Vườn quốc gia Bái Tử Long là một trong số 30 Vườn quốc gia trên phạm vi cả nước và là một trong 7 Vườn quốc gia được giao quản lý cả hệ sinh thái rừng và hệ sinh thái biển.
Giá trị đa dạng sinh học nổi bật
Theo đáng giá của ông Phạm Xuân Phương, Trưởng phòng Bảo tồn biển, đất ngập nước-Tổng cục Môi trường: Vườn Quốc gia Bái Tử Long là nơi lưu giữ những giá trị thiên nhiên và văn hóa đặc sắc trong vùng Đông Bắc Việt Nam, bao gồm giá trị đa dạng sinh học cao, cảnh quan đẹp và hoang sơ, môi trường trong sạch ít bị ô nhiễm.
Ngày 30/9/2016, Vườn quốc gia Bái Tử Long đã chính thức được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á công nhận là Vườn di sản ASEAN, với các giá trị nổi bật về đa dạng loài và nguồn gen: Tính đến tháng 12/2017 đã thống kê được 2.235 loài sinh vật. Trong đó nhóm sinh vật trên cạn có 992 loài; nhóm sinh vật biển có 1.243 loài. Số loài có tên trong Sách đỏ thế giới (Danh lục Đỏ IUCN), Sách đỏ Việt Nam và Nghị định 32, Nghị định 160 của Chính phủ là 108 loài. Đặc biệt, là có trên 10 loài nằm trong Danh lục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ. Ba Mùn là nơi còn tồn tại một quần thể Nai duy nhất trong vùng Đông Bắc Việt Nam.
Các hệ sinh thái của Vườn quốc gia Bái Tử Long rất phong phú, bao gồm hệ sinh thái rừng lá rộng thường xanh nhiệt đới trên núi đất; hệ sinh thái rừng lá rộng thường xanh nhiệt đới trên núi đá vôi; suối nước ngọt trên đảo; rạn san hô; rừng ngập mặn; thảm cỏ biển; hệ sinh thái vùng triều; tùng, áng.
Giá trị đa dạng sinh học nổi bật của Vườn quốc gia Bái Tử Long được thể hiện qua 3 khía cạnh. Trước hết là tính đại diện, đặc thù bao gồm các hệ sinh thái nêu trên. Tuy vậy, hệ sinh thái rừng lá rộng thường xanh nhiệt đới trên núi đất và hệ sinh thái suối nước ngọt trên đảo đất có thể xem là điểm khác biệt duy nhất với Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Ngoài ra, còn có các hệ sinh tái tùng, áng, hồ nước mặn trên đảo rất đặc thù chỉ có ở vùng vịnh Bái Tử Long - vịnh Hạ Long. Khía cạnh thứ hai là tính toàn vẹn (đầy đủ) về sinh thái: Các hệ sinh thái ở đây tạo nên một tổ hợp sinh cảnh còn toàn vẹn cho cả khu vực. Đây là trường hợp độc đáo của hệ thống các Vườn quốc gia của Việt Nam cũng như trên thế giới, khi có các hệ sinh thái điển hình và còn khá nguyên vẹn. Đặc biệt là khi đặt Vườn quốc gia Bái Tử Long trong bối cảnh mà các hệ sinh thái toàn cầu đang đứng trước tình trạng bị phân mảnh và chia cắt nghiêm trọng.
Khía cạnh thứ ba của Vườn là tính độc đáo: Tiêu biểu là đảo Trà Ngọ Lớn có cấu tạo địa chất khá đặc biệt, một thân đảo có 2 nền địa chất với nguồn gốc hình thành rất khác nhau. Phía Bắc đảo là “núi đất” trên nền đá lục nguyên chiếm gần 1/3 diện tích đảo (hơn 400ha). Phía Nam đảo là núi đá vôi, đặc trưng bởi địa hình Castơ có nhiều hang động và tùng áng (rộng hơn 1.100ha). Điểm giao thoa giữa hai hệ sinh thái núi đất và núi đá vôi này là các tùng, áng và tại tùng, áng này có hệ sinh thái rừng ngập mặn (áng Cái Lim). Đây là hệ sinh thái được các chuyên gia cao cấp của Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) đánh giá là độc đáo nhất Đông Nam Á về cả mặt sinh thái, khoa học,giáo dục đào tạo.
Môi trường trong lành, cảnh quan còn giữ được nét hoang sơ quyến rũ với rất nhiều đặc trưng khác biệt của cảnh quan các hệ sinh thái, cảnh quan các giá trị về địa chất địa mạo, giá trị về văn hoá, lịch sử với những di chỉ khảo cổ về dấu tích người Việt cổ có niên đại cách đây khoảng 14.000 năm tại đảo Soi Nhụ. Dấu tích một thương cảng cổ Vân Đồn sầm uất cách đây hàng ngàn năm và các lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá địa phương tại các xã Minh Châu, Quan Lạn,..
Quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt tài nguyên, môi trường
Căn cứ hiện trạng đa dạng sinh học và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long đã tiến hành lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch để phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát triển tài nguyên đa dạng sinh học biển và được UBND tỉnh phê duyệt vào các năm 2007 và 2018. Công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển của Vườn quốc gia Bái Tử Long. Do vậy trong 16 năm qua, Ban quản lý luôn giành phần lớn chỉ tiêu biên chế cho lực lượng chuyên trách (Hạt Kiểm lâm) với trên 50% quân số cơ quan để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ bảo vệ tận gốc tài nguyên, môi trường Vườn quốc gia. Phân công 1 Phó Giám đốc Ban quản lý trực tiếp chỉ đạo công tác hiện trường.
Vườn cũng từng bước hoàn thiện việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật; mua sắm các trang thiết bị; quan tâm thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách. Xây dựng hành lang pháp lý cho việc thực thi pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ (Quy định về công tác tuần tra kiểm soát bảo vệ tài nguyên rừng, tài nguyên biển trong ranh giới Vườn quốc gia Bái Tử Long. Q
uy định về các hoạt động cấm và các hoạt động được phép tiến hành trong Vườn và khu vực xung quanh. Xây dựng Quy chế phối hợp giữa Ban quản lý Vườn với UBND huyện Vân Đồn và UBND các xã vùng đệm). Nhất là xây dựng mạng lưới cộng đồng chia sẻ lợi ích, nuôi trồng thủy sản làm “tai, mắt” cho lực lượng quản lý. Cũng như xây dựng và thực hiện kế hoạch, chương trình truyền thông giáo dục pháp luật, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường; tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, biển.
Hằng năm Vườn phối hợp với các lực lượng như Công an huyện Vân Đồn, Kiểm ngư, Thanh tra thủy sản cùng ra quân kiểm tra phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thủy sản; đánh giá kết quả công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng với UBND các xã vùng đệm hằng năm. Nhờ làm tốt công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học và tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng nên các hành vi xâm hại tài nguyên ngày càng giảm cả về quy mô và cường độ (năm 2008 có 14 vụ vi phạm, đến năm 2017 chỉ có 3 vụ). Vì vậy tài nguyên đa dạng sinh học trong Vườn quốc gia ngày càng được bảo tồn và phát triển tốt .
Thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích
Ban quản lý Vườn quốc gia đã tổ chức thực hiện Phương án thí điểm chia sẻ lợi ích, quyền và nghĩa vụ của Ban quản lý Vườn quốc gia với cộng đồng địa phương theo nguyên tắc đồng quản lý và việc giao vùng đất ngập nước cho cộng đồng quản lý và người dân được hưởng lợi từ việc khai thác có chọn lọc loài thủy sản được chia sẻ. Qua gần 5 năm thực hiện phương án với trên 30 hộ dân địa phương tham gia, có thu nhập ổn định 6 – 7 triệu đồng/người/tháng, các loài thủy sản (đặc biệt là các loài ốc) và hệ sinh thái được phục hồi. Lực lượng cộng đồng địa phương thực hiện Phương án đã tích cực hỗ trợ, “là tai, mắt”, tham gia bảo vệ tài nguyên rừng.
Vườn còn tổ chức tốt các hoạt động bảo tồn Rùa biển. Kể từ năm 2006 đến nay theo Thỏa thuận với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Qua nghiên cứu, đánh giá của Tổ chức IUCN thì khu vực vịnh Bái Tử Long có mật độ quần thể Rùa biển (loài Đồi Mồi) lớn nhất Việt Nam. Vườn thành lập trên 50 tình nguyện viên; đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho trên 15 tình nguyên viên tại Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và trên 100 cán bộ địa phương và Vườn quốc gia. Tuyên truyền trên 4.000 học sinh và giáo viên các trường THCS huyện Vân Đồn, Cô Tô theo hình thức cuộc thi “Rung chuông vàng”, trên 300 cán bộ cấp xã, các ban ngành đoàn thể huyện, trên 1.500 lượt người dân có hoạt động nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản trên khu vực. Tổ chức cứu hộ gần 30 cá thể Rùa biển bị mắc lưới, trong đó có 15 cá thể là loài Đồi Mồi. Có trên 20 thông tin của cộng đồng thông báo đã chủ động cứu hộ và thả Rùa biển về môi trường tự nhiên. Tổ chức theo dõi trên 20 lượt loài Vích lên làm tổ đẻ trứng, có 3 tổ đẻ thành công (2 tổ tại bãi Cồn Trụi; 1 tổ tại bãi Thanh Lân), có 1 tổ nở thành công sau 71 ngày ấp trứng với 50 cá thể được thả về biển.
Vườn thường xuyên tổ chức các hoạt động điều tra, giám sát đa dạng sinh học trên các hệ sinh thái biển hằng năm, trong đó có trên 30 đợt giám sát hệ sinh thái rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rạn san hô để theo dõi, đánh giá về sự sinh trưởng, phát triển và biến động của các hệ sinh thái. Tham gia các đợt điều tra hệ sinh thái biển để lập báo cáo quy hoạch. Bước đầu triển khai việc thu thập, phân tích các chỉ số môi trường nước biển trong Vườn quốc gia để phục vụ công tác quản lý. Trên cơ sở số liệu điều tra, hàng năm tổng hợp báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học của Vườn.
Vườn quốc gia Bái Tử Long đã và đang triển khai các đề tài nhiên cứu khoa học mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Tiêu biểu như nghiên cứu ương giống và nuôi thử nghiệm loài Hải Sâm trắng. Đề tài đã nghiên cứu thành công và đã xây dựng được bản hướng dẫn kỹ thuật về ương giống và nuôi thương phẩm loài Hải sâm trắng tại Vườn quốc gia. Đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình sinh sản nhân tạo giống Sá sùng (Sipunculus nudus Linneaus, 1766) tại Quảng Ninh”. Đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình ương, nuôi thương phẩm loài Ngao ô vuông (Periglypta puerpera Linnaeus, 1771) tại Vườn quốc gia Bái Tử Long”. Đề tài “Nghiên cứu giá trị hệ sinh thái Tùng, Áng trong lòng núi đá vôi và núi đất xen kẽ núi đá vôi tại Vườn quốc gia Bái Tử Long”….
Ngoài xây dựng tài liệu tuyên truyền về Vườn quốc gia Bái Tử Long; quảng bá trên trang Website, sách báo, đĩa DVD, tờ rơi. Vườn tổ chức các cuộc thi về bảo vệ động thực vật hoang dã, tổ chức hội nghị ngư dân trên biển, Hội nghị tổng kết công tác quản lý các nguồn tài nguyên, tuyên truyền các quy định của pháp luật. Xây dựng Trung tâm giáo dục cộng đồng, Bảo tàng đa dạng học nhằm lưu giữ tư liệu, giới thiệu, giáo dục trong cộng đồng và du khách về giá trị quý báu của của Vườn quốc gia. Từ đó nâng cao nhận thức góp phần làm tốt công tác quản lý bảo vệ. Tổ chức tuyên truyền vận động trên 600 chủ hộ nuôi thủy sản và chủ phương tiện hoạt động trong khu vực ký cam kết bảo vệ môi trường.
Qua gần 5 năm triển khai thực hiện Phương án đồng quản lý “Chia sẻ lợi ích trong quản lý, khai thác và phát triển bền vững nguồn lợi nhuyễn thể tự nhiên trên vùng đất ngập nước Vườn quốc gia Bái Tử Long”, đã khẳng định hiệu quả rõ rệt cả về bảo tồn lẫn sinh kế ổn định của người dân địa phương. Mật độ, trữ lượng các loài thủy sản đưa vào chia sẻ đã tăng 4 – 5 lần so với trước khi thực hiện Phương án, thu nhập của người dân ổn định hằng tháng bình quân 6 – 7 triệu đồng/người/tháng. Phương án đã và đang được Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long áp dụng nhân rộng lên toàn bộ diện tích vùng triều của Vườn quốc gia, nghiên cứu mở rộng đối tượng loài thủy sản tham gia chia sẻ lợi ích.
Bài 3-Những tác động bất lợi đối với đất ngập nước