Xuất hiện từ trong giai đoạn chống Mỹ nhưng chủ yếu khẳng định bút lực của mình trong thời hậu chiến và đổi mới, Ý Nhi là một trong những cây bút xuất sắc của nền thơ Việt Nam đương đại.
Có thể hình dung về thơ chị như một hành trình truy vấn tinh thần mà trong đó, cái tôi nhà thơ, lặng lẽ nhưng quyết liệt và bền bỉ, không ngừng tự ý thức nhằm tìm kiếm cái “bản lai diện mục” của tâm hồn. Dĩ nhiên, đi cùng óc phân tích tỉnh táo ấy còn là một tâm hồn phụ nữ nhạy cảm và giàu lòng trắc ẩn. Chính điều này đã tạo nên chất “duy lí” độc đáo của thơ Ý Nhi giữa một nền thơ Việt hiện đại (nhất là thơ nữ) vốn nặng chất “duy tình”, “duy cảm”.
"Chất triết lí cũng tạo nên nét riêng của thơ Ý Nhi: Không lạm dụng các mĩ từ kêu vang, nó toát ra từ một cái nhìn nội tâm trầm tĩnh, sâu sắc nhưng đầy khắc khoải của một con người đang trên hành trình tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời mình.” Lời nhận xét trên của nhà phê bình Lê Hồ Quang dường như đã gói trọn tinh thần thơ của Ý Nhi - nữ thi sĩ vừa được trao giải thưởng Cikada danh tiếng năm 2015 về những đóng góp bền bỉ của mình trong văn đàn thi ca Việt Nam.
Thế nhưng, sau nhiều năm miệt mài sáng tác với những tập thơ nối tiếp nhau ra đời như Người đàn bà ngồi đan, Ngày thường, Mưa tuyết, Vườn…, Ý Nhi bắt đầu dần chuyển hướng quan sát cuộc sống qua văn xuôi. Nhiều khi người đọc có cảm giác như đang đọc thơ dưới hình thức văn xuôi vậy. Và như những ngọn gió qua vườn, người đọc được tiếp cận những câu chuyện chân thực với một cảm thức sâu lắng, tinh tế đầy ý thơ.