Những câu chuyện hư ảo trong 'Người khách kỳ dị'

Tập 16 truyện ngắn "Người khách kỳ dị" của nhà văn Ma Văn Kháng tiếp tục là dòng chảy cho cảm hứng bất tận của tác giả về những đề tài vốn đã trở thành thế mạnh trong bút lực của ông

Chú thích ảnh
Tập truyện ngắn "Người khách kỳ dị" của tác giả Ma Văn Kháng.

Trong tập truyện ngắn “Người khách kỳ dị” (NXB Phụ nữ), con người và cảnh vật nơi miền núi Tây Bắc, cụ thể là nơi nẻo xa Lào Cai hiện lên qua những câu chuyện nhỏ, có xen lẫn chút hư ảo, kì dị về phong tục, quan niệm tâm linh, sự linh thiêng.

Cũng trong những câu chuyện này, tác giả đi sâu vào những biến chuyển trong đời sống con người chốn thị thành, những thay đổi về lối sống, cái nhìn về vật chất, đồng tiền và tác động của chúng tới hành động của con người với con người trong xã hội cũng như tới tình cảm của lứa đôi, gia đình, thầy trò. Nhưng từ sâu thẳm những mảnh truyện, mảnh đời hết sức dạn dĩ đó vẫn ánh lên sự ấm nồng của tình người, những chiêm nghiệm về đời, về người tưởng chừng như đã mai một nhưng vẫn còn nguyên giá trị giữa lối sống hiện đại tấp nập, xô bồ.

Tư chất mạo hiểm, liều lĩnh của anh lái xe đêm Quý trong Xe chạy đêm, những mâu thuẫn nhỏ nhặt giữa anh em trong gia đình cùng sợi dây gắn kết mơ hồ giữa họ dựa trên cái giật mình lo sợ trước vong linh cha mẹ đã khuất trong Cát bụi, Một đám cổ khâu; đến Đất dữ, Quán ăn nổi…, tác giả phơi bày trước mắt người đọc những góc khuất trong tâm lí của con người.

Mạch truyện nhịp nhàng với nhiều tình tiết ly kỳ, hấp dẫn, nhiều phân đoạn tâm lí được đẩy lên cao trào và vỡ òa trong sự thức tỉnh.

Ngôn ngữ của tác giả cũng biến thiên linh hoạt, khi thì mộc mạc, gần gũi, khi lại ngang tàng, châm biếm, gay gắt mà đượm cái thi vị của cuộc sống, nhẹ nhàng mà chẳng phai chất đời.

Khi đọc và ngẫm những con người trong Người khách kỳ dị, ta như được thấy phần nào đó của chính mình, chút gì đó cay xót, tủi nhục nhưng trên hết là ta tìm thấy hy vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn với tình người cao cả.

T.HƯƠNG/Báo Tin tức
Từ Dụ Thái hậu, tiểu thuyết 'cung đấu' hấp dẫn của văn học đương đại
Từ Dụ Thái hậu, tiểu thuyết 'cung đấu' hấp dẫn của văn học đương đại

Sau 10 tập truyện ngắn, nữ nhà văn nổi tiếng xứ Huế Trần Thùy Mai đã cho ra đời Từ Dụ Thái hậu (NXB Phụ nữ), một trường thiên tiểu thuyết gồm 69 chương, có thể xem là tiểu thuyết lịch sử dạng "cung đấu" hiếm hoi của văn học đương đại, viết về thời nhà Nguyễn, triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN