Sự kiện là dịp để các giáo sư, nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật và những người yêu mến Giáo sư Trương Tửu ôn lại kỷ niệm, đánh giá lại những giá trị được lưu giữ, phát triển qua các tác phẩm, tư tưởng cũng như con người ông.
Tại lễ kỷ niệm, Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam khẳng định: Nhà văn - Giáo sư Trương Tửu là một điển hình của việc tự học, tự đào tạo để trở thành một tên tuổi lớn của làng văn chương Việt Nam nói riêng, nghiên cứu khoa học nói chung. Ông sở hữu công trình nghiên cứu mà giới phê bình cho rằng đó là những công trình không chỉ mang tính chuyên biệt, mà còn chứa đựng hàm lượng khoa học cao, với nhiều góc nhìn khác nhau trước tác phẩm. Càng lùi thời gian, người đọc càng cảm nhận được những đặc sắc của tác phẩm Trương Tửu...
Theo Giáo sư Lã Nhâm Thìn, nguyên Trưởng Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Giáo sư Trương Tửu là một “hiện tượng” rất lớn và phức tạp. Con người Giáo sư Trương Tửu có sự hội tụ của ba nhà: nhà khoa học, nhà văn, nhà giáo. Ông là một “nhà bách khoa” như chính bút danh Nguyễn Bách Khoa của ông. Ông am hiểu sâu rộng Đông Tây kim cổ, là người có tư tưởng, có triết thuyết riêng của mình. Đặc biệt, ông được ghi nhận là người đặt nền móng cho khoa học nghiên cứu văn học và được coi là người khơi mở cho dòng tiểu thuyết mang tính luận đề trong văn học Việt Nam.
Nhà văn - Giáo sư Trương Tửu sinh ngày 18/11/1913, mất ngày 16/12/1999, tại Hà Nội. Ông học hết năm thứ nhất bậc trung học, rồi học Trường Kỹ nghệ thực hành ở Hải Phòng, nhưng chỉ được hơn một năm thì bị đuổi học vì tham gia bãi khóa để đòi thực dân pháp thả Phan Tất Đắc - một nhà thơ và chí sĩ yêu nước Việt Nam. Bị buộc rời trường, ông tự học chương trình tú tài Pháp - Việt.
Ông từng làm Giám đốc Văn chương (tương đương Tổng Biên tập) Nhà xuất bản Hàn Thuyên; Ủy viên Hội Văn hóa Việt Nam; dạy tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Văn khoa.
Năm 1956, ông là một trong số 29 người được phong hàm Giáo sư đầu tiên ở Việt Nam, cùng đợt với các tên tuổi lớn khác như Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo… Ngoài tên Trương Tửu, ông còn có các bút danh khác như Nguyễn Bách Khoa, Hoàng Canh, Mai Viên, TT....
Giáo sư Trương Tửu là một người có công đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng ngành Ngữ văn nước ta. Ông là thầy của nhiều sư biểu, giáo sư trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn như: Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Trọng Luận; Phó Giáo sư Cao Xuân Hạo; Nhà phê bình Văn Tâm; Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đình Chú; Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức; Nhà nghiên cứu - Phó Giáo sư Ninh Viết Giao...
Nhà văn - Giáo sư Trương Tửu viết trên 30 đầu sách, nhiều bài báo, bài nghiên cứu, phê bình. Các tác phẩm tiêu biểu của ông như: “Một cổ đôi ba tròng”, “Tráng sỹ Bồ Đề”, “Một kiếp đọa đầy”, “Kinh thi Việt Nam”, “Nguyễn Du và Truyện Kiều”, “Văn chương Truyện Kiều”, “Tương lai văn nghệ Việt Nam”...