Nhớ kỉ niệm Tết xưa trên đất Bắc
Khi đọc tác phẩm “Tết xưa thơ bé” của tác giả Hương Thị (do Nhà xuất bản Kim Đồng vừa phát hành) sẽ giúp chúng ta nhớ về khoảnh khắc ánh mắt rạng ngời, miệng cười hớn hở khi được mặc tấm áo Tết mới, hoặc sẽ giúp chúng ta sống lại những kỉ niệm thời thơ bé trong ngày Tết. Ở đó, chúng ta thấy tuổi thơ của một đứa trẻ những năm hậu bao cấp tuy còn nhiều thiếu thốn, nhưng đầy ắp sắc màu và nồng ấm yêu thương trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam
Khi nương theo kí ức của Hương Thị, chúng ta được sống trong khung cảnh của một thị trấn nhỏ Bắc bộ những năm 80 của thế kỉ trước, sống cùng vui buồn của một cô bé lí lắc, lắm chiêu. Thời khắc trong những ngày Tết xưa mang theo bao nỗi lo toan của người lớn nhưng lại là niềm phấp phỏng chờ mong của những đứa trẻ. Suốt cả năm, bà và mẹ phải chuẩn bị chăm cho nải chuối to, chăm cho đàn gà lớn, lo lắng chạy vạy để mâm cỗ Tết đủ đầy, có cành đào trưng Tết, có tiền mua cho con tấm áo mới cho các con…
Ngược lại, đối với những đứa trẻ thì Tết là dịp duy nhất trong năm được ăn no nê thỏa thích, với vô vàn món ngon, được mặc quần áo đẹp, được xúng xính đôi giày mới, được “phát vốn” để có chút của riêng… Tết là thời khắc đặc biệt, thiêng liêng với những đứa trẻ.
Độc giả nhiều phen dở khóc dở cười cùng cô bé Hương Thị lật đật khi trong một ngày đầu năm mới mà cô phá vỡ rất nhiều tục lệ kị hèm như không được nói những điều xui xẻo, không để bị đòi nợ ngày đầu năm mới, tránh đổ vỡ… Chỉ duy tục “không quét nhà” trong suốt những ngày Tết là khiến cô bé sướng rơn.
Cuốn sách của Hương Thị giống như lời thủ thỉ của một bà mẹ, kể lại cho con nghe những kí ức về Tết của một thời chưa xa, nhưng có lẽ đã khá lạ lẫm lắm với những đứa trẻ hôm nay. Thông qua ngôn ngữ kể chuyện khi thì rủ rỉ rù rì, đầy xúc cảm, lúc thì lại lí lắc, dí dỏm, khi thì dồn dập gay cấn, cuốn độc giả qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau trong ngày Tết xưa của Bắc bộ.
Nhớ ơi là Tết
“Bạn đã bao giờ thấy mệt mỏi vì phải chuẩn bị đón một cái Tết thị thành? Khi nào thật rã rời, mời bạn về quê với tôi một chuyến, thử đi cấy trên những chân ruộng mùa đông và chờ Tết đến” - đây là lời mời gọi chân tình của tác giả Thái Hương Liên viết trong tập sách "Nhớ ơi là Tết" vừa xuất bản.
Theo những dòng văn dịu êm mà ngọt ngào của tác Thái Hương Liên, độc giả sẽ được dẫn lối tới xứ Đoài mây trắng với vẻ đẹp êm đềm, cổ kính; làm quen với những người nông dân mộc mạc, chất phác; thưởng thức những cái Tết cổ truyền từ thuở còn thiếu thốn của người nông dân.
Tết giờ đây đã đủ đầy, nhưng nỗi niềm rưng rưng nhớ những kỉ niệm xưa dường như vẫn sống dậy trong lòng tác giả hay chính mỗi chúng ta mỗi dịp xuân về. Quên sao được hình ảnh “đôi dép đã mòn vẹt cả đế” và tiếng cười vui trẻ thơ khi được mua đôi dép đượm mùi nhựa mới, niềm hân hoan khi được là thẳng thớm bộ quần áo cũ bằng “chiếc bàn là Con Gà dùng than thần thánh”, nhớ mùa Tết “chỉ nghe tiếng lợn kêu lúc trời chưa rạng đã bồn chồn”…
Mỗi bài viết là một nét chấm phá tạo nên bức tranh về làng Thạch xứ Đoài đang rộn ràng không khí Tết. Từ cánh đồng xa xa, các cô các bà vừa lom khom cấy lúa, vừa rôm rả câu chuyện sắm Tết; đến khu chợ làng với những gian lều lúp xúp: góc này là hàng trầu cau, góc kia là khu hàng xén với gương, lược, kim, chỉ, bút, vở… Ở góc kia là gian lều treo đầy áo quần rực rỡ; bên này là hàng quà bánh, bên kia bày bán chuối, bưởi vàng ươm. Đặc biệt là một góc không kém phần quan trọng làm nên không khí Tết là góc bán tranh Đông Hồ đầy sắc màu, hình ảnh sống động.
Lại gần hơn, ta sẽ thấy thấp thoáng trong bức tranh làng quê ấy “sắc tím sắc trắng của hoa đồng nội đẹp mơ hồ trong làn mưa huyền ảo” dọc bờ đê. Nổi bật lên là màu đỏ rực của những bông gạo trổ cuối xuân. Góc kia là cái giếng cổ to tướng tuổi đời hàng trăm năm, góc này là con ngõ nhỏ với hàng xoan đào trải xuống đất “tấm thảm hoa tim tím”; là “ngôi nhà có mái ngói rêu phong”, là góc “sân vườn rợp mát bóng giàn bầu giàn mướp trĩu trịt nõn nà”.
Bằng tình yêu da diết của người con sinh ra, lớn lên và gắn bó với làng, Thái Hương Liên khiến độc giả muốn một lần được được đến thăm vùng đất ấy, thưởng lãm vẻ đẹp trầm lắng dấu tích thời gian, thưởng thức những món ăn đặc sản của quê hương, thấm đượm mùi đất đai đồng ruộng và đắm mình trong cõi yên bình của làng quê.