Tp. Hồ Chí Minh là đầu mối tiêu thụ thịt lợn tại các tỉnh phía Nam, mỗi ngày Tp. Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng 10.000 - 11.000 con lợn, tương đương 750 - 800 tấn thịt lợn. Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tp. Hồ Chí Minh, thành phố hiện có 4.374 hộ chăn nuôi lợn, với tổng đàn 301.061 con; trong đó có 278 hộ nuôi lợn bằng cách tận dụng thức ăn thừa được thu gom tại các nhà hàng, quán ăn với tổng đàn 22.740 con, tập trung tại các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi và Quận 12. Bên cạnh đó, Tp. Hồ Chí Minh cũng là nơi tập trung nhiều khách du lịch trong và nước ngoài, trong đó có nhiều địa phương, quốc gia đang xảy ra dịch bệnh. Chính vì vậy, nên nguy cơ xâm nhiễm mầm bệnh ASF vào thành phố trong thời gian tới là rất cao.
Trước tình hình trên, ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tp. Hồ Chí Minh cho biết, để chủ động phòng ngừa, Chi cục đã liên tục triển khai thông tin và tăng cường giám sát tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố cũng như các nguồn lợn nhập từ các tỉnh vào. Ngoài ra, Chi cục cũng tổ chức lấy mẫu đối với nguồn lợn nhập để chủ động giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời những trường hợp lợn nhiễm bệnh mà chưa có dấu hiệu lâm sàng xâm nhập vào địa bàn thành phố.
Theo ông Huỳnh Tấn Phát, thời gian gần đây, Tp. Hồ Chí Minh có ghi nhận một số lô lợn được chuyển từ Vĩnh Phúc về Tp. Hồ Chí Minh để giết mổ. Kiểm tra lâm sàng chưa phát hiện dấu hiệu bất thường, nhưng Chi cục đã lấy mẫu giám sát để ngăn ngừa. Trên tinh thần đó, Chi cục cũng vận động các hộ chăn nuôi, hộ kinh doanh giết mổ phải thực hiện tiêu độc khử trùng để làm sạch môi trường; thực hiện các biện pháp an toàn sinh học ngăn chặn nguy cơ xâm nhập của dịch bệnh. Đồng thời yêu cầu các hộ chăn nuôi phải khai báo, cung cấp thông tin cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương khi phát hiện có lợn bệnh, lợn chết bất thường.
Ngoài ASF, trong bối cảnh các tỉnh, thành xung quanh Tp. Hồ Chí Minh đang có dịch lở mồm long móng trên gia súc, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tp. Hồ Chí Minh cũng tập trung thực hiện nhiều giải pháp phòng chống dịch bệnh. Ông Huỳnh Tấn Phát thông tin, hiện nay Chi cục đang tổ chức các đợt cao điểm tiêm phòng lở mồm long móng cho đàn gia súc trên địa bàn, đồng thời kiểm soát nguồn gia súc nhập vào các cơ sở giết mổ. Đây là biện pháp quan trọng nhất phòng chống nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Trong đó, đặc biệt lưu ý các cơ sở giết mổ không tiếp nhận nguồn gia súc từ các tỉnh đang và đã xảy ra dịch bệnh, bởi gia súc bị bệnh, dù đã khỏi vẫn mang mầm bệnh và có nguy cơ lây lan cho đàn gia súc của thành phố. Thành phố cũng tăng cường công tác tiêu độc khử trùng ở cả cơ sở giết mổ và cơ sở chăn nuôi để giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm vào các trang trại.
Trước đó, ngay từ đầu năm 2019, khi ASF bùng phát ở nhiều quốc gia và có nguy cơ lây lan sang Việt Nam, Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh đã xây dựng và ban hành kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống ASF, trong đó xây dựng cả kịch bản ứng phó với nhiều tình huống khác nhau khi ASF xuất hiện tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố. Trong đó khuyến cáo người chăn nuôi không điều trị lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh dịch ASF. Trường hợp xuất hiện ổ dịch là cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, trang trại không có dãy chuồng riêng biệt ở địa phương lần đầu tiên phát hiện lợn bị nhiễm ASF buộc phải tiêu hủy toàn đàn trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh dịch ASF. Việc tiêu hủy cũng được áp dụng đối với các đàn lợn xung quanh, liền kề với đàn lợn dương tính nhưng chưa được lấy mẫu xét nghiệm.
Ông Huỳnh Tấn Phát cho biết thêm, ASF và lở mồm long móng trên gia súc không lây nhiễm cho người, vì vậy người tiêu dùng không nên quá lo lắng khi sử dụng các sản phẩm thịt lợn, gia súc. Tuy nhiên, người chăn nuôi lợn và gia súc cần báo ngay cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương khi vật nuôi có dấu hiệu bị bệnh, không tự ý giết mổ và bán tháo thịt sẽ gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên diện rộng.
Theo Tổ chức Thú y Thế giới, ASF là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây lan nhanh và xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%. Vi rút ASF lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm vi rút như chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm vi rút và ăn thức ăn thừa chứa thịt lợn nhiễm bệnh hoặc bị ve mềm cắn. Lợn khỏi bệnh vẫn có khả năng mang vi rút trong thời gian dài, có thể là vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy khó có thể loại trừ hoàn toàn mầm bệnh nếu để xảy ra dịch.