Bộ Y tế làm rõ phản ánh việc sáp nhập doanh nghiệp

Ngày 15/11, Bộ Y tế đã có công văn phúc đáp công văn của Văn phòng Chính phủ về việc phản ánh, kiến nghị của bà Lê Thị Minh Châu – cổ đông Công ty Cổ phần Nhựa Y tế Mediplast liên quan đến nội dung thoái vốn nhà nước, sáp nhập giữa Mediplast vào Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam – CTCP (VINAMED).

Bộ Y tế đã có công văn phúc đáp yêu cầu làm rõ sự việc.

Theo Bộ Y tế, Tổng công ty Thiết bị Y tế Việt Nam trước khi cổ phần hóa là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Y tế, đồng thời là chủ sở hữu nhà nước nắm giữ các khoản đầu tư của nhà nước tại các công ty cổ phần.


Tổng công ty Thiết bị Y tế Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa năm 2015, trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, số cổ phần đầu tư tại các doanh nghiệp, trong đó có 792.700 cổ phần tại Công ty cổ phần Nhựa Y tế Mediplast (48,04% vốn điều lệ) và 358.333 cổ phần tại Công ty cổ phần Danameco (8,59% vốn điều lệ) đã được định vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam và chuyển thành vốn điều lệ Tổng Công ty Thiết bị Y tế – CTCP theo phương án cổ phần hóa Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2265/QĐ-TTg ngày 15/12/2015 với cơ cấu phát hành lần đầu: Vốn điều lệ doanh nghiệp 88 tỷ đồng, nhà nước nắm giữ 20% vốn điều lệ.


Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam đã thực hiện xong các bước cổ phần hóa doanh nghiệp và chuyển đổi thành công ty cổ phần hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần ngày 12/7/2016 do Phòng đăng ký kinh doanh số 01 Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp ngày 12/7/2016. Như vậy, kể từ ngày 12/7/2016 Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam là doanh nghiệp cổ phần, không còn là doanh nghiệp nhà nước, mọi hoạt động của Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam – CTCP được tuân thủ theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ hoạt động công ty cổ phần thông qua hội đồng quản trị và đại hội đồng cổ đông công ty. Việc quản lý vốn nhà nước (20% vốn điều lệ) tại Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam – CTCP thì nhà nước có người đại diện quản lý vốn tại doanh nghiệp; người đại diện quản lý vốn tại doanh nghiệp phải xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước thực hiện các quyền của cổ đông nhà nước trong công ty cổ phần (đồng ý hay phản đối chủ trương đầu tư, phương án kinh doanh, tái cơ cấu công ty cổ phần) nhưng không có quyền phủ quyết phương án đầu tư, kinh doanh đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần đã biểu quyết thông qua.


Việc cơ cấu lại Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam (chuyển nhượng cổ phần tại các doanh nghiệp do Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam – CTCP đầu tư, nắm giữ, sáp nhập Công ty Cổ phần Nhựa Y tế Mediplast vào Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam – CTCP) theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Minh Châu; Bộ Y tế có ý kiến như sau:


Việc chuyển nhượng 750.000 cổ phần tại Công ty cổ phần Nhựa y tế Mediplast (Mediplast) và 358.333 cổ phần tại Tổng công ty cổ phần y tế Danameco (Danameco): Đây là các khoản đầu tư của Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam – CTCP tại các doanh nghiệp là thuộc thẩm quyền của Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam – CTCP theo quy định của Luật Doanh nghiệp và điều lệ hoạt động của Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam – CTCP (Hội đồng quản trị quyết định các dự án đầu tư, góp vốn, mua cổ phần của công ty khác, bán, thế chấp, cầm cố, thuê hoặc chuyển nhượng tài sản của công ty có giá trị dưới 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty và theo quy định của pháp luật);


Về quản lý vốn đầu tư tại các công ty cổ phần (số cổ phần đầu tư tại Mediplast và Danameco nguồn gốc là số cổ phần nhà nước do Công ty TNHH một thành viên Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam trực tiếp nắm giữ, đứng chủ sở hữu đã được định giá tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa và chuyển thành vốn điều lệ công ty cổ phần) của Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam – CTCP thuộc nội dung quản lý của công ty cổ phần. Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam là doanh nghiệp cổ phần không phải công ty nhà nước do đó không thuộc đối tượng áp dụng theo điều 38, Nghị định 91/15/NĐ-CP về chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên (không vi phạm Nghị định 91/2015/NĐ-CP).


Việc sáp nhập Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam – CTCP (Vinamed) và Công ty Cổ phần Nhựa y tế Mediplast (Mediplast) thành một pháp nhân: Theo quy định của Luật Doanh nghiệp là thuộc thẩm quyền của Vinamed và Mediplast. Các bên nhận sáp nhập và bị sáp nhập đã thực hiện theo đúng trình tự thủ tục quy định tại khoản 2, điều 95 Luật Doanh nghiệp năm 2014, phương án sáp nhập đã được thông qua đại hội đồng cổ đông. Trong quá trình lấy phiếu biểu quyết để thông qua phương án sáp nhập tại đại hội đồng cổ đông thường niên Vinamed, người đại diện phần vốn nhà nước đã thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Y tế biểu quyết không thay đổi quy mô và cơ cấu vốn điều lệ của doanh nghiệp. Tuy nhiên với tỷ lệ vốn nhà nước là 20% (dưới 65%), không đủ để phủ biểu quyết phương án sáp nhập. Phương án sáp nhập đã được thông qua đại hội đồng cổ đông thường niên Vinamed với tỷ lệ 79,55% số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự đại hội đồng cổ đông, đại hội đồng cổ đông bất thường Mediplast với tỷ lệ 81,4% số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự đại hội đồng cổ đông. Sau khi được đại hội đồng cổ đông biểu quyết thông qua phương án sáp nhập, Vinamed đã thực hiện thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp. Trên cơ sở hồ sơ sáp nhập, sau khi thẩm định chặt chẽ, kiểm tra tính hợp pháp của hồ sơ, được sự hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới cho Vinamed.


Việc sáp nhập Mediplast và Vinamed thành một pháp nhân Vinamed đã dẫn đến thay đổi tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước nắm giữ tại Vinamed từ 20% xuống còn 14% làm thay đổi cơ cấu phát hành lần đầu theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 2265/QĐ-TTg có nguyên nhân là do thông qua việc sáp nhập số vốn điều lệ Vinamed đã được tăng thêm nhưng số cổ phần nhà nước trong Vinamed vẫn được giữ nguyên, cụ thể:


Theo quyết định số 2265/QĐ-TTg ngày 15/12/2015, của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam – CTCP, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu: Vốn điều lệ 88 tỷ đồng, nhà nước nắm giữ 1.760.000 cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ.


Khi Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam chuyển thành Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam – CTCP vào ngày 12/7/2016 Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp ngày 12/7/2016. Vốn điều lệ của Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam – CTCP là 88 tỷ đồng; vốn nhà nước là 17,6 tỷ đồng, số cổ phần là 1.760.000 cổ phần, tỷ lệ 20% vốn điều lệ.


Sau khi sáp nhập, vốn điều lệ của Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam – CTCP đã tăng lên với số vốn là 125,689 tỷ đồng; vốn nhà nước là 17,6 tỷ đồng , số cổ phần là 1.760.000 cổ phần (vốn nhà nước và số cổ phần không thay đổi so với Giấy chứng nhận doanh nghiệp ngày 12/7/2016, thời điểm doanh nghiệp chuyển sang công ty cổ phần), tỷ lệ vốn nhà nước là 14%.


Việc sáp nhập này đã làm thay đổi về tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ song không làm giảm giá trị số vốn nhà nước, số lượng cổ phần nhà nước trong Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam – CTCP; mặt khác tỷ lệ này vẫn còn tiếp tục thay đổi, theo quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 thì trong năm 2018, toàn bộ số vốn nhà nước tại Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam – CTCP sẽ được chuyển về SCIC và thực hiện thoái toàn bộ để tỷ lệ vốn nhà nước tại Vinamed sẽ chỉ còn là 0%.


Thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC); ngày 10/10/2017, Bộ Y tế và SCIC đã chính thức bàn giao, ký biên bản chuyển giao quyền đại chủ sở hữu nhà nước tại Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam – CTCP từ Bộ Y tế về SCIC để chỉ đạo, quản lý theo quy định.


Trước đó, báo Tin tức đã nhận được công văn số 111/TCT-HCQT của Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam – CTCP về việc đăng tải thông tin liên quan đến việc Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế làm rõ việc sáp nhập Mediplast vào Vinamed kèm theo công văn kiến nghị khẩn cấp gửi Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình. Theo đó, bà Lê Thị Minh Châu đã có đơn gửi Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phản ánh, kiến nghị một số nội dung liên quan đến thoái vốn nhà nước, sáp nhập giữa Mediplast vào Vinamed như: Việc sáp nhập Mediplast vào Vinamed làm giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tại Vinamed từ 20% xuống còn 14%; việc Hội đồng quản trị Vinamed đã bán 750.000 cổ phần (tương đương 45,5 % vốn điều lệ) của Mediplast trái quy định…. Về việc này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ Y tế kiểm tra, làm rõ phản ánh của bà Lê Thị Minh Châu. Sau khi nhận được yêu cầu làm rõ việc sáp nhập này, Bộ Y tế đã có công văn phúc đáp lại với nội dung như trên.


TT/Báo Tin tức
10 tháng thu về hơn 16.700 tỷ đồng tiền thoái vốn
10 tháng thu về hơn 16.700 tỷ đồng tiền thoái vốn

Bộ Tài chính cho biết, lũy kế 10 tháng năm 2017, các đơn vị đã thoái được 4.473 tỷ đồng, thu về 16.764 tỷ đồng (bao gồm cả các khoản thoái vốn trong năm 2016 các đơn vị mới báo cáo trong 10 tháng đầu năm 2017).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN