Kĩ năng phòng tránh xâm hại
Mới đây, Nhà xuất bản (NXB) Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển giáo dục Sài Gòn đã giới thiệu tới phụ huynh và học sinh cả nước 3 cuốn sách kĩ năng dành cho lứa tuổi từ mầm non đến đại học. Ba cuốn sách này do PGS.TS Huỳnh Văn Sơn chủ biên với tựa đề: Kỹ năng phòng chống bạo lực học đường; Kỹ năng phòng tránh xâm hại cho trẻ em mầm non; Kỹ năng phòng tránh xâm hại cho học sinh tiểu học.
Bìa 3 cuốn sách kỹ năng phòng chống bạo lực học đường và xâm hại. |
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, hiện nay bạo lực học đường và xâm hại tình dục trẻ em là hai vấn nạn được quan tâm, khi ngày càng có nhiều vụ việc đau lòng diễn ra, để lại thương tổn sâu sắc về thể chất cũng như tâm lý cho trẻ nhỏ. Vì vậy, nhóm tác giả của 3 cuốn kỹ năng này mong muốn trang bị cho phụ huynh và các em nhỏ kiến thức để phòng tránh bạo lực, xâm hại... có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Đây là những câu chuyện, tình huống gần gũi được trình bày sinh động hay những tình huống trẻ, học sinh hay gặp phải trong đời sống; cùng các chỉ dẫn, gợi ý giúp các em dễ dàng thực hiện khi xảy ra sự cố.
Kĩ năng làm báo, biên tập
NXB Văn hóa – Văn nghệ TP Hồ Chí Minh cũng vừa giới thiệu đến độc giả cả nước 2 tác phẩm nói viết về kĩ năng làm báo như: Viết tin, bài đăng báo và Khám phá nghề biên tập.
Theo đó, tác phẩm “Viết tin, bài đăng báo” như một cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ cho người đang sẵn sàng lao vào con đường học tập để hành nghề báo chí. Cuốn sách này cũng tập trung vào báo viết, nhưng bạn có thể sử dụng mọi kỹ năng săn tin, viết lách được hướng dẫn ở đây cho bất cứ loại hình báo chí hoặc truyền thông đại chúng nào và cả cho nhiều loại bài viết khác. Nguyên tắc luôn giống nhau, chỉ khác có cách áp dụng.
Bìa sách "Viết tin, bài đăng báo" của nhà báo Ngọc Trân. Ảnh: CTV |
Đối với tác phẩm “Khám phá nghề biên tập” có nội dung nhắm đến thực hành, nhưng vẫn có cả lý thuyết. Tác phẩm gồm nhiều phần, từ tổng quan về nghề biên tập, nhiệm vụ người biên tập cho đến biên tập hình thức, biên tập nội dung và cả viết lách. Người biên tập được nói đến ở đây là biên tập viên văn bản tại tòa soạn một tờ báo ngày.
Tác giả của 2 cuốn sách trên là nhà báo Ngọc Trân - cố vấn biên tập các tạp chí Nhà và Đất, Nhịp cầu Đầu tư, giảng viên thỉnh giảng khoa Báo chí và Truyền thông Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, từng làm việc cho báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ và Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh có đến 3.000 năm
Khác với thể loại sách kĩ năng, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh cũng cho ra mắt cuốn sách nói về di sản văn hóa đô thị Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu - tác giả cuốn sách này, nhiều người dân hay có suy nghĩ về một Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh là một thành phố trẻ năng động mới qua tuổi 300, nhưng thực tế, tuổi đời của vùng đất Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh đã có đến 3.000 năm. Bởi rất nhiều giá trị di sản văn hóa đã được kết tinh, thăng hoa từ hàng ngàn năm đến hàng trăm năm trước vẫn còn ẩn chứa trong lòng và hiện diện trên mảnh đất Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu (giữa) tại buổi ra mắt sách "Đô thị Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh - Khảo cổ học và bảo tồn di sản". |
Để minh chứng cho điều này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu cho biết, nội dung cuốn này sẽ cho độc giả những khái quát và cô đọng những vấn đề khảo cổ học của vùng đất Sài Gòn xưa cách đây khoảng 3.500 năm với các giai đoạn hình thành như: Thời kỳ tiền sử, thời kỳ lịch sử, giai đoạn văn hóa Óc Eo; giai đoạn khai phá và hình thành Bến Nghé – Sài Gòn, giai đoạn đô thị hóa Sài Gòn – Chợ Lớn…
Ngoài ra, tác phẩm còn đề cập sự hình thành, phát triển đô thị Sài Gòn trong bối cảnh Nam bộ; thực trạng bảo tồn những di tích lịch sử, di sản của thành phố hiện đại; kinh nghiệm bảo tồn của thế giới.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu cho hay, càng nghiên cứu về mảnh đất Sài Gòn càng nhận ra nơi đây có hệ thống di sản có giá trị lịch sử văn hóa, nếu biết khai thác, tận dụng và phát huy thì sẽ rất có ích cho cuộc sống của ngày hôm nay và tương lai của thế hệ mai sau. Đó không phải là những di sản “chết” mà vẫn luôn tồn tại gắn liền với đời sống của chúng ta.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu hiện là giảng viên và nghiên cứu khảo cổ học, lịch sử, văn hóa tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, Phó Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Nhiều năm qua, bà đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu, chuyên khảo về khảo cổ học khu vực Nam bộ, TP Hồ Chí Minh.