Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba, kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” do Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức biên soạn và xuất bản cuốn sách song ngữ Việt - Anh. Công trình được thực hiện với mong muốn đem đến cho độc giả cơ hội được “thưởng lãm” những báu vật trên khắp đất nước ta, từ đó có được những hiểu biết một cách hệ thống, xuyên suốt, sâu sắc về 265 bảo vật của đất nước; góp phần tôn vinh, lan tỏa những giá trị vô cùng quý giá của nghìn năm văn hiến.
265 bảo vật quốc gia được trình bày trong cuốn sách là những hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học, hiện đang được lưu giữ tại các tỉnh, thành phố trên cả nước và được bảo quản, bảo vệ theo chế độ đặc biệt, với những phương pháp đặc thù tùy thuộc vào đặc điểm chất liệu và niên đại của từng bảo vật.
Cuốn sách đưa bạn đọc tìm hiểu theo hành trình niên đại của các bảo vật quốc gia, bắt đầu từ giai đoạn trước Công nguyên cho đến thời kỳ chiến tranh cách mạng, đánh dấu bằng bước ngoặt vĩ đại là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Các bảo vật quốc gia được giới thiệu súc tích, khái quát về nguồn gốc, thời đại, đặc điểm cùng những giá trị đặc sắc, tiêu biểu của bảo vật. Kèm theo những thông tin cô đọng đó là hình ảnh sắc nét của từng bảo vật. Được xuất bản bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, cuốn sách mong muốn lan tỏa, giúp độc giả trong và ngoài nước rõ hơn về những giá trị lịch sử, văn hóa Việt Nam được bồi đắp qua hàng nghìn năm.
Cuốn sách "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam" do Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Trọng Lâm đồng chủ biên, là tài liệu nghiên cứu giúp độc giả hiểu sâu hơn về nguồn gốc lịch sử, ý nghĩa, giá trị văn hóa của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ nhiều góc độ, cũng như việc khai thác, phát huy các giá trị của loại hình tín ngưỡng này ở trong và ngoài nước hiện nay.
Xuyên suốt dòng chảy của lịch sử dân tộc, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Chính vì những giá trị đó, ngày 06/12/2012 UNESCO đã công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.