Đại biểu tham quan trưng bày hình ảnh về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 tại Vĩnh Long. |
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long Trương Văn Sáu nhấn mạnh: Để chuẩn bị cho đợt tổng tiến công vào thị xã Vĩnh Long trong Tết Mậu Thân 1968, Vĩnh Long đã tập trung toàn lực lượng từ các đơn vị chủ lực của tỉnh đến các lực lượng ở thị xã, địa phương tham gia trận đánh. Trong đợt tổng tiến công này, quân và dân Vĩnh Long đã làm chủ thị xã Vĩnh Long trong 6 ngày đêm. Sau đó, địch phản kích rất dữ dội, lực lượng của ta đã rút ra vùng ven và nông thôn để làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh giải phóng nông thôn sau này.
Qua trận đánh này, quân và dân ta đã được rèn luyện bản lĩnh chính trị, ý chí chiến đấu để lực lượng vũ trang trưởng thành về mọi mặt. Điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn cho cách mạng Vĩnh Long trong những giai đoạn sau của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thắng lợi này còn là kết quả của quá trình xây dựng lực lượng, phát triển thế trận chiến tranh nhân dân, vận dụng sáng tạo phương châm đánh địch bằng ba mũi giáp công (quân sự, chính trị và binh vận) tạo thành sức mạnh tổng hợp để chiến thắng kẻ thù.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long khẳng định, thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Vĩnh Long nói chung và thị xã Vĩnh Long nói riêng là một biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của lòng quyết tâm, ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược của quân và dân Vĩnh Long.
Tại tọa đàm, nhiều nhân chứng từng tham gia sự kiện lịch sử này đã phát biểu ý kiến, tập trung làm rõ về vai trò quyết định của các hướng tiến công, đặc biệt là hướng tiến công vào sân bay Vĩnh Long; khái quát, đúc kết những bài học kinh nghiệm quý báu từ cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 để vận dụng và phát huy vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay...
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Ký Ức cho rằng, thắng lợi Xuân Mậu Thân 1968 ở Vĩnh Long đã góp phần cùng chiến trường chung làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom miền Bắc; đồng thời, ngồi đàm phán với ta ở Hội nghị Paris.
Theo Nguyên Trung đội trưởng Tiểu đoàn 306 Phan Minh Nguyên, thắng lợi của cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 ở Vĩnh Long đã đem lại những bài học kinh nghiệm về nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo chiến dịch, chiến lược quý báu. Đặc biệt, chiến thắng Mậu Thân cho thấy sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị bộ đội chủ lực với quân địa phương, sự đóng góp, che chở, đùm bọc của quần chúng nhân dân, dựa vào dân để có những quyết sách hợp lòng dân, phát huy sức mạnh của toàn dân.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón khẳng định: Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Đó là khát vọng "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", là niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, là tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong chuẩn bị và thực hành tổng tiến công – nổi dậy; là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là tinh thần quyết chiến, quyết thắng, dám đánh Mỹ và thắng Mỹ của quân và dân ta.
Để phát huy ý chí quyết chiến, quyết thắng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vào thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long kêu gọi các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường giáo dục, bồi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện tốt công tác chính sách và cải thiện đời sống nhân dân; tiếp tục nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, phát huy nội lực, hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước.