Từ Argentina ở Mỹ Latinh cho tới Nepal tại châu Á, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đang ghi nhận gia tăng lây nhiễm COVID-19 kỉ lục trong vài tuần trở lại đây. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã đề cập đến thực trạng này trong một buổi họp báo, khi nói rằng “Ấn Độ là mối quan ngại lớn… Nhưng không phải chỉ có Ấn Độ mới rơi vào tình cảnh khẩn cấp”.
Gia tăng lây nhiễm này diễn ra trong bối cảnh chương trình tiêm chủng đại trà tiến triển không đồng đều giữa các khu vực trên thế giới. Các nước phát triển như Mỹ, Anh đang bứt phá mạnh trong chiến dịch tiêm chủng cho người dân. Trong khi đó, các nước nghèo, nước đang phát triển ở châu Phi, châu Á bị tụt lại do nguồn cung vaccine hạn chế.
Dưới đây là bốn quốc gia, vùng lãnh thổ đang phải đối diện với lây nhiễm kỉ lục, với số liệu được trích dẫn từ Đại học Johns Hopskin và tổ chức Our World in Data, mốc thời gian tính đến ngày 23/5.
Argentina
Tổng số ca mắc: 3,5 triệu người; tổng số ca tử vong: trên 74.000 người; tỉ lệ người dân được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ít nhất một mũi: 19,25%.
Trong vài tuần gần đây, Argentina ghi nhận số ca mắc mới và tử vong theo ngày ở mức kỉ lục, buộc chính quyền phải áp đặt các biện pháp phong tỏa mạnh tay kể từ cuối tuần qua, kéo dài cho tới hết tháng 5. Argentina hiện cho đóng cửa trường học, các hoạt động kinh doanh không thiết yếu, cấm tụ tập đông người, các hoạt động tôn giáo, lễ hội, thể thao…
Lây nhiễm bùng phát mạnh, từ mức dưới 5.000 ca/ngày hồi đầu tháng này lên mức kỉ lục 39.000 ca trong ngày 19/5. Số ca tử vong cũng từ mức 112 người ngày 1/3 lên 744 ca trong ngày 18/5. Hệ thống y tế tại Argentina rơi vào ngưỡng quá tải, khiến Tổng thống Alberto Fernandez hồi tuần trước đã phải thừa nhận: “Argentina đang ở trong thời điểm tồi tệ nhất kể từ khi xuất hiện đại dịch”.
Chiến dịch tiêm chủng ở Argentina được tiến hành tương đối chậm, với khoảng 19% trong tổng số 45 triệu dân được tiêm ngừa một mũi.
Nepal
Tổng số ca mắc: 513.000 ca; tổng số ca tử vong: 6.300 ca; tỉ lệ người dân được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ít nhất một mũi: 7,3%.
Gia tăng lây nhiễm COVID-19 đang tạo ra nhiều sức ép với hệ thống y tế còn có nhiều khiếm khuyết ở Nepal. Giới chức Nepal đã phải lên tiếng thừa nhận hạ tầng y tế nước này đang khủng hoảng, thiếu hụt trầm trọng nguồn cung oxy điều trị cho bệnh nhân cũng như vaccine tiêm chủng cho dân chúng.
Nhiều người Nepal đổ lỗi cho người lao động di cư sang Ấn Độ là nguyên nhân tạo ra làn sóng lây nhiễm thứ hai ở Nepal. Do mất việc tại Ấn Độ, số lao động này về nước và nhiều người mang theo mầm bệnh, làm lây lan ra cộng đồng. Số ca lây nhiễm tại Nepal tăng vọt, từ mức dưới 200 ca/ngày hồi đầu tháng 4 lên con số kỉ lục 9.300 ca/ngày ghi nhận ở thời điểm giữa tháng 5.
Nepal đang gấp rút tìm kiếm nguồn cung vaccine. Quốc gia Nam Á này bắt đầu tiêm chủng cho người dân vào tháng 1 vừa qua bằng vaccine AstraZeneca, do Ấn Độ và Sáng kiến Covax cung cấp. Tuy nhiên, Nepal hiện cạn kiệt nguồn cung, khi Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) chưa cung cấp vaccine theo đơn hàng đã ký kết, do Ấn Độ ưu tiên vaccine cho tiêm chủng nội địa, hạn chế xuất khẩu vaccine.
Bahrain
Tổng số ca mắc: 218.000 ca; tổng số ca tử vong: trên 820 ca; tỉ lệ người dân được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ít nhất một mũi: 51,8%.
Bahrain là trường hợp khá đặc biệt: Gia tăng lây nhiễm xuất hiện khi đã tiêm chủng được cho hơn 50% dân số. Số ca mắc tăng từ 600 ca/ngày hồi đầu tháng 3 lên 2.000 ca/ngày trong tuần trước.
Bahrain cho đến thời điểm này đã phê chuẩn cấp phép sử dụng cho nhiều loại vaccine, như Pfizer-BioNTech, Sinopharm (Trung Quốc) hay Sputnik V (Nga). Điểm tích cực hiện nay chính là việc số ca tử vong không tăng nhiều dù lây nhiễm mới tăng mạnh.
Đài Loan/Trung Quốc
Tổng số ca mắc: 4.300 ca; tổng số ca tử vong: trên 23 ca; tỉ lệ người dân được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ít nhất một mũi: 0,14%.
Trước khi đối diện với làn sóng lây nhiễm mới, Đài Loan được đánh giá cao và được coi là mô hình chống dịch thành công của thế giới mà không cần phải đóng cửa. Tính đến cuối tháng 4, vùng lãnh thổ này mới ghi nhận tổng số 1.128 ca nhiễm và 12 ca tử vong.
Nhưng tình hình chuyển biến xấu sau đó, số ca mắc mới tăng nhanh, vượt 200 ca/ngày trong tuần trước. Chính quyền đã phải nâng cảnh báo lên mức 3 (trên thang 4 mức), áp dụng nhiều quy định về giãn cách xã hội, như hạn chế tụ tập đông người, đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu, kiểm soát ra vào biên giới.