Những vũ khí phòng không mới của quân đội Ukraine do Mỹ và châu Âu viện trợ

Mỹ và một số nước châu Âu đã cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không hiện đại hơn để đối phó với các mối đe dọa mới như máy bay không người lái và tên lửa.

Chú thích ảnh
Hệ thống phòng không BUK-M1 (mã NATO: SA-11 Gadfly) của Ukraine.

Theo mạng tin tức quốc phòng và an ninh toàn cầu Army Recognition (Bỉ) ngày 25/11, trước khi xung đột nổ ra, lực lượng vũ trang Ukraine được trang bị các hệ thống phòng không do Nga sản xuất bao gồm S-300 PS, S-300V (SA-12A Gladiator), 9K330 Tor-M (SA-15 Gauntlet), 9K35 Strela-10 (SA-13 Gopher), 9K33 Osa-AKM (SA-8 Gecko) và 2K22 Tunguska (SA-19 ​​Grison), 9K37M Buk-M1 (SA-11 Gadfly) và S-125 Pechora (SA-3 Goa).

Hệ thống phòng không tầm ngắn của lực lượng vũ trang Ukraine còn có hệ thống pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka và hệ thống pháo phòng không ZU-23-2 và S-60.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi Mỹ và các nước châu Âu cung cấp các hệ thống phòng không hiện đại để tăng cường khả năng phòng thủ trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của lực lượng vũ trang Nga. 

Đến nay, quân đội Ukraine hiện có một số hệ thống phòng không do Mỹ và một số nước đồng minh viện trợ, trong đó có cả những vũ khí có nguồn gốc từ Nga do các nước thuộc khối Hiệp ước Warsaw cũ cung cấp. Dưới đây là danh sách một số hệ thống phòng không mới của lực lượng vũ trang Ukraine sau khi Mỹ và các nước đồng minh viện trợ:

Gepard từ Đức

Gepard còn có biệt danh là Cheetah, là một loại pháo phòng không tự hành được phát triển bởi công ty Đức Krauss-Maffei Wegmann (KMW) từ năm 1976 đến 1980

Chú thích ảnh
Ảnh: armyrecognition

Nó có một tháp pháo hai người điều khiển hai khẩu pháo Oerlikon Contraves cỡ nòng 35 mm KDA, có tốc độ bắn là 550 phát/phút. Pháo có tầm bắn tối đa 5,5 km với đạn FAPDS và có khả năng phát hiện các mục tiêu trên không ở cự ly lên tới 15 km.

S-300 PMU từ Slovakia

Biến thể xuất khẩu đầu tiên của loạt hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300P là S-300PMU/SA-10C, giống với S-300PS/SA-10B của Nga về hầu hết các khía cạnh. Nó được giới thiệu vào năm 1992 cho thị trường xuất khẩu.

Chú thích ảnh
Ảnh: armyrecognition

Tổ hợp S-300 PMU sử dụng tên lửa Fakel 5V55RUD. Nó có thể tấn công các mục tiêu trên không ở cự ly lên tới 90 km. 

Stormer HVM từ Anh

Stormer là một hệ thống phòng không di động bánh xích cải tiến của CVRT, một dòng xe bọc thép trinh sát đang phục vụ trong quân đội Anh.

Hệ thống vũ khí khí HVM được trang bị hai khối, mỗi khối 4 tên lửa Starstreak sẵn sàng khai hỏa. Một lô 12 tên lửa khác được dự trữ trong xe. Nóc xe được gắn thiết bị cảnh báo phòng không (ADAD), do tập đoàn quốc phòng Pháp Thales Optronics cung cấp. 

Starstreak là tên lửa được dẫn đường bằng tia laser. Khuyết điểm của loại tên lửa này là người bắn phải theo dõi mục tiêu, nhưng điều đó giúp cho Starstreak không bị các biện pháp gây nhiễu hay các biện pháp đối phó và né tránh khác của đối phương đánh lừa.

Chú thích ảnh
Ảnh: armyrecognition

Ngoài ra, thay vì chỉ có một đầu đạn duy nhất như Stinger, Starstreak cùng lúc phóng ra ba phi tiễn, mỗi chiếc nặng 900 gram, tỏa ra và bay theo đội hình. Phi tiễn có thể xuyên thủng vỏ thép của máy bay trực thăng rồi mới phát nổ, gây tổn hại lớn hơn nhiều so với việc nổ trên bề mặt.

Tên lửa được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu trên không như trực thăng và máy bay tấn công mặt đất tốc độ cao. Nó có tầm bắn tối đa 7 km.

IRIS-T SLM từ Đức

IRIS-T SLM là phiên bản của hệ thống tên lửa phòng không IRIS-T SL do công ty Diehl Defense của Đức thiết kế và sản xuất. Hệ thống này cung cấp khả năng phòng thủ toàn diện 360° trước máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình và vũ khí tấn công có dẫn đường.

Chú thích ảnh
Ảnh: Twitter

Hệ thống tên lửa này có khả năng tiêu diệt máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình, tên lửa không đối đất, tên lửa chống hạm, tên lửa chống radar và rocket cỡ nòng lớn. Nó cũng có hiệu quả cao trong tiêu diệt máy bay không người lái (UAV) và các mối đe dọa cơ động nhỏ khác. Nó có tầm bắn tối đa 40 km ở độ cao lên tới 20 km.

NASAMS từ Mỹ

NASAMS là một hệ thống tên lửa phòng không tầm trung đến tầm xa được thiết kế và sản xuất bởi công ty Kongsberg Defense & Aerospace của Na Uy hợp tác với Raytheon của Mỹ.

Chú thích ảnh
Ảnh: armyrecognition

NASAMS được sử dụng để bảo vệ các tài sản chiến lược và các trung tâm đông dân cư, trước các mối đe dọa từ trên không. NASAMS có tính cơ động cao, có thể được kéo hoặc chở trên xe tải hoặc xe bánh xích, do đó có khả năng di chuyển ở những địa hình khó khăn. 

NASAMS được trang bị ba bệ phóng đa tên lửa (LCHR), mỗi bệ mang tới sáu tên lửa sẵn sàng khai hỏa. NASAMS có thể bắn tên lửa tốc độ cao AIM-120 cũng như AIM-9-X Sidewinder và RIM-162 – ESSM. Tên lửa có thể bắn trúng mục tiêu ở cự ly 40 km và ở độ cao 14 km.

Aspide từ Tây Ban Nha

Aspide là tên lửa đất đối không và không đối không tầm trung do công ty Selenia của Italy sản xuất. Tây Ban Nha đã đặt mua 200 tên lửa Aspide vào năm 1985 và được chuyển giao vào giai đoạn 1987-1989 như một phần của thỏa thuận trị giá 230 triệu USD cho 6 hệ thống Spada SAM.

Chú thích ảnh
Ảnh: armyrecognition

Năm 1996, 51 Aspide 2000 đã được đặt hàng và giao hàng trong năm 1997 - 1999 cho các hệ thống Spada 2000 SAM (hệ thống phóng tên lửa đất đối không). Spada là hệ thống tên lửa phòng không hoạt động trong mọi thời tiết, có thể phóng tên lửa Aspide 2000 có tầm bắn tối đa 20 km. 

Crotale NG từ Pháp

Trong quân đội Pháp, Crotale NG được trang bị hai khối gồm bốn ống phóng sẵn sàng khai hỏa có thể bắn tên lửa VT1 được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu trên không ở cự ly ngắn.

Chú thích ảnh
Ảnh: armyrecognition

Nó được trang bị bộ đa cảm biến, bao gồm quang điện tử thụ động và radar tích hợp biện pháp đối phó điện tử (ECCM) để tấn công các mục tiêu trên không trong điều kiện bất lợi của chiến tranh điện tử dày đặc và môi trường chiến trường bất lợi như chiến tranh hạt nhân, sinh học và hóa học (NBC).

Tên lửa Crotale NG có thể đánh chặn các mối đe dọa trên không bao gồm tên lửa chiến thuật, máy bay trực thăng, UAV và máy bay chiến đấu tầm thấp. Tên lửa có tầm bắn tối đa 11 km.

Công Thuận/Báo Tin tức (Nguồn và ảnh:armyrecognition.com)
Ukraine huy động được ít nhất 150 triệu USD cho sáng kiến ngũ cốc  
Ukraine huy động được ít nhất 150 triệu USD cho sáng kiến ngũ cốc  

Tại hội nghị quốc tế về an ninh lương thực diễn ra tại thủ đô Kiev ngày 26/11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã khởi động sáng kiến “Ngũ cốc từ Ukraine” nhằm xuất khẩu ngũ cốc sang các nước dễ bị tổn thương nhất do nạn đói và hạn hán trên thế giới. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN