Hà Nội quyết tâm xử lý 'bún mắng, cháo chửi, ốc lắm mồm'

Khi Thành ủy Hà Nội đề cập đến việc xây dựng ứng văn hóa ứng xử trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhiều người đã tỏ ra băn khoăn về tính khả thi do đối tượng áp dụng khá... nhạy cảm.

Tuy vậy, Hà Nội đã thể hiện sự quyết tâm qua việc mới đây, thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, trình thành phố ban hành Quy chế tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố theo hướng văn minh, hiện đại.

Quy chế được xây dựng nhằm nâng cao ý thức ứng xử văn hóa của những người kinh doanh dịch vụ ăn uống, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Con sâu làm rầu nồi canh

Động thái này xuất phát từ thực tế, trên địa bàn thành phố vẫn còn trường hợp người kinh doanh dịch vụ ăn uống ứng xử thiếu văn hóa với khách hàng, gây ấn tượng xấu không chỉ với người dân Hà Nội mà với cả người dân cả nước, thậm chí cả giới truyền thông thế giới cũng đã nhắc đến.

Nhiều người không còn ngạc nhiên khi nghe nhắc đến “bún mắng, cháo chửi, ốc lắm mồm” với những địa chỉ, con người rõ ràng, hay cả những cửa hàng "bắt chẹt" khách với một bát phở trị giá hơn 300.000 đồng ở Hà Nội. Chưa kể, có một số trường hợp việc ứng xử thiếu văn hóa của người kinh doanh dù chưa bị "điểm mặt, chỉ tên" nhưng vẫn xảy ra hằng ngày, gây bức xúc trong người dân.

Quán bún ở phố Ngô Sĩ Liên, quận Đống Đa được gắn danh “bún mắng”, trong ngày mưa rét cuối năm quán vẫn đông khách như thường lệ. Bà chủ quán vốn đã nổi tiếng hay mắng khách, sau khi được nhắc đến trên kênh truyền hình CNN dường như... đỡ chát chúa hơn.

Nhưng khi không hài lòng với ai, bà vẫn buông lời khó nghe. Chúng tôi đã chứng kiến những lời nói không hay của bà dành cho một vị thực khách khi anh này vào quán một lúc mà vẫn chưa gọi đồ ăn. Hay tại một quán ăn ở một con phố thuộc quận Hai Bà Trưng, người nhà chủ quán thường xuyên to tiếng cãi nhau, nói những lời không hay khi khách đang ngồi ăn rất đông. Khách là người không có lỗi nhưng lại là người phải hứng chịu sự bực tức của chủ quán.

Ngoài việc ứng xử chưa phù hợp với khách hàng, chèo kéo, bắt chẹt, tranh giành khách, nhiều khía cạnh khác liên quan đến việc ứng xử trong kinh doanh như: Vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh... cũng là vấn đề đáng bàn đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Thực tế cho thấy, đối với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong kinh doanh, việc xử lý tương đối thuận lợi do có chế tài cụ thể. Đối với các hành vi, cử chỉ, lời nói xúc phạm đến khách hàng của chủ quán chẳng hạn như “bún mắng, cháo chửi, ốc lắm mồm”, việc xử lý tương đối khó.

Thế nhưng, nhiều người cho rằng, nếu thành phố Hà Nội không vào cuộc,những thói xấu này vẫn mặc nhiên tồn tại, ảnh hưởng đến văn hóa người Hà Nội, nhất là khi Thủ đô đang nỗ lực thực hiện cuộc vận động xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và nêu cao tính gương mẫu là trung tâm văn hóa hàng đầu của cả nước.

Ông Nguyễn Trọng Hải, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Đống Đa nêu ý kiến, người dân và cơ quan chức năng cần lên tiếng phê phán những hành vi không hay. Thời gian qua dư luận lên tiếng nhiều nên đã hạn chế phần nào cách ứng xử chưa văn hóa của một bộ phận người kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Xây dựng nếp ứng xử văn hóa


Không phải từ khi quán “bún mắng” được thông tin trên kênh truyền hình CNN, Hà Nội mới lưu tâm đến vấn đề này. Trước đó, một số quận nội thành có dịch vụ kinh doanh ăn uống phát triển đã chủ động xây dựng văn hóa ứng xử trong kinh doanh, dù chỉ là một phần nhỏ trong chương trình xây dựng văn hóa ứng xử chung của địa phương.

Điển hình như quận Hoàn Kiếm, từ năm 2009 đã triển khai đề án “Một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ” trong đó, tập trung thực hiện hai tiêu chí cốt yếu: Giao tiếp, ứng xử có văn hóa và tiêu chí có ý thức giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh môi trường.

Quận Hoàn Kiếm có 1.947 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống gồm các khách sạn có dịch vụ ăn uống, nhà hàng, bếp ăn trường học, quầy kinh doanh thức ăn ngay, cơ sở ăn uống trong chợ và các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Qua hơn 7 năm thực hiện đề án, văn hóa ứng xử trong kinh doanh dịch vụ ăn uống ở Quận Hòa Kiếm đã có nhiều chuyển biến đáng kể.

Theo ông Nguyễn Chí Lực, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm, đối với những hành vi lệch chuẩn, thiếu văn hóa, văn minh trong hoạt động kinh danh ăn uống, sau khi được người dân cũng như các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, UBND quận chỉ đạo các phòng, ban chức năng nhanh chóng có các biện pháp xử lý theo quy định.


Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tại địa bàn dân cư cũng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục thay đổi nhận thức, vận động các chủ cơ sở thực hiện nghiêm túc các quy tắc, quy ước của địa phương.

Thời điểm này, khi Hà Nội đang đặc biệt coi trọng đến xây dựng văn hóa ứng xử, việc thực hiện nếp sống văn hóa trong kinh doanh dịch vụ ăn uống lại tiếp tục được đề cập. UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao thành phố nghiên cứu, phối hợp với Sở Công Thương và Sở Y tế Hà Nội xây dựng, trình UBND thành phố ban hành Quy chế tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố theo hướng văn minh, hiện đại.

Thành phố yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao thành phố tham mưu bổ sung tiêu chí ứng xử văn hóa trong hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống vào tiêu chí bình xét gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa hằng năm.

Thành phố cũng giao Sở Công Thương thực hiện tốt công tác quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định của pháp luật và quy định thành phố tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, xử lý những hành vi vi phạm. Các sở ngành, đoàn thể tuyên truyền về nếp ứng xử văn hóa, văn minh trong nhân dân...

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, trong dự thảo quy tắc ứng xử nơi công cộng đã đề cập tới khía cạnh ứng xử trong kinh doanh nói chung.

Tuy vậy, thành phố vẫn xây dựng Quy chế tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố theo hướng văn minh, hiện đại nhằm đề cập cụ thể hơn, sâu rộng hơn đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, qua đó xây dựng nếp ứng xử văn hóa trong hoạt động này, góp phần xây dựng, quảng bá hình ảnh Thủ đô văn minh, thanh lịch.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định, việc xây dựng Quy chế tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố theo hướng văn minh, hiện đại là vấn đề mới và khó, nhưng thực sự cần thiết. Việc triển khai xây dựng quy chế sẽ được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tích cực thực hiện để sớm hoàn thiện, trình UBND thành phố ban hành.

Đinh Thị Thuận (TTXVN)
Cấm dịch vụ ăn uống trong hang động vịnh Hạ Long
Cấm dịch vụ ăn uống trong hang động vịnh Hạ Long

“Việc chấm dứt các dịch vụ kinh doanh ăn uống trong các hang động không làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh dịch vụ du lịch trên vịnh Hạ Long của công ty”. Ông Đào Mạnh Lượng, Chủ tàu Biển Ngọc, kiêm Chi hội trưởng Chi hội tàu du lịch Hạ Long cho biết vậy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN