Sau 2 năm triển khai, mô hình cải thiện an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống giai đoạn 2013 - 2015 trên địa bàn Hà Nội đã tạo chuyển biến rõ nét trong ý thức chấp hành quy định an toàn vệ sinh thực phẩm của người quản lý, sản xuất, kinh doanh tại khu vực triển khai đề án, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Đoàn kiểm tra liên ngành của Hà Nội kiểm tra các mặt hàng, sản phẩm. Ảnh: Thái Thuần – TTXVN |
Theo đó, kết quả đánh giá kiến thức, thực hành đúng về an toàn thực phẩm của 3 nhóm đối tượng trong năm 2014 cho thấy: Tỷ lệ người quản lý có kiến thức, thực hành đúng về an toàn thực phẩm đạt 86% (trước khi can thiệp là 59,1%); tỷ lệ người tiêu dùng có kiến thức, thực hành đúng về an toàn thực phẩm là 74% (trước khi can thiệp là 72,6%) và tỷ lệ người chế biến, kinh doanh là 75% (trước khi can thiệp là 58%).
Trong hai năm thực hiện đề án, mô hình điểm tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống tại phố Quán Thánh (phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội) bước đầu đạt hiệu quả. Mô hình thường xuyên đổi mới phương pháp truyền thông, đa dạng hóa các hình thức như tuyên truyền trực tiếp, tuyên truyền gián tiếp trên hệ thống truyền thanh của phường, tuyên truyền tập trung trong tháng cao điểm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai mô hình vẫn còn một số tồn tại như sổ ghi chép nguồn gốc thực phẩm chưa thường xuyên; vẫn còn tình trạng nguyên liệu chế biến thực phẩm chưa có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; tiến độ cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm còn chậm tại một vài nơi.