Điều này tạo điều kiện để Mỹ tăng cường hỏa lực nhanh chóng trong trường hợp bùng phát xung đột.
Tờ Daily Mail (Anh) ngày 24/5 cho biết biện pháp mới sẽ tạo điều kiện để Không quân Mỹ chuyển những máy bay vận tải C-17 Globemaster III và C-130 Hercules thành cỗ máy chiến đấu chết chóc.
Như vậy, sau 2 năm thử nghiệm, Không quân Mỹ đã thành công trong phương pháp phóng “dù tên lửa” từ máy bay vận tải trên bầu trời New Mexico vào tháng 3. Cơ chế hoạt động của phương pháp này là gắn tên lửa hành trình dẫn đường tầm xa cài đặt sẵn mục tiêu lên loại dù đặc biệt.
Một khi máy bay vận tải đạt độ cao nhất định, những tên lửa hành trình được thả tự do. Các tên lửa này được cài đặt trước để nhận biết vị trí phù hợp, an toàn cách xa máy bay vận tải, từ đó kích hoạt và hướng đến mục tiêu đã định sẵn.
Theo trang PopularMechanics.com, các máy bay vận tải thường có tốc độ khiêm tốn và tính linh hoạt yếu khiến chúng thường yếu thế trước hỏa lực của kẻ thù. Tuy nhiên, trong trường hợp vũ khí trên máy bay vận tải mang phạm vi hoạt động đáng kể thì những vấn đề này không còn đáng lo ngại.
Tên lửa hành trình JASSM của Không quân Mỹ hiện nay có giá 1,8 triệu USD mỗi chiếc và tầm bắn vào khoảng 370km. PopularMechanics.com cũng đưa tin Không quân Mỹ dự trù mỗi máy bay vận tải có thể phóng được 32 tên lửa hành trình.
Không quân Mỹ hiện chỉ sở hữu 150 máy bay ném bom B-1, B-2 và B-52. Do vậy, 300 chiếc C-130 Hercules và 222 chiếc C-17 Globemaster đang phục vụ trong Không quân Mỹ hiện nay trong trường hợp được thay đổi công năng sẽ giúp ích rất nhiều cho lực lượng này.
Việc chuyển đổi máy bay vận tải thành chiến đấu cơ không phải là chưa từng có tiền lệ. Trong cuộc chiến Falklands 1982, Argentina đã sử dụng máy bay vận tải C-130 như một máy bay ném bom để tấn công các chiến hạm Anh.