Quân Giải phóng tiến công tiêu diệt giặc tại Sài Gòn (1968). Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Thời điểm cuối năm 1967, tình hình trong nước và thế giới có nhiều chuyển biến có lợi cho ta. Trước tình hình trên, Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng vào tháng 12/1967 đã đưa ra nhiều quyết sách nhằm giành thắng lợi quyết định trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968. Thực hiện chủ trương của Trung ương, ở Khánh Hòa, công tác chuẩn bị cho cao trào tổng tiến công ngay tại thị xã Nha Trang và các thị trấn trong toàn tỉnh được khẩn trương chuẩn bị.
Đêm 30/1/1968, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Khu ủy, trực tiếp là Tỉnh ủy Khánh Hòa, quân và dân Khánh Hòa đã đồng loạt tiến công và nổi dậy đánh thẳng vào các mục tiêu đầu não của Mỹ - ngụy tại thị xã Nha Trang và các thị trấn trong tỉnh với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Những trận đánh của quân và dân ta đã giáng cho địch một đòn choáng váng, tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực, phương tiện chiến tranh của địch. Dù trong Cuộc Tổng tiến công này, quân và dân Khánh Hòa chịu nhiều tổn thất, hy sinh song có thể nói, Cuộc Tổng tiến công Xuân 1968 là mốc son chói lọi, trang sử oai hùng trong lịch sử đấu tranh vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa.
50 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về những ngày Tết Mậu Thân vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ của bà Nguyễn Thị Cúc (sinh năm 1949) trú tại phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang. Thời điểm Tết Mậu Thân 1968, bà Cúc là thành viên Đội công tác Đông Nam - Thị ủy Nha Trang, được giao nhiệm vụ giao liên và vận chuyển gạo, đưa bộ đội từ đất liền đến các đảo trên vịnh Nha Trang. Bà Cúc cho biết, vào sáng sớm mồng 1 Tết Mậu Thân, bà và các đồng đội vẫn làm nhiệm vụ đưa cán bộ chiến sĩ, thư từ ngoài đảo vào Khu căn cứ Đồng Bò (thành phố Nha Trang) và Khu căn cứ Đại Điền (huyện Diên Khánh). Máy bay của địch quần thảo trên bầu trời nhưng bà Cúc cùng đồng đội vẫn mưu trí, dũng cảm thực hiện nhiệm vụ. "Hồi đó, chúng tôi làm nhiệm vụ tiếp tế, sau sự kiện Mậu Thân, dù địch có càn quét nhưng chúng tôi vẫn luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi rất buồn là nghe tin người thân, bộ đội ta hy sinh nhiều ở khu vực nội thành Diên Khánh, Khánh Hòa”, bà Cúc chia sẻ.
Trong Chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, bà Nguyễn Thị Nhân (sinh năm 1940), trú tại thôn Đại Điền Trung 3, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh là người đã tích cực tham gia cuộc biểu tình đấu tranh chính trị, hỗ trợ các hoạt động vũ trang của quân ta. “Đêm Giao thừa năm Mậu Thân 1968, mọi người tập trung tại chùa Đại Phước rất đông. Mỗi người đều mang tấm bảng có dòng chữ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Trên đường đi, đoàn biểu tình bị địch bắn chỉ thiên nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục đi xuống Nha Trang...", bà Nhân kể. Sau đó, bà Nhân bị địch bắt giam trong hơn 9 tháng.
Trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh có hơn 50 người tham gia, hiện nay hơn 20 người còn sống. "Hội chị em chiến đấu, cùng vào tù thời đó, nay người mất, người còn, thỉnh thoảng gặp nhau vẫn ôn lại kỷ niệm về những ngày tham gia biểu tình năm đó", bà Nhân chia sẻ.
Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa 1930 -1975, trong đợt tiến công này (từ ngày 29/1 đến cuối tháng 2/1968), quân và dân Khánh Hòa đã loại ngoài vòng chiến đấu gần 1.150 tên địch, phá hủy và bắn rơi 22 máy bay trực thăng; đánh chìm 2 tàu thủy trọng tải 8.000 tấn; phá hủy 7 xe quân sự, trụ sở cơ quan ngụy quyền ở khu vực Tiểu khu, Tỉnh đường, Sở Tiếp vận 5; phá đường sắt, đắp chướng ngại vật, làm gián đoạn giao thông trên quốc lộ số 1, số 21 và đường sắt từ 1 đến 3 ngày…
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968, Đảng bộ, quân, dân Khánh Hòa đã góp phần cùng với quân và dân miền Nam đánh bại cố gắng quân sự cao nhất của đế quốc Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, làm đảo lộn thế tấn công của địch, làm lung lay mưu đồ xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc địch phải ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Hội nghị Paris.