Theo thông tin tại hội thảo, tỉnh Hải Dương có 3 tôn giáo được nhà nước công nhận về mặt tổ chức là: đạo Phật, đạo Công giáo và đạo Tin lành. Toàn tỉnh hiện có 1.163 cơ sở tôn giáo. Đến tháng 6/2021, đã có 900 cơ sở tôn giáo được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Từ tháng 1/2015 đến tháng 6/2021, trên địa bàn tỉnh có 628 công trình tôn giáo có hoạt động xây dựng; trong đó, 111 công trình được cấp phép xây dựng, có công trình được cấp phép từ những năm trước và khởi công xây dựng sau năm 2015, nhiều công trình là di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND cấp huyện chấp thuận trùng tu, tôn tạo. Từ năm 2015 đến tháng 6/2021, có 32 công trình thuộc 25 cơ sở tôn giáo lập hồ sơ xin cấp phép xây dựng và được Sở Xây dựng cấp giấy phép.
Các ý kiến tham gia hội thảo đánh giá, những năm gần đây, công tác quản lý xây dựng đối với các công trình tôn giáo được các cấp ủy, chính quyền từng bước quan tâm. Nhận thức, ý thức chấp hành của các chức sắc, chức việc, các cơ sở tôn giáo về xây dựng có chuyển biến tích cực. Nhiều công trình tôn giáo trước khi xây dựng đã thực hiện đầy đủ thủ tục về xây dựng. Nhiều công trình tôn giáo có quy mô lớn, khang trang, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị, nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân và du khách thập phương.
Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về xây dựng đối với các công trình tôn giáo trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Việc lập quy hoạch chi tiết xây dựng các công trình tôn giáo trên địa bàn chưa được chính quyền cơ sở quan tâm đúng mức. Vẫn còn tình trạng xây dựng, sửa chữa các công trình không phép, trái phép, chưa đủ thủ tục cấp phép nhưng chính quyền chưa phát hiện, báo cáo, xử lý kịp thời; thiếu kiên quyết trong xử lý các công trình xây dựng không phép, trái phép.
Nhận thức một số cán bộ, công chức về xây dựng công trình tôn giáo chưa đầy đủ. Việc phối hợp giữa các cấp, các ngành liên quan với chính quyền cơ sở có lúc chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ, có nơi chưa thống nhất trong quản lý đất đai và xây dựng cơ bản. Còn chức sắc, chức việc, ban quản lý cơ sở thờ tự chưa nắm rõ các quy định về xây dựng công trình tôn giáo. Nhiều công trình xây dựng không đúng kiến trúc của tôn giáo, sao chép mẫu hoặc đắp vẽ các hoa văn xa lạ; không an toàn phòng, chống cháy nổ, không đảm bảo kết cấu an toàn cho công trình và các công trình lân cận…
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Hiệu, Hải Dương rất quan tâm đến công tác quản lý tôn giáo và quản lý việc xây dựng đối với các công trình tôn giáo. Việc xây dựng và tu sửa các công trình tôn giáo trong tỉnh cũng nhận được sự hưởng ứng của nhân dân. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương đề nghị các sở, ngành liên quan, các cấp ủy, chính quyền tham mưu và thực thi tốt hơn trong công tác quản lý đối với xây dựng các công trình tôn giáo trên địa bàn tỉnh.
Các sở, ngành có liên quan phối hợp với Sở Xây dựng ban hành bộ thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng công trình tôn giáo và hướng dẫn, tạo điều kiện để các tổ chức, tôn giáo hoàn thiện thủ tục xin cấp phép xây dựng. Các địa phương hướng dẫn các cơ sở tôn giáo lập quy hoạch xây dựng các công trình tôn giáo phù hợp với quy hoạch chung; kiểm tra, đánh giá an toàn các công trình đã xuống cấp, các công trình xây dựng chưa đúng quy định, từ đó kịp thời ngăn chặn, xử lý các hoạt động xây dựng trái phép, không phép, không đúng quy hoạch. Quy định trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm trên địa bàn được giao quản lý.
Cùng với đó, tỉnh Hải Dương đề xuất nghiên cứu phân cấp cho UBND cấp huyện phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng công trình tôn giáo, cấp giấy phép xây dựng công trình tôn giáo cấp 3, cấp 4. UBND cấp xã chịu trách nhiệm chính nếu để xảy ra vi phạm xây dựng công trình tôn giáo trên đất không được phép xây dựng… Tỉnh Hải Dương cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp liên quan đến quản lý xây dựng đối với các công trình tôn giáo.