Các loại pháo do phương Tây sản xuất gửi đến Ukraine liên tục bị hỏng hoặc hư hỏng trong chiến đấu, và điều này đã trở thành một vấn đề đối với Bộ Quốc phòng Mỹ, tờ New York Times đưa tin ngày 25/11, trích dẫn các nguồn tin. Để giải quyết vấn đề, Lầu Năm Góc, nơi đã cung cấp cho Kiev hàng tram khẩu lựu pháo, được cho là đã thành lập một cơ sở sửa chữa bên kia biên giới ở Ba Lan.
Theo các quan chức Mỹ và những người khác "quen thuộc với nhu cầu phòng thủ của Ukraine" được phỏng vấn bởi New York Times, 1/3 trong số 350 khẩu pháo mà phương Tây đã gửi đến Ukraine không hoạt động tại bất kỳ thời điểm nào.
Vũ khí hoặc bị “chết” do sử dụng quá lâu trong thời gian dài hoặc bị hư hỏng trong chiến đấu và không thể sửa chữa tại hiện trường. Nhiệm vụ sửa chữa thiết bị viện trợ cho Ukraine đang trở thành ưu tiên hàng đầu của Bộ Tư lệnh Châu Âu của Lầu Năm Góc, cơ quan được cho là đã triển khai một cơ sở sửa chữa ở Ba Lan.
Nỗ lực sửa chữa đã bắt đầu trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, tình trạng vũ khí của Ukraine là một vấn đề được các quan chức Mỹ theo dõi chặt chẽ. Tờ New York Times cũng cho biết thêm rằng các nguồn tin của họ từ chối cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào về chương trình.
Cũng theo tờ báo trên, hoạt động bảo trì ở Ba Lan thường liên quan đến việc hoán đổi nòng pháo và những sửa chữa khác. Trong khi đó, các quan chức Ukraine được cho là đã đề nghị lập các xưởng sửa chữa gần tiền tuyến hơn để có thể đưa vũ khí sớm quay trở lại chiến đấu.
Ngày 25/11, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định rằng liên minh đã không tiến hành bất kỳ hoạt động nào bên trong Ukraine, tuyên bố rằng điều này chứng tỏ rằng họ không tham gia vào các hành động thù địch. Tuy nhiên, vào tháng 10, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng sự trợ giúp quân sự của phương Tây cho Ukraine khiến NATO trở thành một bên tham gia vào cuộc xung đột.
Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2, các nước phương Tây đã viện trợ an ninh cho Kiev hàng tỷ USD. Mỹ, người ủng hộ lớn nhất của Ukraine, đã cung cấp vũ khí, bao gồm cả pháo binh, trị giá hơn 19 tỷ USD kể từ khi bắt đầu chiến sự.
Theo số liệu do Lầu Năm Góc công bố, tính đến ngày 23/11, Mỹ đã cung cấp 142 khẩu lựu pháo 155mm và 924.000 viên đạn pháo cho loại súng này. Viện trợ của Washington cũng bao gồm 36 khẩu lựu pháo 105mm và 180.000 viên đạn pháo.
Moskva đã nhiều lần tuyên bố rằng các chuyến hàng vũ khí của phương Tây chỉ làm kéo dài thêm cuộc xung đột. Trong khi đó, Ukraine liên tục kêu gọi các đồng minh cung cấp thêm viện trợ vũ khí để hỗ trợ nước này trong cuộc phản công giành lại các vùng lãnh thổ.
Trong khi đó, nguồn tin do CNN khai thác cho thấy, chính phủ Mỹ ngày càng lo ngại về việc không thể tiếp tục cung cấp cho Ukraine các hệ thống vũ khí và đạn dược tối tân.
Theo ba quan chức Mỹ được CNN phỏng vấn, một số thách thức mà Mỹ đang phải đối mặt trong việc hỗ trợ Ukraine bao gồm kho dự trữ vũ khí “đang cạn kiệt” và khả năng đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp quốc phòng. Một quan chức nói với CNN rằng chỉ còn một "số lượng hữu hạn" hàng tồn kho dư thừa mà Washington có thể gửi tới Kiev.
Nguồn tin tiết lộ Washington đặc biệt lo ngại về kho dự trữ đạn pháo 155mm và tên lửa phòng không Stinger hiện có. Một số quan chức cũng lo lắng về việc sản xuất các loại vũ khí như tên lửa chống bức xạ HARM, tên lửa đất đối đất GMLRS và hệ thống chống tăng vác vai Javelin.
Tuy nhiên, các nguồn tin của CNN khẳng định rằng sự giảm sút trong kho dự trữ không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, vì vũ khí cho Ukraine không đến từ nguồn mà Lầu Năm Góc dự trữ cho các trường hợp dự phòng của chính họ. Một quan chức cấp cao cũng nói với hãng tin này rằng, những đánh giá rằng Mỹ đang “sắp hết” vũ khí là chủ quan, vì nó phụ thuộc vào mức độ rủi ro mà Lầu Năm Góc sẵn sàng chấp nhận.
Các quan chức cho biết một trong những lo ngại lớn là ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ đang phải khó khăn để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên để khắc phục tình hình, chính phủ Mỹ đang cố gắng đẩy mạnh sản xuất một số loại vũ khí.