Số mới nhất của tạp chí Modern Weaponry trực thuộc tập đoàn quốc phòng nhà nước Trung Quốc Norinco có đăng tải 4 hình ảnh đồ họa về thiết kế của Xian H-20.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết nước này đã phát triển Xian H-20 trong nhiều năm và chưa từng công bố hình ảnh của máy bay ném bom mới này.
Qua 4 bức ảnh đồ họa, có thể thấy chiếc Xian H-20 sở hữu một khoang chứa vũ khí, hai cánh đuôi, một radar ở phía trước và hai bộ phận nạp khí ở hai bên thân máy bay, tất cả đều được phủ vật liệu hấp thu radar màu xám.
Những hình ảnh đồ họa này có nhiều tương đồng với chiến đấu cơ xuất hiện trong video quảng bá được công ty nhà nước AVIC Trung Quốc công bố vào tháng 1 để kỷ niệm 60 năm thành lập tập đoàn công nghiệp máy bay Xian (XAC)-đơn vị chịu trách nhiệm phát triển H-20.
Các thông tin trước đây cho biết Xian H-20 có thể được trang bị cả tên lửa hạt nhân lẫn tên lửa thông thường với trọng lượng cất cánh tối đa là 200 tấn và đạt vận tốc âm thành cùng năng lực phóng 4 tên lửa hành trình siêu thanh.
Nhà phân tích Jon Grevatt tại công ty Janes (Anh) đánh giá dựa trên những bức ảnh đồ họa được công khai có thể thấy Xian H-20 ưu tiên tính năng tàng hình và hoạt động trong khoảng cách xa. Các chuyên gia dự đoán Xian H-20 có thể tấn công đến địa điểm như căn cứ Mỹ tại Nhật Bản, đảo Guam, Philippines…
Ông Jon Grevatt nhấn mạnh: “Điều này đồng nghĩa với việc các lợi ích và tài sản của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương bị đe dọa. Trong trường hợp Xian H-20 đi vào hoạt động, máy bay ném bom này có tiềm năng 'thay đổi cuộc chơi'”.
Ông Grevatt dự đoán chiếc Xian H-20 sẽ đi vào hoạt động từ cuối thập niên 2020. Ông cũng cho rằng trong 10 năm qua, Trung Quốc đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và kiến thức trong phát triển máy bay tàng hình.
Việc Trung Quốc phát triển máy bay ném bom H-20 đã khiến dư luận quốc tế chú ý. Vào tháng 10/2020, Viện Nghiên cứu an ninh và quốc phòng Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh trong một báo cáo nhận định rằng máy bay ném bom tàng hình siêu thanh sẽ mang đến cho Trung Quốc “năng lực liên lục địa thực sự”.