Ra mắt loạt sách về Xuân Mậu Thân 1968 tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 1/3, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh phối hợp với Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ và Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức ra mắt loạt sách về Xuân Mậu Thân 1968.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam lần XVI tổ chức tại TP Hồ Chí Minh (ngày 1- 2/3) với chủ đề “Xuân – Cội nguồn và sáng tạo” và cũng là dịp hướng đến kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Các sách về đề tài Mậu Thân ra mắt dịp này đã cho độc giả cả nước biết nhiều hơn về những con người thật tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968 năm xưa.

Phát biểu tại buổi ra mắt, bà Đinh Thị Phương Thảo, Giám đốc Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, cho biết là đơn vị làm sách nhiều nhất về Xuân Mậu Thân 1968, đợt này đơn vị cho ra mắt 7 cuốn sách về đề tài Xuân Mậu Thân 1968. Để có thể ra mắt 7 cuốn sách trong vòng 1 tháng, đơn vị đã huy động tập thể các biên tập viên, biên tập viên cao cấp cùng nhau nỗ lực hết mình hoàn thành các cuốn sách theo đúng tiến độ. Mặc dù loạt sách này đều do nhà nước đặt hàng không bán, nhưng qua kênh truyền thông trên báo chí, nhiều đơn vị đã trực tiếp gọi điện thoại xin đặt mua. Chỉ tính riêng cuốn sách “Chuyện năm 1968” của nhà văn Trầm Hương đã in 2.000 cuốn để bán và hiện giờ cuốn sách này đã “cháy hàng”.


“Điều này cho thấy nhu cầu tìm hiểu về Cuộc tổng tiến công và nổi dây Xuân Mậu Thân 1968 của bạn đọc, thế hệ trẻ, người dân thành phố là rất lớn. Do vậy, đây cũng là động lực để những người làm sách đem đến cho độc giả những câu chuyện, những nhân vật thật trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 lịch sử năm xưa. Thông qua các cuốn sách, mọi người sẽ hiểu hơn và trân quý hơn những gì mình đang có và được hưởng để biết ơn các thế hệ đi trước”, bà Phương Thảo cho biết thêm.

Cuốn sách “Chuyện năm 1968” của nhà văn Trầm Hương đã in 2.000 cuốn để bán và hiện giờ đã “cháy hàng”.

Theo nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh, đề tài về kí ức Mậu Thân 1968 là một đề tài lớn, thiêng liêng và có sức hút mạnh mẽ với văn nghệ sĩ nói chung và với các nhà văn nói riêng. Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân mãi mãi là trang sử đầy tự hào của khí phách Việt Nam, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2017, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thành phố đã phát động trong toàn khối văn nghệ hưởng ứng sáng tác, biểu diễn, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài Xuân Mậu Thân 1968; đồng thời tổ chức trại sáng tác chủ đề “Vang mãi bản hùng ca xuân Mậu Thân 1968” cho 30 tác giả của các chuyên ngành và nhận được nhiều tác phẩm mới thuộc đủ loại có chất lượng tốt như: văn học, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, âm nhạc, múa…


"Riêng thể loại văn học có 4 tác giả là Phạm Sỹ Sáu – “Pháo dậy phố Xuân”, Trầm Hương – “Chuyện năm 1968”, Ngô Bá Chính - “Biệt động Sài Gòn trong Tết Mậu Thân 1968” và Lê Thiếu Nhơn - “Chữ nghĩa bay lên bát ngát mùa xuân” đã được Liên hiệp thực hiện đầu tư từ khâu sáng tác, tổ chức bản thảo cũng như phối hợp với Nhà xuất bản Văn hóa –Văn nghệ Thành phố phát hành thành sách. Ngoài ra, còn có 2 cuốn sách văn – thơ tổng hợp của nhiều tác giả gửi tác phẩm về hưởng ứng cuộc vận động để giới thiệu đến công chúng. Mỗi tác phẩm tuy có sắc thái riêng về khai thác đề tài nhưng đều thể hiện được cái chung nhất là tính bi tráng của sự kiện Xuân Mậu Thân 1968 và tôn vinh những chiến công của chiến sỹ, đồng bào cũng như sự tri ân vô hạn của tác giả đối với những hy sinh mất mát của bao thế hệ đã ngã xuống”, ông Ẩn cho biết thêm.



Cùng với 4 tác giả của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh cho ra mắt sách đợt này, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật cũng đã đầu tư sáng tác cho 4 tác giả của Hội Sân khấu thành phố là Trần Văn Hưng, Đăng Nhân, Ngọc Trúc, Bích Ngân. Kịch bản “Châu về hợp phố” của tác giả Trần Văn Hưng được Liên hiệp đầu tư cho Sân khấu kịch Hồng Vân tổ chức dàn dựng biểu diễn phục vụ công chúng, được dư luận đánh giá nội dung tốt. Bốn kịch bản sân khấu này cũng đã được Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP Hồ Chí Minh đưa vào in chung trong một cuốn sách để ra mắt công chúng dịp này.


Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
 Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh trong Xuân Mậu Thân 1968
Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh trong Xuân Mậu Thân 1968

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy dịp Tết Mậu Thân năm 1968 của quân và dân ta đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc chiến với Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN