tịch UBND xã này cho biết, đã công khai số điện thoại của Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã tại cơ sở y tế trên địa bàn xã. Người dân đến khám, chữa bệnh nếu có thắc mắc, phản ánh về cung cách, thái độ khám, chữa bệnh của y, bác sĩ thì gọi trực tiếp cho ông hoặc Bí thư Đảng ủy xã.

Các cấp, các ngành trong tỉnh Hậu Giang cũng đã tích cực vào cuộc nhằm xóa dần những "điểm tối" trong khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. Tại buổi họp báo quý của tỉnh Hậu Giang mới đây, phóng viên đã trao đổi với Phó Giám đốc Sở Y tế Hậu Giang Nguyễn Thanh Giang về những phản ánh của người dân đối với việc khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang. Phó Giám đốc Sở Y tế Hậu Giang cho biết, những phản ánh của người dân là có cơ sở. Ngành đang tích cực chấn chỉnh.

“Sở Y tế đã mời Ban Giám đốc bệnh viện họp nhiều lần. Tuy nhiên, Bệnh viện vẫn chưa giải quyết hết những tồn tại mà người dân phản ánh, như những trường hợp bệnh nặng, người nhà yêu cầu chuyển viện mà bệnh viện không cho chuyển; thái độ, cung cách phục vụ bệnh nhân của một số y, bác sĩ chưa tận tình, chu đáo; trình độ khám, chữa bệnh của bác sĩ còn hạn chế…” - Phó Giám đốc Sở Y tế Hậu Giang nói.
 
Theo ông Nguyễn Thanh Giang, tỉnh có kế hoạch sẽ giao tự chủ tài chính hoàn toàn cho Bệnh viện Đa khoa Hậu Giang. Việc này sẽ góp phần cải thiện tinh thần, thái độ phục vụ của y, bác sĩ bệnh viện đối với bệnh nhân; trình độ, năng lực khám chữa bệnh cho người dân sẽ được nâng lên... từ đó thu hút được nhiều bệnh nhân đến với bệnh viện. Như vậy, bệnh viện mới có nguồn thu và phát triển được.
 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh đã chỉ đạo ngành Y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục triển khai giải pháp nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh; nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán khám, chữa bệnh theo bảo hiểm. Ngành Y tế phối hợp, hỗ trợ các cơ sở giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác y tế học đường trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Đồng thời, Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan truyền thông, cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo hiểm y tế, các chính sách quy định về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia bảo hiểm y tế.
 
Các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tiếp nhận, khám chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế theo đúng trình tự, thủ tục về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nhằm đảm bảo quyền lợi cho người bệnh theo quy định của pháp luật; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.

Tỉnh Hậu Giang phấn đấu đến năm 2020 có trên 50% lao động thuộc các thành phần kinh tế tham gia bảo hiểm xã hội, 35% lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Đồng thời, tỉnh khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
 
Đến nay, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế của Hậu Giang đã đạt trên 83% dân số toàn tỉnh, với hơn 600.000 người tham gia. Người dân khám bệnh theo bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đạt khoảng 500 lượt/tháng.

Bài 2: Chuyện anh Tài thu bảo hiểm

Bài và ảnh: Phạm Duy Khương (TTXVN)
Đổi mới toàn diện nội dung, hình thức tuyên truyền Bảo hiểm xã hội
Đổi mới toàn diện nội dung, hình thức tuyên truyền Bảo hiểm xã hội

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vừa ký phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền Bảo hiểm xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN