Các địa phương tăng cường kiểm soát giết mổ và vận chuyển gia súc, gia cầm

Ngành chăn nuôi các địa phương tăng cường phối hợp với chính quyền, hộ chăn nuôi triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng chống bệnh cho gia súc, gia cầm.

Ngành chăn nuôi tỉnh Bạc Liêu đang phối hợp với chính quyền địa phương, hộ chăn nuôi triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng chống bệnh trên đàn lợn, nhất là các dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi… đang có nguy cơ bùng phát rất cao.

Theo đó, tỉnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực phòng ngừa dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; vận động người dân chăn nuôi theo phương thức trang trại, gia trại, an toàn sinh học, hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ và tiếp tục cấp sổ đăng ký chăn nuôi.

Đồng thời, tỉnh tăng cường kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi; phối hợp với các ngành, các cấp, các tỉnh lân cận, đội kiểm tra liên ngành các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuần tra, kiểm soát giết mổ, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm xuất nhập tỉnh, buôn bán tại các chợ…

Theo ông Trương Phước Thông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu, trên địa bàn xuất hiện dịch lở mồm long móng đến nay đã qua 21 ngày và không bùng phát ổ dịch mới. Song, ngành chức năng vẫn lo vì tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán gây khó khăn cho việc tiêm phòng, giám sát dịch bệnh và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch.

Cùng với đó, tình trạng vận chuyển, giết mổ, mua bán lợn trên địa bàn chưa được kiểm soát chặt, nhất là số lượng lợn nhập khá lớn, nguy cơ tái phát, lây lan các dịch bệnh trên đàn lợn rất cao, nhất là dịch lợn lở mồm long móng, lợn châu Phi…

Theo báo cáo của ngành chăn nuôi, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã phát hiện hơn 30 con lợn mắc bệnh lở mồm long móng. Điều đáng nói là, các con lợn mắc bệnh trên được phát hiện tại 3 lò giết mổ ở 3 địa phương khác nhau và ở một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong dân. Theo đó, có hơn 10 con lợn được phát hiện bệnh trong quá trình đang giết mổ chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ.

Bạc Liêu có tổng đàn lợn khoảng 249.000 con, tăng hơn 19.000 con so với năm 2018, số lợn này chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thị trường tiêu dùng trên địa bàn, số còn lại phải nhập ngoài tỉnh.

Chú thích ảnh
Tiêu hủy lợn bị chết do dịch lở mồm long móng tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Phan Sáu/TTXVN

Tại tỉnh Khánh Hòa hiện chưa xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi, tuy nhiên bệnh lở mồm long móng ở lợn đã và đang diễn ra tại nhiều địa phương trong tỉnh, khiến tỉnh Khánh Hòa đã phải tăng cường tối đa nhiều biện pháp để phòng chống dịch bệnh cho gia súc.

Theo đó, tỉnh Khánh Hòa đã thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp tỉnh để chỉ đạo, điều hành phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành liên quan trong việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật, nhất là trên gia súc. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, bệnh lở mồm long móng ở lợn đã xuất hiện tại các xã: Cam Tân, Suối Tân, Cam Thành Bắc (huyện Cam Lâm); xã Khánh Hiệp, Khánh Đông (huyện Khánh Vĩnh), xã Cam Phúc Bắc (thành phố Cam Ranh) và xã Phước Đồng (thành phố Nha Trang).

Cơ quan này đã phối hợp cùng các ngành Công an, Cục Quản lý thị trường thành lập 2 trạm kiểm dịch động vật tạm thời trên tuyến quốc lộ 1, qua địa bàn xã Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh, phía bắc tỉnh) và xã Cam Thịnh Đông (thành phố Cam Ranh, phía nam tỉnh). Các trạm này thực hiện trực 24/24, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ, cho đến khi có quyết định dừng hoạt động của UBND tỉnh Khánh Hòa.

Ngành nông nghiệp cũng đã sử dụng lượng hóa chất trong nguồn dự trữ chống dịch hiện có của địa phương để triển khai phun khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi và tại các khu vực, địa điểm có nguy cơ cao; phân bổ vắc xin và vật tư tiêm phòng đến các huyện, thị, thành phố để triển khai tiêm phòng với gần 29 nghìn liều vắc xin dịch tả lợn, gần 33 nghìn liều vắc xin tụ huyết trùng và 33 nghìn liều vắc xin lở mồm long móng cho trâu bò.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo lực lượng thú y phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện giám sát tình hình dịch bệnh đến các hộ, cơ sở chăn nuôi nhằm sớm phát hiện và xử lý dịch bệnh, tránh lây lan. Bên cạnh đó, các ngành chức năng tỉnh Khánh Hòa còn tăng cường vận động, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về công tác ngăn chặn và phòng chống dịch bệnh ở động vật hiện nay, không xảy ra tình trạng giấu dịch, mua bán và vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn bị bệnh, lợn chết….

Trong khi đó, tại tỉnh Điện Biên, ngày 26/3, UBND huyện Điện Biên đã ban hành Quyết định số 1109/QĐ-UBND công bố dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện.

Theo đó, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra trên địa bàn các xã: Noong Hẹt từ ngày 18/3; Phu Luông từ ngày 21/3; Thanh Luông, Na Ư, Thanh An và Thanh Nưa từ ngày 24/3. Đến ngày 26/3, toàn huyện Điện Biên đã tiêu hủy hơn 80 con, trong đó nhiều nhất là xã Phu Luông 60 con, Noong Hẹt 14 con.

Trước mắt, huyện Điện Biên sẽ thành lập hai chốt chặn tại các xã Thanh Nưa và Núa Ngam để ngăn chặn dịch lây lan sang các huyện lân cận như Điện Biên Đông, Mường Chà.

UBND huyện Điện Biên nghiêm cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn ra ngoài vùng có dịch; kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn trên địa bàn theo quy định. UBND huyện Điện Biên cũng yêu cầu các xã có dịch thành lập ban chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh, chết.

Chú thích ảnh
Người dân cho lợn chết vào bao tải để đem tiêu hủy. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Huyện thực hiện phun hóa chất tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; yêu cầu các hộ chăn nuôi lợn không được tái đàn khi chưa công bố hết dịch trên địa bàn; thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời để bao vây, khống chế ổ dịch trên cơ sở định hướng của ban chỉ đạo cấp huyện.

Ngoài ra, đối với các xã chưa có dịch tiếp tục thực hiện kế hoạch của UBND huyện về hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn.

Như vậy, tại tỉnh Điện Biên, đến thời điểm hiện tại, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện và được công bố thành dịch trên địa bàn 3 huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng và Điện Biên.

Huỳnh Sử - Tiên Minh -Xuân Tư (TTXVN)
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Ngăn chặn tối đa dịch tả lợn châu Phi lây lan vào miền Nam
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Ngăn chặn tối đa dịch tả lợn châu Phi lây lan vào miền Nam

Sáng 26/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi đã có cuộc họp đầu tiên để thống nhất các chương trình hành động tới đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN