Dẫn hai nguồn tin biết rõ các dự án, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho biết tàu sân bay Type 002 – tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc đồng thời là tàu tự đóng thứ 2 của nước này – đã bắt đầu bước vào giai đoạn lắp ráp cuối cùng.
“Quá trình lắp ráp tàu sân bay mới đã bắt đầu và dự kiến hoàn thành vào nửa đầu năm sau do đại dịch COVID-19 làm chậm tiến trình. Công nhân cũng đã bắt tay xây dựng con tàu chị em với tàu mới. Cả hai tàu đều đang được chế tạo và lắp ráp tại nhà máy đóng tàu Jiangnan ngoại ô Thượng Hải”, nguồn tin giấu tên tiết lộ.
Trong khi đó, nguồn tin thứ hai cho hay quá trình đóng con tàu chị em với tàu sân bay Type 002 đã bắt đầu từ năm 2018 song cũng đã phải tạm ngừng vào năm ngoái vì lý do kỹ thuật.
“Quá trình đóng tàu Type 002 thứ hai sẽ nhanh hơn quá trình đóng con tàu đầu tiên vì thợ đã có kinh nghiệm và xử lý được nhiều vấn đề khi đóng con tàu thứ nhất. Đây là một công việc khó khăn vì Type 002 là tàu sân bay đầu tiên hoàn toàn được thiết kế và chế tạo trong nước”, nguồn tin thứ hai nói.
Theo những bức ảnh được đăng gần đây trên các trang mạng xã hội Trung Quốc, các công đoạn lắp ráp những thành phần đúc sẵn của tàu đã được hoàn thiện khi so với hình ảnh vệ tinh được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) của Mỹ ghi lại vào tháng 4/2019.
Video Trung Quốc chính thức đưa vào phiên chế tàu sân bay Sơn Đông (nguồn: SCMP):
Quá trình đóng tàu sân bay Type 002 bắt đầu từ đầu năm 2015. Đây là tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc sau tàu Liêu Ninh và tàu Sơn Đông.
Không giống hai tàu sân bay Type 001 do Nga thiết kế được trang bị hệ thống đường băng dốc trượt tuyết, tàu sân bay Type 002 sẽ sở hữu hệ thống điện từ phóng máy bay tân tiến nhất, sánh ngang năng lực với tàu sân bay lớp Gerald R. Ford thế hệ mới của Hải quân Mỹ.
Công nghệ cất cánh điện từ đồng nghĩa với việc các máy bay chiến đấu ít bị hư hại và cho phép nhiều máy bay hơn cất cánh trong khoảng thời gian ngắn.
Tuy nhiên, theo nhà bình luận quân sự Liang Guoliang, tàu sân bay Type 002 chưa thể chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tính đến thời điểm này, Trung Quốc chỉ có tàu ngầm sử dụng công nghệ này và chưa áp dụng cho bất kỳ tàu chiến nổi trên mặt nước nào.
“Công nghệ năng lượng hạt nhân được thiết kế cho tàu sân bay thứ 5 của Trung Quốc, và có thể con tàu này sẽ được đóng tại nhà máy đóng tàu Dalian – nơi từng đóng tàu Sơn Đông”, chuyên gia Liang cho hay. Ông Liang bày tỏ hy vọng chiến đấu cơ tàng hình mới của Trung Quốc cũng sẽ ra mắt cùng với tàu sân bay Type 002 trong năm sau.
Trong khi đó, Zhou Chenming – nhà nghiên cứu thuộc viện khoa học quân sự Bắc Kinh Yuan Wang – lại cho rằng tàu sân bay Type 002 tiếp tục mang theo chiến đấu cơ J-15 tương tự như tàu Liêu Ninh và tàu Sơn Đông.
Theo như kế hoạch của Hải quân Trung Quốc, lực lượng này lên kế hoạch hoàn thành ít nhất 6 nhóm tàu sân bay cho đến năm 2035 để đạt được mục tiêu cân bằng sức mạnh hàng hải với Mỹ trên khu vực Thái Bình Dương.
Hiện Mỹ vẫn là quốc gia có lực lượng hải quân lớn mạnh nhất thế giới với 11 tàu sân bay đã đi vào hoạt động và 2 tàu sân bay khác đang trong quá trình xây dựng.