Công tác BHXH, BHYT tại Hậu Giang - Bài 2: Chuyện về anh Tài thu bảo hiểm

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế hộ gia đình ở Hậu Giang thời gian gần đây tăng cao, có sự đóng góp không nhỏ của các nhân viên thu bảo hiểm ở cơ sở.

Họ đã sâu sát, tìm hiểu, tuyên truyền, giải thích, giúp đỡ người dân tận tình trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện. Họ là Trưởng ấp, Chủ tịch hội đoàn thể hay Bí thư chi bộ ấp, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp… Trong đó, anh Chế Tấn Tài, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, là một điển hình.

Chú thích ảnh
Sử dụng công nghệ thông tin vào vận động, theo dõi trong công tác bảo hiểm y tế.

Câu chuyện về anh Chế Tấn Tài luôn đạt doanh số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cao nhất của xã nay lan rộng toàn huyện, toàn tỉnh. Để có kết quả đó, anh Tài đến từng ngõ, gõ từng nhà dân… nhiều lần, ngược xuôi địa bàn xã, lên huyện như con thoi, nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của hộ dân trong việc mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Anh hướng dẫn tận tình, thậm chí ứng trước tiền, làm thủ tục giúp các hộ dân, đưa thẻ bảo hiểm y tế về trao tận tay bà con. 

Vĩnh Thuận Tây là một trong những xã vùng sâu, vùng xa của huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Cuộc sống người dân nơi đây phụ thuộc chính vào cây lúa. Xã nằm dọc con sông Cái Lớn và có địa thế là cửa ngõ của huyện trong việc “chào đón” xâm nhập mặn hằng năm. Đi liền với “vị thế” bị xâm nhập mặn đầu tiên của huyện là tình trạng hạn hán, thiếu nước ngọt. Do vậy, cuộc sống của đa phần người dân xã Vĩnh Thuận Tây còn khó khăn.

Anh Tài cho biết: Nhiều trường hợp người dân chưa có tiền, phải “năm bữa nửa tháng” mới thu xếp được, anh ứng tiền mua bảo hiểm y tế giúp họ, khi chuyển thẻ về bà con mới trả lại tiền cho anh. Bây giờ, anh áp dụng công nghệ 4.0 vào công việc, đưa lên Zalo, Facebook các mức đóng, chính sách được hưởng của bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Bà con tìm hiểu và liên lạc, trao đổi với anh qua điện thoại, rất thuận tiện.

Anh Tài có giọng nói trầm ấm, nhịp điệu sôi nổi và chất giọng rất ngọt cùng với khuôn mặt cân đối, nước da ngăm ngăm bánh mật. Những điểm này cùng với phong cách nói đi đôi với làm đã giúp anh tạo được sự tin tưởng đối với bà con.

“Trước khi làm hồ sơ mua bảo hiểm y tế, em phân tích cho bà con hiểu rõ quyền lợi khi mua bảo hiểm y tế, được bệnh viện thanh toán ra sao khi khám, chữa bệnh. Cũng có người nói, tôi không có bệnh nên không mua bảo hiểm y tế, nhưng đó chỉ là số ít. Đến nay, đa phần người dân xã Vĩnh Thuận Tây đã hiểu được quyền lợi khi mua bảo hiểm y tế. Tỷ lệ người dân mua bảo hiểm y tế trên toàn xã đã đạt gần 86%”, anh Tài cho biết.

Anh Tài kể việc vận động một gia đình trong xã mua thẻ bảo hiểm y tế, cả hai vợ chồng đều nói có đi khám sức khỏe bao giờ đâu mà mua bảo hiểm y tế. Thế rồi không may người chồng bị tai nạn giao thông phải vào bệnh viện, chi phí lên tới hơn 30 triệu đồng. Sau đó ít lâu, người vợ leo dừa bẻ trái cũng không may trượt chân ngã, phải vào bệnh viện chữa trị mất trên 20 triệu đồng. Trải qua những sự cố đáng tiếc, gia đình này mới hiểu rõ và hiện đã tham gia bảo hiểm y tế.

“Nhiều người dân chỉ mới thấy được trước mắt mà chưa dự phòng lâu dài. Quan niệm của họ là phải có bệnh mới mua bảo hiểm y tế, chưa phòng bị cho bản thân, vì đâu thể biết trước được điều gì sẽ xảy ra với sức khỏe của mình trong tương lai. Hơn nữa, chính sách bảo hiểm y tế về sâu xa còn là sự tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, mình còn khỏe đóng góp cho người yếu, để khi mình yếu sẽ có người khỏe giúp mình” - anh Tài phân tích.

Nghe anh Tài nói, tôi không nghĩ anh học Đại học chuyên ngành Kế toán vì ngành học này liên quan tới định tính nhiều hơn cảm tính. Không chỉ học mà khi ra trường đi làm, công việc của anh Tài cũng gắn với các con số bởi anh làm thủ quỹ của xã Vĩnh Thuận Tây. Từ năm 2014, Tài mới được giao thêm công việc thu bảo hiểm và chuyển sang làm việc ở Hội Nông dân xã.

Suy nghĩ sâu xa về tính nhân đạo của chính sách bảo hiểm, nhưng anh Tài vẫn nhớ rành rọt từng con số: Hàng tháng, doanh số thu bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội của anh đạt hơn một trăm triệu đồng. Để có tiền cho người dân, khách hàng mượn mua thẻ bảo hiểm trước rồi trả sau, lúc nào anh Tài cũng phải chuẩn bị sẵn trong túi trên 10 triệu đồng.

Anh chia sẻ, năm 4 tuổi, anh bị sốt bại liệt, tiêm thuốc tây nhiều dẫn đến teo cơ chân phải, từ đó đi cà nhắc. Chân phải chỉ còn chức năng phụ trợ, đi bằng chân trái là chính.

Nhiều người ở Vị Thủy, Hậu Giang, gọi Tài là “anh Tài bảo hiểm”. Dù đôi chân không lành lặn nhưng địa bàn vùng sâu, vùng xa cũng không thể cản bước anh. Hộ dân và khách hàng nào cần mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện là anh có mặt ngay.

Với anh Tài, chân phải hay chân trái, chính hay phụ đều như nhau. Chức danh chính của anh là Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thuận Tây, nhưng anh làm việc nhiều hơn lại là nhân viên thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Lương bán chuyên trách Hội Nông dân xã chỉ trên dưới 1,6 triệu đồng, còn “hoa hồng” nhân viên thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thường cao gấp 3 lần. Điều đáng quý là anh luôn hoàn thành xuất sắc cả hai nhiệm vụ. “Quan trọng là ở cái tâm trong những việc mình làm”, anh Tài nói câu này nhiều lần trong suốt buổi trò chuyện.

Bài 3: Về ấp 100%

Bài và ảnh: Phạm Duy Khương (TTXVN)
Công tác BHXH, BHYT tại Hậu Giang - Bài 1: Nỗ lực xóa những 'điểm tối'
Công tác BHXH, BHYT tại Hậu Giang - Bài 1: Nỗ lực xóa những 'điểm tối'

Tại Hậu Giang, nhận thức của xã hội về ý nghĩa, lợi ích của chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đã được nâng lên. Số người tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh tăng đáng kể, đối tượng tham gia ngày càng được mở rộng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN