Làng Đông Ngạc, một làng ven đô cổ kính bậc nhất ở Hà Nội, ngày nay vẫn còn tồn tại một ngôi đình làng rộng rãi, còn nguyên những hiện vật quý từng gắn liền với truyền thống khoa bảng, với nghề làm giò Chèm, nem Vẽ, ngày ngày vang tiếng cười đùa của trẻ con, tiếng chuốt giang làm quang gánh, tiếng giã giò rao nem... Thế nhưng ngôi đình từng nổi tiếng một thời, ngày nay gần như đã bị lãng quên, chỉ còn được sử dụng trong các dịp lễ hội...”, PGS.TS Nguyễn Khắc Thuân kể.
Sân đình ngày càng bị thu hẹp
Câu chuyện của ngôi đình làng Đông Ngạc chỉ là một trong số hầu hết “số phận” của các ngôi đình vốn là đặc trưng cho nhiều làng quê Bắc Bộ. Cây đa, bến nước, sân đình là đặc trưng của mỗi làng quê Bắc Bộ đã tạo nên rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp từ xa xưa. Thế nhưng cùng với cây đa, bến nước, sân đình cũng đang dần dần bị biến mất hoặc biến dạng cùng với cuộc sống hiện đại.
Lại nói về ngôi đình làng Đông Ngạc uy nghi, rộng rãi là thế đã bị bỏ không khi làng xây thêm một nhà văn hóa để hội họp, sinh hoạt chung. Nhu cầu thưởng thức văn hóa, diễn xướng đình làng cũng có xu hướng chuyển về phạm vi gia đình với các phương tiện truyền thông ngày càng hiện đại, phổ biến nên những giá trị văn hóa tốt đẹp trong không gian văn hóa sân đình đang dần biến mất.
TS Bùi Thanh Mai nhận xét: “Qua các cuộc khảo sát ở nhiều nơi, tôi thấy ký ức về các ngôi đình làng dường như chỉ còn trong tâm trí của thế hệ những người cao tuổi. Giới trẻ với nhiều mối quan tâm, công việc, họ không nắm rõ được các phong tục truyền thống, chỉ tham gia sinh hoạt ở đình làng mỗi dịp có lễ hội”.
“Ngôi nhà chung” ấy còn đang có nguy cơ mất dần vai trò với cộng đồng, khi mà hội họp đã có nhà văn hóa, việc làng, xã đã có cơ quan, đoàn thể. Thậm chí nhiều hiện vật ở đình còn bị phá hoại bởi chính người làng, những hoạt động diễn xướng cũng không còn được diễn ra nhiều.
Đình sẽ “sống” như thế nào?
Khi văn hóa đình làng đang phai nhạt dần thì việc bảo tồn và phát huy đình làng như thế nào trong cuộc sống hiện đại vẫn chưa có phương án cụ thể.
GS Lê Văn Lan cho rằng: “Việc bảo tồn, phát huy giá trị không gian di sản đình làng phải được đặt ở tầm vĩ mô, đó là trong không gian văn hóa làng. Bên cạnh đó các nhà nghiên cứu, những người làm công tác bảo tồn cũng phải tìm ra được trong đình làng cái gì đã lỗi thời để nghiên cứu, xác định rõ bảo tồn cái gì, khôi phục cái gì và phát huy cái gì?”.
Còn PGS.TS Bùi Thị Thanh Mai (trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) đề nghị: “Phải có sự đầu tư công sức để xây dựng một bộ tư liệu về các ngôi đình, làm cơ sở phục vụ cho công tác trùng tu khi cần, cũng như có hướng bảo tồn cho phù hợp. Trong cuộc khảo sát các đình làng hiện nay, chúng tôi đã đi thực tế và chụp rất nhiều ảnh về các ngôi đình ở nhiều góc cạnh khác nhau, quay phim lại các hoạt động ở đình cũng như ghi chép lại tất cả những giá trị văn hóa truyền thống gắn liền với các đình làng. Bên cạnh đó, chúng ta nên tổ chức nhiều hơn các cuộc triển lãm, tọa đàm, hội thảo... về đình làng để tôn vinh các giá trị của đình làng cũng như nâng cao ý thức của người dân trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đình làng”.
Cùng trăn trở về bảo tồn văn hóa đình làng, GS Phạm Công Thành nêu vấn đề: “Khi bảo tồn, tôn tạo di tích, người ta hay coi nhẹ vấn đề văn hóa, những cái mà ta gọi là phi vật thể. Vì vậy trong quá trình bảo tồn, cần phải bảo tồn toàn diện, kể cả những câu chuyện trong ký ức nhân dân, để khi đến với đình làng, mỗi người sẽ có cái nhìn, có cảm nhận tổng thể, sâu sắc hơn”.
Từ trước tới nay, chúng ta chưa nhìn nhận hết các chức năng của đình làng. Thường chỉ nhắc tới đình làng với tư cách là nơi thờ tự các vị thành hoàng làng, các vị anh hùng, có công, các vị tổ nghề. Trong khi đó, đình làng còn có một chức năng rất quan trọng là quy tụ và gắn kết các thành viên trong cộng đồng làng xã thì lại chưa được bàn nhiều tới. Bảo tồn không gian văn hóa đình làng còn phải gắn với bảo tồn các hoạt động lễ hội, diễn xướng, các sinh hoạt nghề nghiệp ở đình làng chứ không chỉ ở việc thờ cúng thành hoàng làng. Điều quan trọng là muốn bảo tồn và phát huy không gian văn hóa đình làng phải hiểu rõ hết chức năng, giá trị của nó để có hướng bảo vệ và để những chức năng ấy vẫn được thực hiện trong đời sống hiện đại.
Bài và ảnh: Tạ Nguyên