‘Hải đăng trên bản’ và hành trình gieo mầm tri thức từ sách cũ

Không còn là một chương trình thiện nguyện thông thường, “Hải đăng trên bản” đã trở thành một hành trình lan tỏa tri thức, yêu thương và kết nối cộng đồng. Năm thứ ba trở lại, chương trình “Thu sách đổi quà” tại Đường sách TP Hồ Chí Minh không chỉ thu hút người trẻ mà còn gợi mở một cách nhìn mới về việc cho - nhận trong văn hóa yêu thương và sẻ chia.

Đường sách TP Hồ Chí Minh sáng 21/7 có một góc rộn ràng bởi sự góp mặt của các bạn trẻ đang khệ nệ, lỉnh kỉnh những bao, thùng sách, truyện cũ.

“Em biết đến chương trình này qua một người bạn. Thấy ý nghĩa quá nên nói các em trong nhà gom lại sách giáo khoa đã học xong được hơn 6kg, chủ yếu là sách cấp 2, cấp 3. Trước đây sách này toàn bỏ đi, giờ quyên góp lại cho các bạn học sinh không có điều kiện vừa đỡ lãng phí vừa góp phần chia sẻ với các em nhỏ miền núi phần nào”, La Tuyết Vân, nhà ở phường Bình Đông chia sẻ.

Chú thích ảnh
Dự án "Hải đăng trên bản" nhận được nhiều sự ủng hộ, yêu mến từ các bạn trẻ.

Không giấu được niềm vui, Vân kể lần đầu tham gia lại được tặng một chậu sen đá nhỏ xinh. “Chỉ là một món quà thôi nhưng thấy rất ấm áp. Giống như mình vừa trao đi mà lại nhận về một chút bình yên”, Vân chia sẻ.

Còn Thái Duy, học sinh lớp 10A8 Trường THPT Trưng Vương thì mang đến một thùng 20 kg truyện tranh. “Em thích truyện, nhưng nhiều quyển đọc rồi thì cất một chỗ. Nay có dịp này, em mong góp một phần nhỏ ủng hộ các bạn nhỏ còn nhiều khó khăn, chưa có điều kiện để đọc truyện như mình”.

Chú thích ảnh
Thái Duy - học sinh lớp 10A8 Trường THPT Trưng Vương và 2 thùng truyện cũ ủng hộ chương trình.

Không cần những lời kêu gọi ồn ào, những người đến quyên góp đều mang theo sự chủ động và tự nguyện. Đó chính là điểm đặc biệt của chương trình “Thu sách đổi quà” thuộc dự án “Hải đăng trên bản” - nơi những quyển sách cũ có thể tiếp tục một hành trình mới, soi sáng những ước mơ nơi đại ngàn.

Năm nay là mùa thứ ba dự án “Hải đăng trên bản” được tổ chức bởi VNV Education - Soft Skills, với các hoạt động trải nghiệm do chính các bạn sinh viên đảm trách. Ngoài hoạt động nổi bật “Thu sách đổi quà”, dự án còn có thêm các nội dung mới là mở rộng trao tặng đến Trường Tiểu học Vừ A Dính và Trường THPT Đắk Glong (nay thuộc tỉnh Lâm Đồng), cùng hình thức dạy kỹ năng sử dụng công nghệ online cho giáo viên vùng cao.

Anh Thái Thanh Sang, đại diện ban tổ chức cho biết: “Năm nay chương trình không chỉ thu gom sách giáo khoa, sách tham khảo các khối lớp, sách thiếu nhi, kỹ năng sống… mà còn phân loại sâu hơn để phục vụ đúng nhu cầu từng nhóm học sinh ở các điểm trường vùng cao. Nhờ sự lan tỏa qua mỗi năm, chương trình đã có thêm nhiều Mạnh Thường Quân biết đến và muốn chung tay đồng hành, tham gia của các tình nguyện viên quốc tế từ Mỹ, giúp việc kết nối công nghệ và tri thức thêm đa dạng”.

Chú thích ảnh
Anh Thái Thanh Sang, đại diện ban tổ chức trò chuyện với một bạn trẻ yêu mến dự án.

Chia sẻ về quá trình hình thành dự án, Tiến sĩ Lưu Thị Thanh Mai, người sáng lập VNV Education cho biết: “Ban đầu tụi mình đi tình nguyện bằng những việc đơn giản như hoá trang ông già Noel tặng quà, dạy tiếng Anh ngắn hạn... Nhưng sau chuyến đi đến rừng Bidoup, nơi có những trường học nhỏ giữa núi rừng Lâm Đồng, mình và các bạn sinh viên hiểu rằng đây không thể chỉ là một hoạt động một lần, nó cần được thắp lên hàng năm”.

Cái tên “Hải đăng trên bản” ra đời từ chính mong muốn thắp lên ánh sáng tri thức nơi những bản làng xa xôi. “Hải đăng vốn đặt nơi biển khơi để dẫn lối, tụi mình thì đặt ngọn hải đăng ấy giữa núi rừng, nơi những đôi mắt thơ ngây đang cần ánh sáng tri thức soi đường”, một thành viên trong nhóm sáng lập chia sẻ.

Chú thích ảnh
Những món quà nhỏ xinh, gần gũi với thiên nhiên được chuẩn bị để tặng lại những người đến ủng hộ sách, truyện.

Điểm nhấn của chương trình “Thu sách đổi quà” không chỉ là sự sẻ chia tri thức mà còn hướng đến lối sống bền vững. Những phần quà gửi tặng người tham gia như tượng thạch cao tô màu, chén dĩa bằng mo cau, quạt tay, sen đá… đều là sản phẩm thân thiện với môi trường. “Mo cau vốn là thứ bị bỏ đi sau mỗi mùa cau trổ quả giờ được tái chế thành đồ hữu ích. Nó cũng giống như sách cũ, nếu được trao đi đúng lúc đúng nơi sẽ bắt đầu một vòng đời mới”.

Tin, ảnh: Hương Trần/Báo Tin tức và Dân tộc
Sách cũ cho đi - Niềm vui ở lại
Sách cũ cho đi - Niềm vui ở lại

Năm học mới sắp đến, sách giáo khoa của năm học cũ cũng đã đến lúc gói ghém lại. Nếu như trước kia, cuộc sống khó khăn, các gia đình lại đông con, sách của anh chị dùng xong sẽ để lại cho các em. Thế nhưng bây giờ, phần đông mỗi nhà chỉ có 1 đến 2 con, cuộc sống khá giả hơn nên có thể với nhiều gia đình, việc này không còn phổ biến. Nhất là 3 năm nay, khi áp dụng sách giáo khoa mới, những bộ sách không giống nhau nên việc sử dụng lại cũng gặp khó khăn gây nên tình trạng lãng phí sách giáo khoa. Để khắc phục tình trạng này, ngoài các giải pháp giúp giảm bớt giá thành, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT - Bộ Tài chính xây dựng phương án mua sách giáo khoa trang bị cho thư viện để học sinh mượn sử dụng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN