Cụ thể, trong cuộc họp báo cuối năm thường niên hôm 19/12, trước những hoài nghi của các chuyên gia phương Tây về khả năng của tên lửa siêu vượt âm tầm trung Oreshnik mới của Nga, ông Putin đã đề xuất xoa dịu mối lo ngại của họ bằng một cuộc thử nghiệm đơn giản.
Tổng thống Putin đề xuất rằng hãy để những chuyên gia phương Tây chọn một cơ sở ở đâu đó, chẳng hạn tại Kiev. Mỹ và đồng minh sẽ triển khai hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa tốt nhất mà họ có thể cung cấp để bảo vệ cơ sở này. Sau đó, hãy xem liệu các hệ thống phòng thủ này có thể chống lại một cuộc tấn công của Oreshnik hay không.
Tuy nhiên, nhà phân tích quân sự Alexey Leonkov cho rằng kết quả của cuộc thử nghiệm này dường như đã được định đoạt, bởi không có hệ thống phòng thủ tên lửa nào hiện có của phương Tây có khả năng đánh chặn Oreshnik của Nga.
Ông Leonkov nói rằng Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) - một trong những lá chắn tên lửa hiện đại nhất trong biên chế quân đội Mỹ hiện nay và hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow 3 của Israel, có khả năng đánh chặn tên lửa siêu vượt âm thế hệ đầu tiên của Nga như Kinzhal và Zircon. Tuy nhiên, chúng lại có cơ hội cực thấp để đánh chặn Oreshnik, vũ khí siêu vượt âm thế hệ thứ hai.
Theo nhà phân tích Leonkov, các hệ thống phòng không như IRIS-T của Đức, SAMP-T của Pháp hoặc NASAMS của Mỹ - Na Uy, cũng sẽ bất lực trước Oreshnik, ngay cả khi chúng bắn toàn bộ vũ khí vào nó.
Đối với hệ thống Patriot nổi tiếng, ông Leonkov nhắc lại rằng hệ thống phòng không này ở Kiev đã bắn tất cả 32 tên lửa đánh chặn vào một tên lửa siêu vượt âm Kinzhal đang lao tới và không bắn trúng. Sau đó, hệ thống này đã bị chính tên lửa Kinzhal đó phá hủy.
Trong khi các hệ thống phòng không phương Tây có thể phóng các tên lửa đánh chặn tới các mục tiêu bay với tốc độ khoảng Mach 2,5, Oreshnik có thể lao trúng mục tiêu với tốc độ Mach 12. Do đó, những vũ khí này có thể “nhìn thấy” Oreshnik nhưng vẫn không thể làm gì được.
Chuyên gia Leonkov kết luận trên thực tế, Oreshnik liên tục cơ động ở tốc độ siêu vượt âm khi tiếp cận mục tiêu khiến cho các hệ thống phòng không của đối phương hầu như không thể dự đoán được quỹ đạo của nó.
Tên lửa đạn đạo mang đầu đạn siêu vượt âm Oreshnik được Nga lần đầu sử dụng trong cuộc tập kích thành phố miền trung Dnipro, Ukraine hôm 21/11. Động thái nhằm đáp trả Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS và Storm Shadow do phương Tây cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga.
Oreshnik đạt tốc độ gấp hơn 10 lần âm thanh, tương đương gần 11.000 km/h. Ngoài tốc độ cao, tên lửa Oreshnik còn có khả năng mang nhiều đầu đạn ứng dụng công nghệ phương tiện hồi quyển tấn công đa mục tiêu độc lập (MIRV), với số lượng có thể lên tới 36 đầu đạn.
Theo ông Tom Karako, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ, bên phòng thủ sẽ phải huy động lượng lớn tên lửa để bắn hạ toàn bộ đầu đạn trên mỗi quả Oreshnik, nhất là khi cần hai đạn cho mỗi mục tiêu để bảo đảm khả năng đánh chặn.
“Số lượng đầu đạn và tốc độ như vậy khiến nỗ lực đối phó trở nên khó khăn, thậm chí là vô phương ngăn chặn”, ông bình luận.
Trang Avia Pro dẫn phân tích của giới chuyên gia cho rằng trong hành trình bay, tên lửa Oreshnik có khả năng đạt độ cao 85-110km, nằm trong phạm vi phát hiện của radar đa chức năng AN/TPY-2 TMD-GBR, một phần của tổ hợp THAAD.
Radar này có khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách từ 700km đến 1.300km và truyền dữ liệu để dẫn đường cho các thiết bị đánh chặn ngoài khí quyển. Tuy nhiên, việc đánh chặn Oreshnik tiếp theo vẫn sẽ gặp một số khó khăn.
Trong giai đoạn tách đầu đạn, tên lửa Nga sử dụng ngụy trang hồng ngoại, khiến đầu đạn tự dẫn quang - ảnh nhiệt chủ động trên đạn tên lửa của THAAD khó bắt được mục tiêu.
Hơn nữa, khi Oreshnik hạ độ cao xuống dưới 70 - 80km, các tên lửa của THAAD mất hiệu quả do lực cản khí động học tăng lên, khiến việc đánh chặn ngoài khí quyển hầu như không thể thực hiện được.