Theo trang Defensenews, Lầu Năm Góc cho biết họ sẽ gửi cho Ukraine số lượng đạn dược, vũ khí và vật tư lên tới 400 triệu USD trong gói viện trợ mới nhất để giúp nước này phòng vệ trước Nga.
Gói hỗ trợ an ninh được công bố hôm 23/11 bao gồm nhiều đạn dược hơn cho Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS, tên lửa chống bức xạ tốc độ cao còn gọi là HARM, và 200 viên đạn pháo 155mm dẫn đường chính xác. Thông tin này được Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trong một tuyên bố.
Lầu Năm Góc cho biết, gói viện trợ mới cũng bao gồm 150 khẩu súng máy hạng nặng với thiết bị quan sát ảnh nhiệt mà Ukraine có thể sử dụng để bắn hạ máy bay không người lái của Nga, cũng như 10.000 viên đạn cối 120mm và các loại đạn bổ sung cho Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS). hệ thống phòng thủ được phát triển bởi Kongsberg Defense and Aerospace của Na Uy và công ty Raytheon Technologies của Mỹ.
Thông báo của Lầu Năm Góc lưu ý: “Trước các cuộc tấn công không ngừng bằng tên lửa và hệ thống máy bay không người lái của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của Ukraine, các khả năng phòng không bổ sung vẫn là một ưu tiên cấp bách… Các loại đạn bổ sung cho NASAMS và súng máy hạng nặng sẽ giúp Ukraine chống lại những mối đe dọa khẩn cấp này.”
Gói viện trợ nói trên cũng bao gồm 150 xe Humvee, hơn 100 xe chiến thuật hạng nhẹ, hơn 200 máy phát điện, phụ tùng thay thế cho lựu pháo 105mm và các thiết bị khác cùng hơn 20 triệu viên đạn vũ khí hạng nhỏ.
Đây sẽ là gói viện trợ quân sự thứ 26 của quân đội Mỹ tới Ukraine kể từ tháng 8/2021. Lầu Năm Góc cho biết Mỹ đã cung cấp khoảng 22 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine kể từ năm 2014, trong đó có trên 19 tỉ USD được hỗ trợ từ khi xung đột với Nga bắt đầu vào tháng 2 năm nay.
Thời gian gần đây Mỹ đã đẩy nhanh việc cung cấp cho Ukraine các tổ hợp phòng không NASAMS - một dự án chung được phát triển bởi Công ty Phòng thủ và Hàng không vũ trụ Kongsberg của Na Uy và công ty Raytheon Technologies của Mỹ.
NASAMS sử dụng tên lửa không đối không AMRAAM để đánh chặn từ mặt đất. Một trong các lợi thế chính của nó là có nguồn cung rất lớn các tên lửa AMRAAM được phân phối trên thế giới. Đa phần các tên lửa này là mẫu cũ nhưng được cho là vẫn đủ tốt để chặn cả tên lửa hành trình lẫn UAV, dù rằng thông tin này vẫn phải kiểm nghiệm trong thực tế.
Tuy vậy, hệ thống này cũng có nhiều điểm yếu. Khi phóng từ mặt đất (thay vì từ máy bay), tên lửa AMRAAM có tầm bắn ngắn hơn nhiều. Người ta ước tính AMRAAM phóng từ bệ NASAMS có thể hiệu quả chỉ tới 40km.
NASAMS có thể phóng các tên lửa có đầu tìm hồng ngoại tầm ngắn hơn như AIM-9 Sidewinder. Nhưng tên lửa do hồng ngoại dẫn đường có giá trị hạn chế trước các UAV tàng hình với động cơ nhỏ.
Một nhược điểm nữa là Mỹ mới sẽ chỉ giao cho Ukraine 2 hệ thống NASAMS, tức là khu vực được bảo vệ sẽ hẹp. Washington đã tính cung cấp thêm cho Ukraine 4 hệ thống nữa nhưng sẽ mất thêm thời gian thì các hệ thống mới sản xuất xong để bàn giao.
Ngoài ra, NASAMS sẽ gặp khó khi bảo vệ mục tiêu trước lối tấn công chiến thuật bầy đàn máy bay không người lái. Phía Nga có thể kết hợp và phối hợp UAV với tên lửa hành trình, sử dụng chúng với số lượng lớn để tấn công các mục tiêu có giá trị cao.