Ông Trần Quang Trung, xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai hiện nuôi 1.000 con lợn thịt và lợn nái. Ngày 20/2, ngay khi nắm thông tin dịch đã xuất hiện ở một số tỉnh miền Bắc, ông Trung không cho người lạ tiếp cận khu vực nuôi lợn, tiến hành phun xịt, khử trùng chuồng trại. Với thức ăn cho lợn, ông quyết định chỉ sử dụng của những doanh nghiệp lớn, uy tín.
Theo bà Nguyễn Thanh Loan, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, gia đình bà đang nuôi 800 con lợn thịt. Qua tìm hiểu, bà được biết dịch tả lợn châu Phi lây lan qua đường thức ăn, trước đây, thỉnh thoảng bà vẫn mua thức ăn dư thừa của các bếp ăn công nghiệp về cho lợn. Tuy nhiên, khi dịch đã xuất hiện, bà quyết định ngừng sử dụng loại thức ăn này, chỉ dùng cám của các doanh nghiệp uy tín và tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh trên đàn lợn.
Bà Loan khẳng định: “Để phòng bệnh, tôi sẵn sàng chi thêm tiền mua thức ăn, tiêm phòng đầy đủ. Tuy nhiên, hiểu biết của tôi về dịch tả lợn châu Phi rất hạn chế, mong các cấp chính quyền cung cấp thêm thông tin để phòng chống bệnh hiệu quả hơn”.
Theo ông Phan Mạnh Hùng, Trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Ông Đồn (nằm trên Quốc lộ 1A, thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai), hiện trung bình mỗi ngày có khoảng 10 xe chở lợn (số lượng trên 1.500 con) từ các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam đi qua Trạm Kiểm dịch động vật Ông Đồn, điểm đến là các tỉnh Tây Nam Bộ. Do dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở miền Bắc nên Trạm Kiểm dịch động vật Ông Đồn đã huy động toàn bộ lực lượng, tăng cường kiểm tra, đảm bảo tất cả lợn qua trạm đều có xuất xứ, nguồn gốc, đã được kiểm dịch.
Ông Hùng chia sẻ, hiện nay, giá lợn ở miền Nam đang cao hơn các tỉnh miền Bắc, dự báo, số lượng lợn đi từ Bắc vào Nam sẽ tăng trong những ngày tới. Với lợn có biểu hiện mang bệnh, Trạm Kiểm dịch động vật Ông Đồn kiên quyết ngăn chặn, không cho lưu thông.
Trong vài ngày qua, có một số xe chở lợn đã không tuân thủ quy định của pháp luật, cố tình vượt Trạm Kiểm dịch động vật Ông Đồn. Đây là vấn đề rất đáng lo, trạm đang làm việc với lực lượng cảnh sát giao thông nhằm xử lý xe chở động vật vượt trạm.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, Hiệp hội đang theo dõi sát diễn biến của dịch tả lợn châu Phi. Để phòng bệnh, trước mắt, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai khuyến cáo người chăn nuôi tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin, vệ sinh khử trùng chuồng trại, giữ cho đàn lợn có sức khỏe tốt; không sử dụng các loại thức ăn trôi nổi trên thị trường, không mua bán lợn chết, mắc bệnh.
Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đang họp bàn, dự kiến mời các chuyên gia trong lĩnh vực thú y để tổ chức hội thảo tại các địa phương, giúp người nuôi lợn nắm được những kiến thức chuyên sâu để phòng chống dịch.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai, số lượng đàn lợn của Đồng Nai hiện đứng đầu cả nước, trên địa bàn tỉnh có đường cao tốc, 3 tuyến quốc lộ đi qua; nhiều doanh nghiệp đang hoạt động, số người hàng ngày di chuyển từ Đồng Nai ra các tỉnh miền Bắc và sang các nước đang có dịch tả lợn châu Phi rất lớn, nguy cơ dịch lây lan, phát tán trên địa bàn tỉnh rất cao.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết, ngay khi nắm thông tin dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Hưng Yên và Thái Bình, sáng 20/2, cơ quan chức năng của Đồng Nai đã tổ chức cuộc họp, đề ra các giải pháp ứng phó khẩn cấp dịch bệnh. Sắp tới, Đồng Nai sẽ tổ chức hội nghị cấp tỉnh và cấp huyện nhằm cung cấp cho người nuôi lợn giải pháp phòng chống dịch.
Cơ quan thú y phối hợp với các địa phương tăng cường giám sát dịch tễ, nếu phát hiện lợn mắc dịch bệnh có yếu tố bất thường lập tức lấy mẫu xét nghiệm; thành lập thêm một trạm kiểm dịch động vật trên Quốc lộ 20, nhằm kiểm soát việc vận chuyển lợn từ các tỉnh Tây Nguyên qua địa bàn Đồng Nai, tăng cường kiểm dịch tại các cơ sở giết mổ, tiến hành tiêu độc khử trùng trong phạm vi toàn tỉnh.
Trường hợp phát hiện ổ dịch, tỉnh lập tức tiêu hủy ngay đàn lợn nhiễm bệnh và những đàn lợn ở khu vực xung quanh có nguy cơ nhiễm bệnh.
Theo ông Trần Văn Quang, dịch tả lợn châu Phi không có vắc-xin phòng bệnh, không có khái niệm chữa trị, 100% lợn mắc bệnh bị chết, tuy nhiên, loại dịch bệnh này hoàn toàn không lây sang người. Người chăn nuôi và người tiêu dùng cần nhận thức rõ vấn đề này, dù dịch đã xuất hiện ở Việt Nam, nhưng mọi người vẫn nên sử dụng các sản phẩm thịt lợn (đảm bảo nguồn gốc xuất xứ) một cách bình thường. Người tiêu dùng không nên hoang mang, tẩy chay các sản phẩm thịt lợn, ảnh hưởng đến thị trường cũng như tình hình chăn nuôi.
Ông Quang nhấn mạnh: “Cách phòng trị dịch tả lợn châu Phi hiệu quả nhất là người chăn nuôi thường xuyên thực hiện vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh. Khi phát hiện lợn có biểu hiện bất thường hoặc chết không rõ nguyên nhân thì báo cơ quan chức năng; đồng thời mua con giống rõ nguồn gốc; không nên sử dụng thức ăn dư thừa, không rõ xuất xứ. Bên cạnh đó, không cho người lạ (đặc biệt là thương lái) vào khu chuồng trại vì những người này có thể mang theo mầm bệnh từ nơi khác vào”.