COVID-19 tới 6h sáng 26/5: Thêm trên 11.000 ca tử vong; Ấn Độ vượt mốc 27 triệu ca nhiễm

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm gần nửa triệu ca nhiễm và trên 11.000 ca tử vong, trong đó riêng Ấn Độ là trên 4.100 ca, tuy nhiên, ca nhiễm mới tại nước này đã về quanh mốc 200.000 người.

Chú thích ảnh
Người dân cầm thẻ tiêm vaccine phòng COVID tại Ấn Độ. Ảnh: Getty Images

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 26/5 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 168.481.980 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.498.363 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 495.933 và 11.386 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 149.996.121 người, 14.987.496 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 96.300 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (208.886 ca), Brazil (73.073 ca) và Argentina (24.601 ca); Ấn Độ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 4.172 ca), tiếp theo là Brazil (2.005 ca) và Argentina (576 ca)

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 33.942.114 triệu người, trong đó có 605.053 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 27.156.382  ca nhiễm, bao gồm 311.421 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 16.194.209 ca bệnh và 452.031 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Hoạt động đi lại nhộn nhịp tại sân bay quốc tế Atlanta, Mỹ ngày 23/5, khi nước này đạt tiến bộ trong tiêm chủng. Ảnh: Reuters 

Ấn Độ vượt mốc 27 triệu ca nhiễm, tình hình chuyển biến tích cực

Tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ có dấu hiệu tích cực khi nước này ghi nhận trên 200.000 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua - chỉ bằng chưa đầy một nửa so với thời kỳ đỉnh cao trên 400.000 ca/ngày. Tổng ca mắc tại Ấn Độ đã vượt mốc 27 triệu người, trong đó trên 24,3 triệu người đã bình phục.

Chú thích ảnh
Chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Mogadishu, Somalia, ngày 24/2/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Mỹ kêu gọi "hành động khẩn cấp" về rủi ro tham dự Thế vận hội Tokyo

Các chuyên gia y tế công cộng của Mỹ đang kêu gọi "hành động khẩn cấp" để đánh giá các rủi ro của dịch COVID-19 liên quan đến Thế vận hội Mùa hè sắp tới ở Tokyo, Nhật Bản và các biện pháp bổ sung có thể được áp dụng để giảm thiểu những rủi ro đó.

Các chuyên gia - bao gồm Michael Osterholm từ Đại học Minnesota và các nhà nghiên cứu khác - đã viết trên Tạp chí Y học New England hôm 25/5 rằng họ khuyến nghị Tổ chức Y tế Thế giới "triệu tập ngay một ủy ban khẩn cấp" để tư vấn về cách tiếp cận quản lý rủi ro cho Olympic Tokyo. Các nhà nghiên cứu viết: "Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là ngọn đuốc Thế vận hội được thắp sáng, hủy tổ chức Thế vận hội có thể là lựa chọn an toàn nhất. Nhưng Thế vận hội Olympic là một trong số ít sự kiện có thể kết nối chúng ta vào thời điểm mất kết nối toàn cầu. Để chúng ta kết nối an toàn, chúng tôi tin rằng cần phải có hành động khẩn cấp để Thế vận hội này được tiến hành".

Do đại dịch, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã hoãn Thế vận hội Tokyo năm 2020 và lên lịch lại Thế vận hội vào mùa hè năm nay - bắt đầu từ ngày 23/7.

Chú thích ảnh
Một người dân Tokyo đi qua quả cầu mang biểu tượng Thế vận hội Tokyo. Ảnh: Getty Images

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng IOC nên phân loại các sự kiện thể thao khác nhau thành rủi ro thấp, trung bình hoặc cao tùy thuộc vào hoạt động. Ví dụ: một môn thể thao ngoài trời mà các đối thủ cạnh tranh cách xa nhau một cách tự nhiên, chẳng hạn như bắn cung hoặc cưỡi ngựa, có thể được coi là rủi ro thấp trong khi các môn thể thao tiếp xúc trong nhà, chẳng hạn như quyền anh hoặc đấu vật, có thể được coi là rủi ro cao.

Các nhà nghiên cứu nói rằng tại Nhật Bản, nơi sẽ tổ chức Thế vận hội, chỉ có chưa đến 5% dân số được tiêm chủng - và không phải tất cả các vận động viên tham gia Thế vận hội đều có thể được tiêm chủng. 

Canada thận trọng mở cửa lại

Một số tỉnh của Canada đã thận trọng thông báo kế hoạch mở cửa lại khi đất nước đang dần phục hồi sau làn sóng COVID-19 thứ ba.

Giới chức Y tế Canada cho biết, tỷ lệ lây nhiễm ở nước này đã giảm xuống 40% so với thời kỳ đỉnh cao giữa tháng 4. Tuy nhiên, số ca nhập viện và chăm sóc đặc biệt chỉ giảm lần lượt 15% và 10%.

Thủ tướng Canada, Justin Trudeau cho biết ông hy vọng việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng sẽ cho phép đất nước trở lại cuộc sống bình thường vào mùa thu năm nay. Hiện tại có trên một nửa người Canada đã được tiêm chủng, nhưng chỉ có không đầy 5% được tiêm đầy đủ.

Bahrain: Ca tử vong cao nhất từ khi dịch bùng phát

Trong khi đó, Bộ Y tế Bahrain ngày 24/5 cho biết nước này đã ghi nhận 28 ca tử vong do COVID-19 trong vòng 24 giờ qua - mức cao nhất theo ngày kể từ khi dịch bùng phát tại đảo quốc này. Hồi tuần trước, quốc gia vùng Vịnh này đã siết chặt biện pháp chống dịch tại các khu vực công cộng sau khi số ca mắc mới gia tăng mạnh.

Theo giới chức Bahrain, việc người dân tụ tập trong tháng lễ Ramadan và dịp lễ Eid của người Hồi giáo là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Hồi đầu tháng 5 này, giới chức Bahrain cho biết sẽ bổ sung thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi vào danh sách đối tượng được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Bangalore, Ấn Độ, ngày 24/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Australia: Bang Victoria ra một loạt hạn chế mới 

Giới chức y tế bang Victoria (Australia) xác nhận thêm 5 ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng và công bố một loạt các hạn chế mới đối với vùng đô thị Melbourne. Cụ thể, từ 6 giờ chiều 25/5, tất cả người dân từ 12 tuổi trở lên ở bang đều phải đeo khẩu trang khi đến các địa điểm công cộng trong nhà; mỗi gia đình trong khu vực đô thị Melbourne không được tiếp quá 5 người khách tại cùng thời điểm và mỗi địa điểm công cộng không được tập trung quá 30 người.

Các hạn chế trên có hiệu lực cho đến ít nhất là ngày 4/6, trong khi các trường học, công sở, quán rượu, quán cà phê và nhà hàng vẫn có thể mở cửa. Trước động thái trên, New Zealand đã tạm dừng quyết định du lịch miễn cách ly với bang Victoria từ 19h59 ngày 25/5 (giờ địa phương) và bước đầu kéo dài 72 giờ trong khi chờ đánh giá thêm. 

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở Sydney, Australia ngày 21/12/2020. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Áo cấm du khách từ Anh

Cũng trong ngày 25/5, Áo đã quyết định cấm các chuyến bay trực tiếp và các chuyến thăm của du khách từ Anh vì tại Anh đã xuất hiện nhiều ca nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ.

Trước đó, đêm 24/5, Áo đã đưa Anh vào danh sách "các nước có xuất hiện biến thể của virus", cùng với Brazil, Ấn Độ và Nam Phi. Người đi từ các nước trong danh sách này sẽ chỉ được nhập cảnh với số lượng hạn chế. Bộ Y tế Áo ra tuyên bố nêu rõ: "Chỉ những công dân Áo và những người sống tại Áo thường xuyên mới được nhập cảnh". Ngoài ra, cho phép nhập cảnh với lý do nhân đạo hoặc các chuyến thăm vì lợi ích quốc gia. Quy định về nhập cư có hiệu lực từ ngày 25/5 nhưng lệnh cấm các chuyến bay trực tiếp sẽ có hiệu lực từ ngày 1/6 tới. Trước Áo, Đức cũng đã có quyết định tương tự từ ngày 21/5.

Chú thích ảnh
Thực khách dùng bữa tại một quán ăn tự phục vụ ở Valletta, Malta ngày 10/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Moderna khẳng định vaccine an toàn với trẻ em

Liên quan vaccine phòng bệnh COVID-19, Moderna khẳng định vaccine mRNA-1273 của hãng này có hiệu quả đối với trẻ em từ 12-17 tuổi và không đặt ra vấn đề mới hoặc nghiêm trọng nào về sự an toàn trong một cuộc thử nghiệm lâm sàng. Thông báo trên mở ra khả năng vaccine này sẽ được cấp phép tiêm cho trẻ em ở độ tuổi đến trường từ tháng 7. 

Hiện vaccine của Moderna đã được cấp phép sử dụng đối với người từ 18 tuổi trở lên. Hãng cho biết đầu tháng 6 tới sẽ trình kết quả thử nghiệm lên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và các cơ quan quản lý khác để xin cấp phép sử dụng khẩn cấp. FDA cần khoảng 1 tháng để đánh giá, tương tự nghiên cứu của hãng Pfizer/BioNtech, và đã cho phép sử dụng vaccine của hãng này cho độ tuổi từ 12-15 tuổi vào ngày 10/5. Nếu hồ sơ của Moderna được xử lý với thời gian như vậy, vaccine của hãng sẽ được cấp phép sử dụng từ đầu tháng 7 tới. Việc mở rộng việc tiêm vaccine cho độ tuổi từ 12-18 có thể cho phép các trường học và trại hè ở Mỹ được nới lỏng các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của CDC

Malaysia ghi nhận kỷ lục hơn 7.000 ca mắc mới một ngày 

Malaysia ngày 25/5 ghi nhận thêm 7.289 ca mắc COVID-19, cao nhất từ đầu dịch đến nay. Đây cũng là lần đầu tiên số ca nhiễm mới theo ngày tại quốc gia Đông Nam Á này vượt ngưỡng 7.000 ca.

Trước đó, Malaysia có 6 ngày liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm theo ngày hơn 6.000 ca. Bộ Y tế Malaysia cảnh báo, nếu người dân không tuân thủ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, nước này có thể đối mặt với số ca nhiễm theo ngày lên đến 8.000 ca trong tháng 6 tới. 

Tính đến nay, Malaysia ghi nhận tổng cộng 525.889 ca mắc COVID-19, với hơn 2.300 ca tử vong. Hiện Malaysia đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới, buộc chính phủ phải áp dụng biện pháp hạn chế đi lại trên toàn quốc cho tới hết tháng 6 để ngăn chặn virus tiếp tục lây lan.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Subang Jaya, Selangor, Malaysia, ngày 23/5/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Lào: Ca nhiễm mới tăng trở lại 

Bộ Y tế Lào ngày 25/5 cho biết nước này đã ghi nhận 56 ca nhiễm COVID-19 mới tại 6/18 tỉnh thành trong 24 giờ qua, gồm 42 ca cộng đồng và 14 ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Sau vài ngày không ghi nhận bất cứ ca nhiễm nào, huyện Ton Pheung, tỉnh Bokeo, nơi có đặc khu Tam Giác Vàng, lại trở thành điểm nóng với 17 ca cộng đồng, tiếp đó là thủ đô Viêng Chăn với 15 ca cộng đồng. Sau hơn 1 tháng thực hiện lệnh phong tỏa, việc số tỉnh có người mắc và số ca nhiễm mới trong cộng đồng tại Lào bất ngờ tăng trở lại cho thấy tình hình dịch tại nước này vẫn còn phức tạp và khó lường.

Phát biểu tại cuộc họp báo chiều 24/5, đại diện Bộ Y tế Lào cho biết việc một số người dân không tuân thủ các quy định phòng chống, vẫn tập trung ăn uống, đi lại đã dẫn đến những chùm ca bệnh mới. Bên cạnh một số tỉnh dịch bệnh nóng trở lại, để khôi phục kinh tế và tạo điều kiện cho người dân sinh sống, một số tỉnh của Lào như Champasak, Savannkhet… cũng đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch sau nhiều ngày không ghi nhận các ca nhiễm trong cộng đồng.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN

Tới nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.878 ca mắc COVID-19, trong đó đã chữa khỏi cho 1.180 người và chỉ ghi nhận 2 trường hợp tử vong.

Campuchia: Tổng ca nhiễm vượt ngưỡng 26.000 ca

Bộ Y tế Campuchia ngày 25/5 xác nhận có thêm 568 ca nhiễm mới COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này từ đầu mùa dịch đến nay vượt ngưỡng 26.000 ca. Trong 568 ca nhiễm mới ghi nhận trong 24 giờ qua có 540 ca lây nhiễm cộng đồng và 28 ca nhập cảnh. Campuchia cũng thông báo có thêm 663 người hồi phục và 4 người tử vong, nâng số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này lên 183 người.

Mặc dù các biện pháp phòng chống dịch bệnh được đẩy mạnh, song nhiều ngày nay, số ca nhiễm mới trong công nhân nhà máy tại một số tỉnh như Kampong Speu, Koh Kong, Takeo, Kampong Chhnang và Svay Rieng vẫn tăng. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lan rộng, chính quyền các tỉnh đã thông báo về danh tính người nhiễm COVID-19 để những người tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người bệnh nắm thông tin, đi làm xét nghiệm và tự cách ly tại nhà 14 ngày.

Chú thích ảnh
Người dân được khử khuẩn trước khi vào tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 20/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Phnom Penh, sau một tháng đóng cửa để ngăn chặn dịch COVID-19, tất cả các chợ do nhà nước quản lý đã mở cửa trở lại từ ngày 24/5, nhưng chỉ các quầy bán hàng thiết yếu như thịt, rau, đồ uống được phép hoạt động trên cơ sở áp dụng chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

 

Chú thích ảnh
Xe cứu thương chở bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Philippines: Ca mắc mới giảm nhưng vẫn ở mức cao

Bộ Y tế Philippines ngày 25/5 thông báo thêm 3.972 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số ca bệnh tại nước Đông Nam Á này lên 1.118.672.

Nước này cũng có thêm 36 ca tử vong trong 24 giờ qua đưa tổng số ca không qua khỏi do dịch COVID-19 lên 20.019. Philippines với hơn 110 triệu dân đã xét nghiệm cho hơn 12 triệu người kể từ khi dịch bùng phát vào tháng 1/2020

Chú thích ảnh
Dịch tại Philippines đang có chiều hướng dịu đi. Ảnh: Straits Times

Indonesia kéo dài các biện pháp hạn chế

Chính phủ Indonesia ngày 25/5 đã kéo dài các biện pháp hạn chế phòng, chống COVID-19 quy mô nhỏ từ ngày 31/5 đến ngày 14/6, đồng thời áp dụng biện pháp này tại thêm 4 tỉnh.

Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Airlangga Hartarto cho biết các hạn chế đã được áp dụng thêm 4 tỉnh  Gorontalo, Maluku, Bắc Maluku và Tây Sulawesi. Theo ông Hartarto, số ca mắc mới COVID-19 trong tuần này đã tăng lên mức 5.000 ca mỗi ngày, cao hơn 1.200 so với mức của tuần trước.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 10/5/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong khi đó, Chính phủ Indoneisa cũng dự báo số ca mắc mới COVID-19 tại nước này sẽ tăng mạnh sau kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr. Tính đến nay Indonesia ghi nhận tổng cộng 1.781.127 ca mắc COVID-19, trong đó có 49.455 trường hợp không qua khỏi. Hiện nước này đã tiêm được 24,81 triệu liều vaccine COVID-19, trong đó có 9,89 triệu liều vaccine dùng để tiêm mũi thứ 2.

 

Thu Hằng/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 25/5: Malaysia lập kỷ lục trên 7.000 ca nhiễm mới; Philippines quá 20.000 người tử vong
COVID-19 tại ASEAN hết 25/5: Malaysia lập kỷ lục trên 7.000 ca nhiễm mới; Philippines quá 20.000 người tử vong

Trong ngày 25/5, toàn khối có trên 20.500 ca nhiễm và gần 300 ca tử vong mới. Malaysia lại ghi nhận ngày kỷ lục lây nhiễm vượt 7.000 ca, trong khi tổng ca tử vong tại Philippines đã vượt 20.000 người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN