Vùng biển trở thành mối quan ngại mới của Hải quân Mỹ

Bắc Cực được coi là khu vực tiềm năng cho hoạt động của Hải quân Mỹ, đặc biệt ở thời điểm Lầu Năm Góc cũng tái tập trung vào đối trọng với Nga và Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Một thủy thủ Mỹ trên tàu sân bay USS Harry S. Truman. Ảnh: Business Insider

Trong buổi điều trần gần đây của Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, nghị sĩ Elaine Luria đã gây áp lực đối với hai tướng không quân là Glen VanHerck và Tod Wolters vốn là chỉ huy của Bộ tư lệnh phương Bắc và Bộ tư lệnh châu Âu về việc liệu có sở hữu đủ lực lượng và cơ sở hoạt động để xử lý các thách thức trong khu vực hay không.

Cả hai tướng VanHerck và Wolters đều khẳng định không có vấn đề gì. Tuy nhiên, tính phức tạp của khu vực địa lý rộng lớn và cạnh tranh lợi ích có thể dẫn đến nhu cầu tạo dựng lực lượng dành riêng cho vùng Bắc Cực. Bà Luria nói: “Liệu có nên tồn tại một bộ tư lệnh với lực lượng chịu trách nhiệm dành riêng cho vùng Bắc Cực?”.

Theo tờ Business Insider (Mỹ), Bắc Cực và Bắc Đại Tây Dương trong những năm gần đây đang trở thành địa điểm được quan tâm bởi chứng kiến hoạt động ngày càng tăng của Nga và Trung Quốc.

Hè năm 2018, Hải quân Mỹ đã khởi động lại hoạt động của Hạm đội số 2 để đẩy mạnh hiện diện trong khu vực. Sau đó, USS Harry S. Truman trở thành tàu sân bay đầu tiên của Mỹ đến hoạt động ở Bắc Cực trong gần 3 thập niên qua.

Trong Chiến lược Quốc phòng Mỹ năm 2018, Washington nhấn mạnh Bắc Cực là phần “cạnh tranh sức mạnh lớn”. Tuy nhiên, Mỹ vẫn còn phải chạy đua nhiều ở Bắc Cực. Bản thân Mỹ chỉ sở hữu một tàu phá băng hạng nặng mang tên Polar Star do lực lượng Bảo vệ bờ biển vận hành. Trong khi đó, Nga có hơn 40 tàu phá băng với nhiều kích thước.

Bà Luria nhấn mạnh: “Chúng ta cần đóng thêm nhiều tàu, duy trì hoạt động hiệu quả hơn và ngưng việc cho chiến hạm về hưu vượt qua tốc độ đóng tàu mới”.

Bộ tư lệnh Phương Bắc, Bộ tư lệnh châu Âu và Bộ tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ đều sở hữu lực lượng rất khác biệt.

Bộ tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương nắm trong tay hơn 100 chiến hạm hoạt động quanh Thái Bình Dương còn Bộ tư lệnh châu Âu chỉ sở hữu vài tàu khu trục tên lửa dẫn đường và tập trung hoạt động tại Địa Trung Hải. Bộ tư lệnh phương Bắc không có lực lượng hải quân ở khu vực phụ trách trong đó gồm các bờ biển Mỹ.

Hà Linh/Báo Tin tức
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ 'liêu xiêu' vì cáo buộc của trùm mafia
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ 'liêu xiêu' vì cáo buộc của trùm mafia

Việc một tên trùm mafia Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố chính phủ nước này thông đồng với băng nhóm tội phạm đã đẩy Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và Bộ trưởng Nội vụ Suleyman Soylu vào “ghế nóng”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN