Lối sống lành mạnh - phòng ung thư
Đây là tên của bộ sách được thực hiện bởi nhóm Ruy băng tím, bao gồm các bác sĩ, các nhà khoa học Việt Nam có chuyên môn và uy tín cao trong cộng đồng. Tên gọi Ruy băng tím xuất phát từ biểu tượng “Lavender Ribbon”được cả thế giới thống nhất chọn làm biểu trưng cho việc nâng cao nhận thức về bệnh ung thư.
Bộ sách "Lối sống lành mạnh – Phòng ung thư" vừa được ra mắt tại TP Hồ Chí Minh. |
BS Trần Hoàng Hiệp, bác sỹ nội trú ung thư, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay ung thư là mối đe dọa thực sự nghiêm trọng đến sức khỏe rất nhiều người dân ở Việt Nam và trên thế giới. Tuy nhiên, dù có nhiều yếu tố, nguy cơ gây ung thư hằng ngày vẫn len lỏi trong cuộc sống, từ thói quen sinh hoạt, lao động cho đến việc sử dụng thực phẩm, chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng sự hiểu biết đầy đủ và thay đổi từ lối sống chính mình.
Với mong muốn nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến ung thư và lối sống lành mạnh phòng tránh bệnh tật, nhất là thay đổi nhận thức của các bạn trẻ, nhóm Ruy băng tím đã kết hợp với NXB Kim Đồng giới thiệu bộ sách “Lối sống lành mạnh – Phòng ung thư” đến độc giả cả nước.
Bộ sách kiến thức y khoa này gồm bốn cuốn: “Nguy cơ từ thuốc lá, rượu bia và tia bức xạ”, “Thừa cân và cách giảm cân hiệu quả”, “Ba chiến lược dinh dưỡng vàng”, “Hiểm họa từ bệnh nhiễm trùng”. Nội dung trong 4 cuốn này sẽ cung cấp những kiến thức cơ bản nhất về các vấn đề liên quan đến ung thư, đặc biệt khuyến khích lối sống lành mạnh, phòng tránh bệnh từ xa. Những kiến thức khoa học chuẩn xác được diễn đạt dễ hiểu, giàu màu sắc với minh họa sinh động, tăng tính tương tác để ai cũng có thể đọc và hiểu, thực hành đúng cách.
Được biết, nhóm Ruy băng tím là tổ chức phi lợi nhuận về phòng chống ung thư ở Việt Nam, được thành lập vào ngày 12/12/2015. Nhóm bao gồm những tiến sĩ, bác sĩ, nhà khoa học và các chuyên gia truyền thông đang công tác trong và ngoài nước, có cùng mục tiêu phục vụ cộng đồng bằng kiến thức y khoa hiện đại.
Kĩ năng nấu ăn kiểu Huế
Trong ngày cuối tuần qua, NXB Phụ nữ cũng đã có buổi trò chuyện và ra mắt cuốn sách chuyên về nấu ăn có tên gọi “Món ngon xứ Huế” của tác giả Nguyễn Thị Phiên và con gái Đỗ Thị Phương Nhi.
Độc giả rất thích thú với những chia sẻ về cách nấu các món ăn Huế của cô Phiên tại buổi giao lưu, ra mắt sách. |
Nội dung cuốn sách này là tổng kết những món ăn mà cô Phiên đã tâm đắc trong quá trình hành nghề và giảng dạy của mình. Những món ăn này có phương pháp chế biến đơn giản và dùng trong ngày thường như: món gỏi trộn, chiên, nướng, canh, kho, om, rim và đến các món đặc biệt trong những ngày lễ Tết.
Cô Nguyễn Thị Phiên cho biết, kho tàng ẩm thực phong phú và đặc sắc của Huế còn tiềm tàng nhiều trong dân gian và chưa được giới thiệu rộng rãi đến người ăn. Vì vậy, với 65 món ăn trong cuốn sách sẽ làm bật lên nét đặc trưng, tinh tế trong cách chế biến món ăn Huế, đồng thời cũng giúp giới thiệu rộng rãi nét văn hoá ẩm thực đặc trưng của Huế đến những người yêu ẩm thực Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.
Là một học trò được học các nấu các món ăn Huế từ cô Phiên, cô Đoàn Thị Thu Thủy cho biết: “Tôi học từ cô Phiên rất nhiều kinh nghiệm về nấu nướng. Cô đã dạy cho tôi nhiều bí quyết để nấu được món ăn ngon và cả những món ăn của xứ Huế đã thất truyền. Với cuốn sách đầu tay đúc kết kinh nghiệm và những món ăn Huế gần gũi, dễ làm, tôi tin rằng đó sẽ là cẩm nang cần thiết cho gian bếp ấm của mọi gia đình Việt hiện nay”.
Truyện về tháng bảy mưa ngâu
“Mưa ngâu tháng Bảy” và "Cơn Giông chiều mùa Hạ" là hai truyện dài của Bùi Nguyễn Trường Kiên từng được xuất bản dành cho giới học sinh, sinh viên và nay cũng đã quay trở lại phục vụ độc giả qua "bà đỡ" là NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.
Nhà báo, nhà thơ Bùi Nguyễn Trường Kiên đã có buổi trò chuyện với độc giả tại đường sách TP Hồ Chí Minh để nói về những điều đáng trân trọng trong cuộc sống. |
Nội dung của truyện dài “Mưa ngâu tháng bảy” chủ yếu kể về câu chuyện tình yêu thời sinh viên của các nhân vật Thuần, Lữ, Nhật Hà, Anh Thư, Thủy Tiên, Tâm với những trắc trở, những nghi ngờ và cả những bối rối khi không biết làm sao ngỏ lời yêu. Ngoài tình yêu đôi lứa, truyện còn đề cập đến cả tình yêu cuộc sống, tình yêu con người với thông điệp cuộc đời thật đáng quý và đáng sống.
Trong khi ấy, “Cơn giông chiều mùa Hạ” kể về câu chuyện của các học sinh lớp 11 trong thời điểm chuẩn bị kết thúc năm học để bước vào năm cuối cấp III. Mỗi em có một hoàn cảnh và tính cách khác nhau. Và chắc chắn, những diễn tiến của cốt truyện sẽ hấp dẫn độc giả không rời tay khỏi sách khi ở đó, những thay đổi tâm sinh lý, những diễn biến nội tâm, những cảm xúc đầu đời, những giận hờn vô cớ… của lứa tuổi học trò đều như rất chân, rất thật. Ai trong chúng ta cũng có một thời như thế, những kỷ niệm không thể nào quên của lứa tuổi học trò.
Theo tác giả Bùi Nguyễn Kiên Trường, các nhân vật trong “Mưa ngâu tháng Bảy” và " Cơn giông chiều mùa Hạ" đều là những nhân vật hư cấu, song qua những nhân vật ấy, dù ít hay nhiều, độc giả sẽ bắt gặp một “bản sao” nào đó của mình hoặc ai đó thân quen trong hai tác phẩm này. Thông điệp nhân văn tác giả muốn truyền tải đến độc giả như chính lời tác giả viết trong sách như: “Tôi rất mong và cũng rất vui, rất hạnh phúc nếu sau khi gấp cuốn sách này lại, các bạn bỗng nhận ra một điều mà ai ai trong chúng ta cũng mong muốn: cuộc đời thật đáng quý và đáng sống!”.