Những địa danh như Ăng-ko (Campuchia), Sơn Đòng (Việt Nam) hay những di tích văn hóa của Italia trong “Tự tình cùng cái Đẹp” vừa kỳ vĩ vừa bí ẩn, thôi thúc cả người đã trực tiếp chiêm ngưỡng lẫn người chưa từng được đặt chân.
Chính vì vậy mà thoạt tiên, cuốn sách là ký ức đẹp đẽ và hấp dẫn về những trải nghiệm của tác giả. Và càng đi sâu vào từng trang viết, người đọc càng cảm thấy một tình yêu đặc biệt của tác giả dành cho vạn vật, dành cho cuộc đời.
Qua bề sâu tri thức và cái nhìn nhân bản của tác giả, từ những cành lá, nhành hoa mỏng manh tới viên đá ngàn năm tuổi đều mang vẻ đẹp vừa hiện hữu lẫn sức sống trường tồn. Dưới ngòi bút của người lãng du với cái nhìn sâu sắc, mỗi cảnh sắc, sự vật như có mối liên hệ tri âm với người viết. Và từ đó, mỗi một khám phá là một cuộc yêu, một cuộc tự tình cùng cái đẹp, tự tình cùng cuộc sống.
Tác giả của “Tự tình cùng cái Đẹp” là Tiến sĩ văn học Chu Văn Sơn, một nhà giáo, nhà phê bình tài hoa, tinh tế và sắc sảo. Chính vì vậy khi sáng tác, mỗi câu chữ của ông đều là sự bay bổng trong nâng niu và cẩn trọng. Đúng như nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh chiêm nghiệm: “Tôi thường nghĩ mãi về cách Chu Văn Sơn nâng niu, chăm chút từng con chữ. Rồi một ngày lần theo những câu văn duy mỹ của anh, tôi chợt nhận ra, chúng không chỉ là chữ. Chúng là các tế - bào - sống của anh, dâng tặng cuộc đời này”.