Mối đe dọa tiềm tàng phòng không Mỹ không tránh khỏi

Sau khi Liên Xô tan rã, do không còn thấy rủi ro nghiêm trọng từ trên không, quân đội Mỹ đã từ bỏ nhiều đơn vị phòng không và chuyển nguồn lực sang lĩnh vực khác. Kết quả là hệ thống phòng không, đặc biệt là trên mặt đất như hệ thống phòng không tầm ngắn (SHORAD) đều giảm quy mô.

Chú thích ảnh
Hệ thống phòng không MIM-72 Chaparral. Ảnh: Business Insider

Kho vũ khí phòng không

Business Insider (Mỹ) đưa tin 3 hệ thống AA chính trên bộ của quân đội Mỹ là MIM-23 Hawk, MIM-72 Chaparral và M163 VADS đều “giải ngũ” trong giai đoạn từ 1991-1998. Cũng chỉ trong thời gian ngắn từ 2004 đến 2018, quân đội Mỹ đã giảm số tiểu đoàn SHORAD từ 26 xuống chỉ còn 9.

Ngày nay, hệ thống phòng không của quân đội Mỹ chỉ có những cái tên là AN/TWQ-1 Avenger, MIM-104 Patriot, hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và hệ thống tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) Stinger.

Dưới đây là video quân đội Mỹ khi thử nghiệm THAAD (nguồn: VOA):

Mối đe dọa nhanh hơn và rẻ hơn

Chiến đấu cơ của Không quân Mỹ nhận nhiệm vụ loại bỏ rủi ro từ những mục tiêu vượt mặt hệ thống phòng không như máy bay ném bom, máy bay quân sự của đối thủ. Chiến đấu cơ Mỹ đã thể hiện năng lực tốt nhưng những mối đe dọa lại đang thay đổi.

Mối đe dọa trên không đáng gờm nhất trong tương lai không chỉ là máy bay ném bom. Cố vấn cấp cao Mark Cancian tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) phân tích: “Nhìn chung năng lực đối đầu với chiến đấu cơ đối thủ của chúng ta là khá tốt. Nhưng hai mối đe dọa lớn là máy bay không người lái và tên lửa hành trình”.

Vào tháng 1, Iran phóng nhiều tên lửa hành trình vào hai căn cứ tại Iraq nơi có binh sĩ Mỹ đồn trú. Những tên lửa của Iran không hề bị bắn hạ hoặc đánh chặn. Vụ việc này chỉ là một trong nhiều cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái diễn ra tại Trung Đông trong thời gian qua.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Mỹ tại hiện trường vụ tấn công tên lửa vào căn cứ Ain al-Asad (Iraq) ngày 13/1. Ảnh: AP

Cả tên lửa hành trình và máy bay không người lái đều là những vũ khí giá thành rẻ, có thể hoạt động ở tầm thấp hơn phi cơ và được sử dụng với số lượng lớn. Bên cạnh đó, chúng cũng có tốc độ rất nhanh khiến chiến đấu cơ gặp khó khăn khi đánh chặn.

Trong khi Mỹ lơ là hệ thống phòng không trên mặt đất AA thì Nga lại đầu tư mạnh vào loại vũ khí này với nhiều cái tên gây chú ý như Buk, Tor, 2K22 Tunguska, Pantsir S-1 cùng S-300, S-400. Trung Quốc cũng có một nhóm hệ thống phòng không trên mặt đất như HQ-9, hệ thống pháo tự hành lớp 95 và lớp 09.

Giải pháp

Trước diễn biến này, quân đội Mỹ đã bắt tay vào đầu tư vào công nghệ, chiến thuật, đào tạo chống máy bay không người lái.

Lầu Năm Góc cũng đầu tư vào hệ thống phòng không di động IM-SHORAD Stryker để đáp ứng nhu cầu cấp thiết. Bên cạnh đó là Hệ thống Bảo vệ Hỏa lực gián tiếp (IFPC) trang bị tên lửa AIM-9X Sidewinder dự kiến được phiên chế vào quân đội Mỹ trong vài năm tới. Binh sĩ tại Texas còn đang thử nghiệm hệ thống phòng không Vòm Sắt của Israel.

Quân đội Mỹ cũng hướng đến những giải pháp khác như vũ khí năng lượng định hướng, súng điện từ. Điều này cho thấy Lầu Năm Góc ưu tiên vào phòng không.

Hà Linh/Báo Tin tức
Iran cảnh báo Mỹ và Israel không ‘vượt lằn ranh đỏ’
Iran cảnh báo Mỹ và Israel không ‘vượt lằn ranh đỏ’

Tehran ngày 28/12 cho biết Iran sẽ tự bảo vệ mình, cảnh báo Mỹ và Israel không nên tiến hành bất kỳ “cuộc phiêu lưu” nào trong những ngày cuối cùng của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN