Khách tăng cao nhưng doanh thu tăng chậm
Năm 2018, du lịch Việt Nam phục vụ hơn 15,6 triệu lượt khách quốc tế và trên 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 620.000 tỷ đồng.
Ông John Lindquist, cố vấn cấp cao Boston Consulting Group (BCG), thành viên hội đồng cơ quan du lịch Vương quốc Anh đánh giá: Khách quốc tế đến Việt Nam có sự tăng trưởng ấn tượng trong ba năm qua, từ 8 triệu lượt năm 2015 lên hơn 15,6 triệu lượt năm 2018. Tuy nhiên, doanh thu từ khách quốc tế chưa cao. Năm 2017, Việt Nam thu về 8,3 tỷ USD từ khách quốc tế, nhưng số này ở Indonesia là 12,6 tỷ USD; Singapore là 18,4 tỷ USD, Thái Lan là 52,5 tỷ USD. Điều đó không chỉ do lượng khách quốc tế đến Việt Nam ít hơn các nước trong khu vực, mà còn bởi chi tiêu của khách trong mỗi chuyến đi cũng ít hơn. Khách quốc tế đến Việt Nam trung bình ở lại 9,5 ngày trong khi ở Thái Lan là 9,6 ngày. Tuy số lượng ngày không chênh lệch nhiều, số tiền chi tiêu của khách đến Việt Nam chỉ là 96 USD mỗi ngày, còn ở Thái Lan là 163 USD. Mức chi của khách cũng cao hơn khi đến Indonesia là 132 USD và Singapore là 325 USD.
Theo nghiên cứu của Tổng cục Du lịch và Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia về mức chi tiêu, năm 2013, trung bình mỗi du khách đến Việt Nam chi 1.143 USD kể cả tiền vé máy bay nhưng đến 2017 cũng chỉ tăng lên 1.171 USD. Đồng thời, xét về cơ cấu chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam, việc thuê phòng lưu trú và ăn uống 56-60%; mua hàng hóa, đồ lưu niệm, tham quan, vui chơi, giải trí chỉ chiếm 20%; còn lại là chi phí khác. Nếu chỉ tính tham quan kèm vui chơi giải trí, chi phí chỉ bằng 7-10% trong tổng chi phí.
Điều này cho thấy gần như toàn bộ chi phí cho một chuyến du lịch tại Việt Nam tập trung vào hoạt động đi lại, ăn uống, thuê phòng. Rất ít du khách chi tiền cho các hoạt động vui chơi, giải trí và mua sắm. Trong khi đó, các quốc gia trong khu vực như: Malaysia, Thái Lan, chi phí cho hoạt động vui chơi giải trí chiếm 40-50%, thậm chí đến 60-70% tổng chi phí cho một chuyến du lịch.
Các chuyên gia du lịch đều chung nhận xét, việc tăng trưởng nóng của thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ đảm bảo tăng trưởng du lịch về số lượng, nhưng không đảm bảo về chất lượng. Ông Lại Văn Quân, điều hành Công ty du lịch Tam Sắc cho rằng: “Dịch vụ cho khách Trung Quốc và Hàn Quốc thường khép kín thành chuỗi, thậm chí đến cả trung tâm mua sắm cũng riêng biệt. Do đó, nguồn tiền mua sắm lại được chuyển trực tiếp về đất nước họ. Đó là chưa kể, lượng khách quá đông đổ dồn về một điểm du lịch gây áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng (khách sạn, sân bay…) và nguồn nhân lực du lịch còn đang thiếu, chưa đáp ứng đủ và tốt cho nhu cầu. Do đó kéo theo tình trạng hướng dẫn viên chui, chủ yếu diễn ra với thị trường khách Hàn Quốc và Trung Quốc.
Các chuyên gia du lịch cho rằng khách quốc tế đến Việt Nam "ít có cơ hội tiêu tiền", nhất là sản phẩm mua sắm và giải trí về đêm. Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, các điểm đến Việt Nam chưa có hàng hoá đặc thù, hấp dẫn du khách. Các nước như Singapore, Malaysia, Thái Lan... hiện có hệ thống trung tâm thương mại rất phát triển, cả về số lượng lẫn quy mô, chất lượng hàng hoá, thu hút nhiều khách mua sắm.
Hướng đến phân khúc khách cao cấp
Ông Vũ Thế Bình cho biết, thông thường sau chu kỳ 3 năm tăng trưởng nóng, nếu không có sản phẩm mới, lượng khách sẽ chững lại. Điều này có thể thấy qua số khách quốc tế đến Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 4,5 triệu lượt, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2018.
“Do đó, để duy trì tốc độ phát triển, ngành du lịch Việt Nam cần hướng đến những thị trường mới và làm mới sản phẩm để gia tăng doanh thu. Điều này có thể thấy rõ khi các doanh nghiệp lữ hành đang hướng tới khai thác thị trường khách Mỹ, các nước Mỹ La tinh, khu vực Trung Đông trong thời gian qua. Đồng thời hướng tới khách nghỉ dưỡng, khách chơi golf”, ông Vũ Thế Bình nhận xét.
Ở góc nhìn của chuyên gia quốc tế, ông John Lindquist cho rằng Việt Nam cần nới lỏng chính sách visa, tăng cường kết nối giao thông, xây dựng thương hiệu quốc gia để thu hút dòng khách cao cấp.
Trong khi đó, tại các điểm đến, bài toán lớn của du lịch Việt Nam hiện nay là sau khi thu hút du khách tới điểm đến, du khách sẽ “tiêu tiền như thế nào?”. Đơn cử như Đà Nẵng, trung tâm du lịch lớn tại miền Trung đã được đầu tư rất nhiều cho cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, tuy nhiên sản phẩm du lịch độc đáo và các dịch vụ vui chơi, giải trí dành cho khách, đặc biệt là giải trí về đêm vẫn còn rất ít. Ngoài Bà Nà Hills, du khách đến Đà Nẵng rơi vào vòng quay luẩn quẩn là đi tắm biển, ăn hải sản, thăm Làng đá Non nước là hết tour. “Các hoạt động, dịch vụ vui chơi giải trí về đêm lại chưa được đẩy mạnh. Tại Đà Nẵng có khu chợ đêm, nhưng toàn quán đồ ăn vặt, chưa mang tính quy mô và không đặc sắc lắm”, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Transviet cho biết.
Tình trạng này cũng tương tự với các thành phố du lịch lớn của Việt Nam như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa… du khách cũng không có nhiều sự lựa chọn để vui chơi, giải trí, mua sắm.
PGS.TS Phạm Trung Lương, Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam cho rằng, mua sắm không chỉ là yếu tố quan trọng thu hút khách, mà còn là yếu tố nâng cao mức chi tiêu trung bình của du khách trong chuyến đi tại điểm đến. Mức độ hấp dẫn của mua sắm phụ thuộc vào sự đa dạng, chất lượng và tính hợp lý về giá cả hàng hóa, bao gồm hàng hiệu và hàng thủ công mỹ nghệ địa phương mà du khách quan tâm. Tại nhiều quốc gia như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc... họ luôn coi trọng hoạt động mua sắm như một yếu tố mang tính chiến lược trong các kế hoạch phát triển du lịch nhằm thu hút du khách và nâng cao hiệu quả kinh doanh du lịch.
Những năm gần đây, một số khu du lịch hiện đại được đầu tư quy mô theo mô hình tích hợp đa dạng các loại hình vui chơi, giải trí, mua sắm trong một quần thể tại các thành phố du lịch lớn tại Hạ Long (Quảng Ninh), Sapa (Lào Cai), Nha Trang (Khánh Hòa)… “Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ, đa dạng sản phẩm liên quan nhiều đến nguồn nhân lực cần có thời gian được cải thiện. Để doanh thu từ du lịch tăng trưởng tỷ lệ thuận với lượng khách, lời giải vẫn chỉ là đầu tư mạnh hơn nữa cho cơ sở hạ tầng và trải nghiệm du khách”, ông Phạm Trung Lương đánh giá.
Ở góc độ doanh nghiệp lữ hành, ông Đặng Thanh Tùng, Giám đốc Công ty lữ hành Newworld Travel cho biết: "Chiến lược của đơn vị hướng đến dòng khách cao cấp nên các sản phẩm dịch vụ được chọn mang bản sắc của Việt Nam. Tuy nhiên, có thực trạng khách quốc tế đều khen danh lam thắng cảnh ở Việt Nam nhưng ít có lựa chọn để vui chơi, giải trí”.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng tư vấn du lịch cho rằng: Từ vài năm nay, khi đề xuất về định hướng phát triển du lịch, Hội đồng đề xuất ưu tiên phát triển các thị trường có mức chi tiêu bình quân lượt khách trên 1.300 USD, cụ thể là thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, Australia - New Zealand và Nga; đồng thời mở rộng chính sách miễn visa, ưu tiên với các thị trường trọng điểm.
Còn ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết: Số lượng khách tăng là tốt, nhưng điều đó không đồng nghĩa với sự tăng về hiệu quả kinh tế. Do đó, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến phát triển loại hình du lịch có trách nhiệm, du lịch xanh, du lịch bền vững.