Mùa bội thu những tình yêu Hà Nội

Diễn ra sớm hơn 2 ngày so với mọi năm (ngày 29/8), và đã là tuổi thứ 6 của giải thưởng, nhưng lễ trao "Giải thưởng Bùi Xuân Phái- Vì Tình yêu Hà Nội" năm 2013 của Báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN), vẫn mang tới cảm giác rưng rưng cho người dự. Có lẽ bởi là tình yêu, nên lần nào cũng mới, và lần nào cũng vẹn nguyên...


Phá lệ vì chất lượng


Theo Chủ tịch Hội đồng giám khảo Bằng Việt, trải qua 5 mùa giải, "Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì Tình yêu Hà Nội" vẫn giữ được vị thế là “nhiệt kế” biểu thị tình yêu với Thủ đô của các tầng lớp nhân dân: Từ tình yêu của các văn nghệ sĩ, trí thức trăn trở với những sáng tác, nghiên cứu về chủ đề Hà Nội; đến những người dân bình thường, đang sống và làm việc trên đất Thủ đô; cho đến cả những người nước ngoài, ngẫu nhiên hay định mệnh, gắn bó với mảnh đất này.

"Hội đồng giám khảo Giải thưởng thấy hết sức bất ngờ trước một mùa bội thu những “Tình yêu Hà Nội”, để lần đầu tiên, trong 5 mùa giải, Hội đồng giám khảo Giải thưởng phải “phá lệ” đề xuất Ban tổ chức trao 2 giải thưởng ở hạng mục Giải Việc làm", ông Bằng Việt nhấn mạnh.


Cũng theo đại diện Hội đồng giám khảo, điều đáng quý nhất là "giải thưởng không phải là một cuộc thi, không có sự so sánh hơn thua, mà đó là một sự bình chọn vô tư, trong sáng cho những tình yêu Hà Nội".

Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng đạt "Giải thưởng Lớn- Vì Tình yêu Hà Nội".


Và năm nay, những tình yêu Hà Nội mang sắc màu và có những cung bậc gì?

Với "Giải thưởng Lớn- Vì Tình yêu Hà Nội", hạng mục rất được "quan tâm" của giải thưởng, sự vinh danh với nhà nhiếp ảnh Quang Phùng năm nay hoàn toàn xứng đáng. Ngoại "bát tuần" (sinh năm 1932), nhà nhiếp ảnh đã cả đời gắn với Hà Nội, với Hồ Gươm "theo một cách thật lâu bền, thật chậm rãi, thật tinh tế, mà cũng hết sức đời thường". Cần mẫn, ông đã ghi lại những khoảnh khắc lịch sử của Hà Nội, hay những cảnh sống đời thường của Thủ đô, của Hồ Gươm…trong hàng ngàn bức ảnh có giá trị nghệ thuật cao của mình, đã được giới thiệu tập trung trong triển lãm “Hoa rơi trên mặt hồ” hay cuốn sách song ngữ “Dạo quanh hồ Gươm”. Và có một điều thật cảm động, là trong những ngày Bờ hồ Gươm biến thành sông vừa qua, ông lão từng trải qua cơn tai biến này, lại chống gậy bì bõm lội ra tận Hồ Gươm để ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ. Yêu Hà Nội- cũng chỉ yêu đến thế là cùng.

Với hạng mục "Tác phẩm- Vì Tình yêu Hà Nội", nhà ngoại giao người Anh, John Ramsden, đã giành chiến thắng cùng bộ ảnh "Hà Nội những năm 1980". Là Phó đoàn ngoại giao của Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, suốt 3 năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, John Ramsden đã khám phá Hà Nội bằng chiếc máy ảnh, với hơn 1.700 tấm ảnh, lưu trữ trong 75 cuộn phim. Những khuôn hình về Hà Nội những ngày bao cấp, hết sức gần gũi, đời thương, nhưng lại cũng có tính điển hình cao này, đã được John mang trở lại Thủ đô sau 30 lần chu du ở các nhà triển lãm châu Âu.

"Qua bộ ảnh của John Ramsden, người xem có thể thấy rõ sự chuyển mình của Hà Nội thật lạ lùng. Những bức ảnh về một Hà Nội mới chỉ vài chục năm trước, khi đang là thời bao cấp, mà đã mang đầy dáng vẻ xưa, gợi đầy sự thương nhớ. Qua ảnh của John Ramsden, khung cảnh những mái phố cổ lô xô, những con đường vắng vẻ bình lặng khiến nhiều người nhớ tới tranh phố Phái", đại diện BTC chia sẻ.


Ở hạng mục "Giải Ý tưởng – Vì Tình yêu Hà Nội", cũng không bất ngờ khi giải thưởng được trao cho nhóm soạn thảo "Đề án xây dựng Bộ quy tắc ứng xử nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh". Đánh giá của BTC, đề án này đã khơi dậy được một chủ đề hết sức cấp thiết trong việc giữ gìn và phát huy văn hóa Hà Nội hiện nay, đó là xây dựng văn hóa ứng xử và điều đó tác động sâu sắc đến nhận thức của cộng đồng. Chính vì tính thực tiễn của đề án, nên sau khi nghiên cứu từ đề xuất của các nhà chuyên môn, cơ quan quản lý, và lấy ý kiến nhân dân... Sở VH,TT&DL sẽ trình UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt Đề án này, tiến tới triển khai thực hiện trên toàn thành phố.

Và cuối cùng, là mùa bội thu của "Giải Việc làm – Vì Tình yêu Hà Nội". 3 đề cử được đưa ra, thì có 2 đề cử đã được trao giải, một điều chưa có trong tiền lệ của giải thưởng. Đó là "Công trình tìm kiếm các bằng chứng lịch sử, tổ chức vinh danh các liệt sĩ Hà Nội hy sinh tại Chư Tan Kra (Kon Tum)" của nhóm các cựu chiến binh Trung đoàn 209 và chính quyền thành phố Hà Nội và "Công trình sưu tầm các cổ vật và xây bảo tàng gốm cổ cho làng Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội)" của nhóm “Tìm về nguồn cội của làng”.

Có lẽ bản thân cái tên "Công trình tìm kiếm các bằng chứng lịch sử, tổ chức vinh danh các liệt sĩ Hà Nội hy sinh tại Chư Tan Kra (Kon Tum)" cũng đã thể hiện đầy đủ ý nghĩa của công trình này. Việc quy tụ những vong hồn trên đỉnh Chư Tan Kra, bắt đầu từ chính những người lính đánh trận Chư Tan Kra năm xưa. Cuối tháng 3/ 2009, hơn 30 năm sau chiến tranh, 5 thương binh già (Hồ Đại Đồng, Phạm Văn Chúc, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Minh Ngọc và Nguyễn Văn Tứ), lính đại đội 5, tiểu đoàn 7, trung đoàn 209, sư đoàn 312; đã trở lại Tây Nguyên tìm nấm mồ chôn tập thể những người đồng đội.

Với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, đến nay, lực lượng cán bộ quân đội cùng chính quyền địa phương đã quy tập được hài cốt 180 chiến sĩ là người Hà Nội, cùng 191 chiến sĩ ở các tỉnh phía Bắc thuộc Trung đoàn 209 hy sinh tại đây. Trên cơ sở này, Bộ Tư lệnh Thủ đô báo cáo UBND TP Hà Nội đề nghị xây dựng đài tưởng niệm các liệt sĩ Hà Nội tại Chư Tan Kra. Khu tưởng niệm được xây dựng trong quần thể của di tích lịch sử điểm cao 995 - Chư Tan Kra, vốn đầu tư 33 tỷ đồng, khởi công từ năm 2011 gồm: Khu tưởng niệm, 2 Nhà bia, sân hành lễ, phù điêu, khu nghĩa trang, nhà văn hóa…


Còn "Công trình sưu tầm các cổ vật và xây bảo tàng gốm cổ cho làng Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội) của nhóm “Tìm về nguồn cội của làng” (gồm ông Nguyễn Văn Nhung, Nguyễn Việt Hồng, Nguyễn Văn Viện, Nguyễn Tiến Cung, Nguyễn Văn Lanh) và tiến sĩ người Nhật Bản Nishimura Masanari, cùng sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương; ý nghĩa của công trình chính là ở sự tự nguyện sưu tập, gìn giữ các hiện vật vô giá, cùng chung tay xây dựng một bảo tàng khảo cổ học cộng đồng hiếm hoi, góp phần đánh thức lịch sử một làng gốm cổ có niên đại hàng trăm năm trên đất Thăng Long. Đây là một trong những ngôi làng hiếm hoi của Việt Nam tự lập được bảo tàng riêng. Trước đó, như chúng ta đã biết, sáng 9/6, TS Nishimura đã qua đời vì tai nạn giao thông tại Gia Lâm (Hà Nội). Và theo nguyên vọng của TS Nishimura, thi hài của ông được đưa về an táng tại làng Kim Lan (Hà Nội) nơi ông coi là quê hương thứ 2...

Mãi mãi một tình yêu...

Ra đời từ tháng 8/2008, nhân kỷ niệm 85 năm ngày sinh của danh họa Bùi Xuân Phái, "Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì Tình yêu Hà Nội" là sáng kiến của Báo Thể thao & Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) và gia đình cố họa sĩ; nhằm tìm tòi, phát hiện và tôn vinh những tác giả, tác phẩm, việc làm, ý tưởng “có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao, gắn bó với các mặt của đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội”. Trải qua 5 mùa giải, Giải thưởng được trao vào cuối tháng 8 đầu tháng 9 hàng năm đã trở thành “ngày hội” của những tình yêu Hà Nội, là “nhiệt kế” biểu thị tình yêu Thủ đô.

Đánh giá về giải thưởng, Tổng giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi khẳng định: Giải thưởng Bùi Xuân Phái hướng tới mục tiêu góp phần xây dựng Thủ đô ngàn năm văn hiến của chúng ta ngày càng tươi đẹp hơn. Giải thưởng này cũng là một hoạt động thiết thực triển khai Nghị quyết TƯ 5 khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Trong những năm qua, giải thưởng đã thực sự trở thành cầu nối, giúp những ý tưởng, công trình được tạo ra từ tình yêu Hà Nội đến với các nhà lãnh đạo, quản lý Thủ đô một cách kịp thời, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển Hà Nội, cũng như nâng cao nhận thức của người dân về những giá trị của Thủ đô văn hiến.

Tổng giám đốc cũng nhấn mạnh, lãnh đạo TTXVN ghi nhận và đánh giá cao sự ủng hộ về tinh thần và vật chất của lãnh đạo thành phố với giải thưởng; và đề xuất UBND thành phố đưa giải thưởng trở thành một hoạt động chính thức trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô vào năm 2014.

Hội đồng Giám khảo "Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì Tình yêu Hà Nội" 2013 gồm: GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội sử học Việt Nam; nhà báo Ngô Hà Thái, Phó TGĐ TTXVN; nhà báo Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội VHNT Hà Nội; họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam và KTS Đoàn Đức Thành.




Tuyết Anh


Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội
Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội

Kể từ năm 2008, với sáng kiến của gia đình danh họa Bùi Xuân Phái và báo Thể thao&Văn hóa nhằm tôn vinh sự nghiệp của Bùi Xuân Phái và tiếp nối tình yêu của ông với Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội được trao hàng năm cho các tác giả, tác phẩm...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN