Cụ thể, thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm được 192 tỷ đồng, thu về 301 tỷ đồng; thoái vốn đầu tư ở doanh nghiệp khác (ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm) được 2.694 tỷ đồng, thu về 3.959 tỷ đồng.
Dây chuyền sản xuất sữa tại Nhà máy sữa Vinamilk tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: TTXVN |
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) đã bán vốn tại 35 doanh nghiệp với giá trị là 1.586 tỷ đồng, thu về 12.503 tỷ đồng (trong đó bao gồm cả số thoái trong năm 2016 của Vinamilk với giá trị sổ sách 783,7 tỷ đồng, thu về 11.286,4 tỷ đồng).
Riêng tháng 10/2017, các đơn vị thoái được 634 tỷ đồng, thu về 765 tỷ đồng, bao gồm thoái vốn ở lĩnh vực tài chính ngân hàng được 86 tỷ, thu về 196 tỷ đồng; thoái vốn đầu tư ở doanh nghiệp khác được 483 tỷ đồng, thu về 495 tỷ đồng (Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam thoái 262 tỷ đồng tại Công ty TNHH Sửa chữa tầu biển Vinalines – VNLSY, thu về 81 tỷ đồng); SCIC đã bán vốn được 64 tỷ đồng, thu về 74 tỷ đồng.
Theo báo cáo của các đơn vị gửi về đến hết tháng 10 thì có 5/135 đơn vị thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, gồm: Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và đô thị Lạng Sơn; Công ty cổ phần Cấp thoát nước Long An; Công ty cổ phần Cấp nước Ninh Thuận; Công ty cổ phần Quản lý Đường thủy nội địa và Xây dựng giao thông Thanh Hóa. Công ty cổ phần Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 1. Tổng giá trị vốn nhà nước của 5 doanh nghiệp thoái là 54.779 triệu đồng, thu về 71.911 triệu đồng.
Đồng thời, Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án thoái vốn nhà nước tại Sabeco trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Về cổ phần hóa thì 10 tháng năm 2017, đã có 38 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa.
Tổng giá trị thực tế của 38 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 81.050 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 20.917 tỷ đồng.
Theo phương án cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì vốn điều lệ của 38 đơn vị là 25.928 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 12.667 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.966 tỷ đồng, bán cho người lao động 212 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 20 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 5.063 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng cho biết, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước quy mô lớn cũng tích cực đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa như: triển khai kế hoạch cổ phần hóa tại Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), các Tổng công ty phát điện 2, 3 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Công bố giá trị doanh nghiệp tại Tổng công ty Điện lực Dầu khí, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam...
Ngoài ra, có 4 doanh nghiệp thuộc danh sách thực hiện cổ phần hóa trong năm 2017 theo công văn số 991/TTg-ĐMDN nhưng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa trong năm 2016, là Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tuyên Quang, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Tuyên Quang, Công ty TNHH MTV Cấp nước Vĩnh Long, Công ty TNHH MTV Công trình công cộng Vĩnh Long.
Đánh giá về quá trình thực hiện, Bộ tài chính nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm, chưa đạt được tiến độ, kế hoạch đề ra, do các nguyên nhân, việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại theo Quyết định số 707/QĐ-TTg của các Bộ, địa phương, Tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn chậm.
Một số bộ, ngành, địa phương, lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước vẫn còn tư tưởng e ngại, chưa quyết liệt, sợ trách nhiệm trong triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn.
Đối tượng cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp, cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý, kiểm toán nhà nước trước khi công bố giá trị doanh nghiệp.
Việc bàn giao các doanh nghiệp đã cổ phần hóa về SCIC còn chậm (đã có 46 doanh nghiệp các bộ, ngành, địa phương đã thống nhất chuyển giao nhưng chưa chuyển giao và 176 doanh nghiệp chưa thống nhất chuyển giao về SCIC).
Các doanh nghiệp đã cổ phần hóa chậm thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Những tháng cuối năm, để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính cho biết sẽ sớm thành lập “Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp” làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tăng cường vai trò giám sát đối với doanh nghiệp; cơ quan giám sát, doanh nghiệp cùng có trách nhiệm thực hiện công khai hóa các thông tin về hoạt động của doanh nghiệp để các nhà đầu tư nắm bắt cơ hội, điều kiện thuận lợi tham gia đầu tư cùng doanh nghiệp.