Ngôi nhà đa năng
Mỗi tháng 2 lần, vào ngày rằm và mùng 1 đầu tháng, bà Nguyễn Thị Cúc, thôn Cầu, Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội lại mang hoa quả, đồ lễ ra đình làng Cầu Bây, để cầu tài lộc, bình an, may mắn. Vào ngày lễ Tết, hay hội làng, thì mâm lễ của gia đình bà có phần “xôm” hơn, có cả xôi, thịt, rượu, trái cây, vàng mã…
Bà Cúc cho biết, bà sinh ra, lớn lên ở trong làng, đã từng gắn bó với ngôi đình làng từ lâu. Khi còn nhỏ, bà thường theo ông bà, cha mẹ đến lễ, nhiều khi tham gia các hoạt động làng xã. Trong những năm kháng chiến, đình làng Cầu Bây không chỉ là nơi bà con trong làng tập trung sinh hoạt, mà có lúc còn trở thành lớp học cho đám trẻ con trong làng. “Bây giờ, những hoạt động văn hóa này được chuyển về nhà văn hóa thôn, tổ, không còn thường xuyên diễn ra ở đình nữa. Nhưng với tôi, đình làng vẫn là nơi thân quen, gần gũi, nên những ngày tuần rằm, ngày lễ Tết, gia đình tôi và nhiều gia đình khác trong làng vẫn sắm sửa hương hoa, trà quả mang ra đình lễ thánh”, bà Cúc chia sẻ.
Đình làng - biểu tượng văn hóa trong đời sống người Việt. |
Không chỉ ở đình làng Cầu Bây, mà ở trong cộng đồng làng xã Việt Nam nói chung, những ngôi đình làng luôn là niềm tự hào của người dân. Con cháu trong làng, nhiều người đi làm ăn xa, nhưng cứ đến ngày hội làng, ngày giỗ thành hoàng làng, họ lại cố gắng thu xếp trở về tham gia lễ hội, thăm hỏi người thân… Có thể nói, đình làng là nơi hội tụ, trình diễn nhiều nét văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghi lễ, phong tục, tập quán, lề thói, nghệ thuật dân gian kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc, dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian… và là nơi gắn kết của cộng đồng làng xã Việt Nam.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, trong đời sống người dân Việt Nam khi xưa, đình làng khi khởi dựng được phục vụ nhiều mục đích, từ thờ tự, tế lễ, là nhà hội đồng chung, là nơi xử kiện, nộp sưu thuế, nơi nghỉ cho khách lỡ độ đường, đình làng cũng là nơi vui chơi, nơi sinh hoạt ca hát, có đình làng còn là lớp học… Đình làng còn được coi như biểu tượng của quyền lực làng xã, nó có chức năng như một ngôi nhà lớn của cộng đồng. Tuy nhiên, theo dòng chảy lịch sử, nhất là vào khoảng thế kỷ 18, sự phát triển của kinh tế tư nhân thương mại đã làm tàn phai phần nào chức năng gốc của ngôi đình, các ngôi đình dần bị “đền hóa’, nó gần như trở thành đền thờ, chỉ tập trung sinh hoạt vào những ngày lễ hội chính của làng. Dù vẫn còn vai trò gắn kết cộng đồng, nhưng chức năng của nó đã dần chuyển cho các ủy ban và nhà văn hóa. Các nhà nghiên cứu khẳng định, đó là sự chuyển dịch tất yếu với các ngôi đình làng Việt nói chung.
Mặc dù có sự chuyển dịch chức năng như vậy, nhưng theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, đình làng là sản phẩm của dân tộc Việt Nam, mà không một cư dân nào trên thế giới có được. Kết cấu tổ chức làng xã của Việt Nam khác với tất cả các nước khác, nên đình làng chỉ Việt Nam mới có. Người Việt Nam muốn dựa vào tâm linh, dựa vào tôn giáo tín ngưỡng để làm bệ đỡ tinh thần cho mình, bởi vậy, họ sáng tạo ngôi đình để đề cao tín ngưỡng thờ cúng của mình, là nơi sinh hoạt cộng đồng thay cho tất cả các di tích khác và tạo nên được một thế cân bằng cho tâm hồn người Việt trong khủng hoảng tinh thần của xã hội, để người Việt Nam luôn là người Việt Nam. Và trên tinh thần ấy, ngôi đình góp phần cho người Việt yêu nước và bảo vệ sự tồn vong của dân tộc.
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân cũng cho rằng, văn hóa làng là cốt lõi của văn hóa Việt Nam, và đình làng là cốt lõi, là nơi tích tụ của văn hóa làng. Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân cho biết, đình làng đảm nhiệm tới 4 chức năng một lúc, từ chức năng tín ngưỡng - tôn giáo, đến nhà văn hóa, nhà hành chính và là nơi hoạt động kinh tế.
Có thể nói, đình làng không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh, là sợi dây gắn bó cộng đồng, biểu tượng quyền lực làng xã xưa, mà còn là một nét đẹp độc đáo trong văn hóa làng xã Việt Nam. Trong tâm thức của người Việt, “cây đa - bến nước - sân đình” là hình ảnh thân quen, gắn bó với tâm hồn của mọi người dân Việt, là biểu tượng của quê hương, đất nước. Người xứ Đoài còn ví “con một như cột đình Chàng”, như vậy có thể thấy vai trò và giá trị biểu tượng của những ngôi đình làng trong đời sống tinh thần của dân làng nơi đây.
CLB Đình làng Việt và tình yêu di sản
Qua thời gian, cùng với những thăng trầm của lịch sử và khói lửa chiến tranh, những ngôi đình làng Việt đang dần bị xuống cấp, bị trùng tu sai lệch… dẫn đến nguy cơ bị biến dạng hoặc biến mất. Anh Nguyễn Đức Bình, cán bộ Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, một người yêu và tâm huyết với di sản đã thành lập nhóm “Đình làng Việt” trên Facebook, nhằm thu hút những người yêu di sản nói chung và đình làng nói riêng tham gia. Anh Nguyễn Đức Bình cho biết, mục tiêu ban đầu của nhóm là để chia sẻ những kiến thức về đình làng như kiến trúc, chạm khắc trang trí, kiến thức về lịch sử văn hóa xung quanh ngôi đình làng của người Việt… Sau một thời gian hoạt động, nhóm nhanh chóng nhận được sự chia sẻ của cộng đồng mạng. Nhiều hình ảnh đẹp cùng với những thông tin về các ngôi đình cổ trong cả nước được các thành viên ở các các địa phương chia sẻ. Nhiều bài viết, cuốn sách quý về đình làng cũng được mọi người đưa lên, số lượng người tham gia làm thành viên của nhóm “Đình làng Việt” đã tăng lên nhanh chóng.
Chúng ta không chỉ gìn giữ các di sản tích kiến trúc đình làng, mà còn gìn giữ mối tương quan của con người với di sản đó. Điều quan trọng là làm sao để người dân hiểu và tiếp tục gắn bó với đình làng, thì cộng đồng làng xã sẽ được cố kết với nhau, sẽ có chỗ dựa vững chắc, sẽ có những niềm tin về cội nguồn và cuộc sống. (Kiến trúc sư Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho biết). |
Thành viên tham gia “Đình làng Việt” có nhiều thành phần khác nhau, từ họa sỹ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, người làm công tác quản lý di sản, Hán Nôm, du lịch, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ… Vì vậy, sự chia sẻ thông tin trong nhóm rất nhanh chóng và hiệu quả. Nhiều ngôi đình đẹp, có giá trị lịch sử đã được các thành viên trong nhóm phát hiện, chia sẻ. Những vấn đề về đoán định phong cách, niên đại, giải nghĩa chữ Hán… cũng được mọi người cùng nhau bàn luận… Các chuyến điền dã cũng là dịp các thành viên được tiếp cận trực tiếp với di sản, được bàn luận, tìm hiểu về giá trị kiến trúc, văn hóa và những vấn đề ngoài ngôi đình làng, từ đó các thành viên được bổ trợ kiến thức về di sản, làm tăng thêm tình yêu với di sản của cộng đồng.
Không chỉ tìm hiểu về đình làng, nhóm “Đình làng Việt” còn hướng tới hoạt động giúp nhân dân các địa phương có đình làng xuống cấp, cùng họ xã hội hóa công tác tu bổ đình làng. Riêng trong năm 2015, nhóm đã tổ chức được 2 triển lãm ảnh, là triển lãm “Đình làng Việt - những điều còn mất” vào tháng 8/2015 và triển lãm “Đình làng xứ Đoài” vào tháng 11/2015. Bên cạnh việc tôn vinh nét đẹp trong di tích đình làng, triển lãm còn giới thiệu những hình ảnh về sự xuống cấp của di tích, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ, công đức của các tập thể, cá nhân đối với công tác tôn tạo di tích tại các địa phương. Trong khuôn khổ 2 cuộc triển lãm, nhóm cũng đã tổ chức được các cuộc tọa đàm, mời các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đến trò chuyện về giá trị của đình làng, về công tác trùng tu, tôn tạo di tích…
Ông Nguyễn Đức Bình cho biết, về lâu dài, nhóm “Đình làng Việt” mong muốn tạo lập quỹ hỗ trợ công tác bảo vệ di sản mỹ thuật truyền thống, nhằm kịp thời giúp di tích chống xuống cấp. Đồng thời, tổ chức hỗ trợ học sinh, sinh viên trong công tác đi điền dã đình làng tìm hiểu về di sản văn hóa, giúp công tác quảng bá và gợi tình yêu di sản tới thế hệ trẻ được tốt hơn.
Những điều CLB Đình làng Việt đã và đang làm cho thấy, dù là ai, dù gặp nhau ở đâu, những con người tâm huyết với văn hóa truyền thống Việt Nam, có chung tình yêu với di sản Việt, với những giá trị tốt đẹp của văn hóa cha ông sẽ sẵn sàng cùng nhau nỗ lực để lan tỏa giá trị văn hóa Việt.