Đại đức chùa Hang và bài thơ sáng tác giữa biển Trường Sa

Trong số hơn 200 thành viên của đoàn công tác số 4 ra Trường Sa trên tàu HQ- 561, do Công đoàn Viên chức Việt Nam tổ chức dịp tháng 4/2013, có một thành viên rất đặc biệt là Đại đức Thích Nguyên Thanh- trụ trì chùa Hang (Thái Nguyên).

 

Đại đức Thích Nguyên Thanh (bên phải) trong một buổi giao lưu tại đảo Trường Sa Lớn.


Ra Trường Sa với “hành trang” là hộp trà Thái Nguyên của mảnh đất mình trụ trì, để mỗi sớm tại đảo lại nhẩn nha pha ấm trà, ngồi đàm đạo với sư trụ trì của các chùa trên đảo Trường Sa, hoặc với những cán bộ, chiến sĩ trên đảo - như một phút tĩnh tâm giữa không gian bao la của biển trời quê hương; còn một “trọng trách” quan trọng nữa mà Đại đức Thích Nguyên Thanh thực hiện trong chuyến đi là thu thập tư liệu về 3 ngôi chùa giữa biển khơi (chùa Trường Sa Lớn, chùa Song Tử Tây và chùa Sinh Tồn) để về đất liền viết sách giới thiệu.


Về “cơ duyên” này, Đại đức tâm sự: Ông đã đọc cuốn sách “Chùa Việt Nam” của nhóm tác giả Hà Văn Tấn - Phạm Ngọc Long - Nguyễn Văn Kự”. Sách viết từ năm 199, liên tục được bổ sung, chỉnh lý qua những lần tái bản và lần gần nhất tổng cộng có 118 ngôi chùa, bao gồm một số ngôi chùa ở những vùng hải đảo khác; thế nhưng 3 ngôi chùa của đảo Trường Sa thì vẫn chưa được nhắc tới. “Để bạn đọc nói chung và những phật tử nói riêng được biết về các ngôi chùa của Trường Sa, tôi đã quyết định sẽ thu thập đủ tư liệu về 3 chùa để gửi bổ sung vào trong sách”, Đại đức tâm sự.


Với bất cứ một người con dân đất Việt nào, việc được đặt chân tới vùng biển Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc, đều mang tới những cảm xúc vô cùng đặc biệt. Với Đại đức Thích Nguyên Thanh, hành trình mười mấy ngày lênh đênh trên biển, tới các đảo lớn, nhỏ, nhà giàn, tham gia các hoạt động của đoàn, gặp gỡ những sư trụ trì các chùa của Trường Sa… đã khiến ông hiểu thêm nhiều về đời sống của các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân nơi đây; cũng như khơi dậy lòng tự hào, tình yêu nước vốn đã cuồn cuộn trong trái tim Đại đức và ông đã viết một bài thơ dài tới 4 trang giấy, mang tên “Cảm nhận Trường Sa”, dành tặng cho các thành viên trong đoàn, các cán bộ, chiến sĩ và các sư trụ trì chùa ở Trường Sa.


Kể về hoàn cảnh ra đời của bài thơ, Đại đức cho biết: Tối ngày 7/4/2013, tham gia cùng đoàn nghệ thuật xung kích biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tại đảo Song Tử Tây và ngủ lại đảo, Đại đức đã bị mệt, nhưng ông vẫn thức suốt cả đêm viết bài thơ, để sáng sớm hôm sau, 8/4, đọc tặng cho sư trụ trì chùa Song Tử Tây. Bài thơ có đoạn:


“Dân Nam chung một lời thề
Cháu con Hồng - Lạc không nề máu xương
Giữ gìn Tổ quốc quê hương
Đánh tan lũ giặc ngông cuồng xâm lăng
Chúng bay hãy nhớ lấy rằng
“Thiên thư định phận” rõ ràng sử xưa
Lũ kia chớ có làm bừa
Sấm giông nổi giận gió mưa dập đầu”


“Bài thơ của Đại đức đã khiến cả đoàn chúng tôi ai cũng xúc động, Đại đức đã nói hộ nỗi lòng của chúng tôi khi đặt chân tới Trường Sa. Rất nhiều thành viên trong đoàn đã chép lại bài thơ này làm kỷ niệm. Cũng rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây đã xin chép lại bài thơ”, anh Nguyễn Thế Toàn, một thành viên trong đoàn công tác cho biết.


Sau khi trở về từ chuyến đi, Đại đức Thích Nguyên Thanh đã hoàn thành những bài viết về chùa ở Trường Sa, để đăng trong cuốn “Chùa Việt Nam” của NXB Thế giới, góp phần giới thiệu cho bạn đọc trong và ngoài nước về những ngôi chùa nơi biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Cùng với đó, một “tài sản” được ông lưu giữ sau chuyến đi chính là bài thơ “Cảm nhận Trường Sa” nói trên.


Báo Tin Tức xin được trích đăng bài thơ này của Đại đức Thích Nguyên Thanh.

Cảm nhận Trường Sa

Tôi đang đứng giữa biển trời,
Trường Sa yêu dấu muôn đời trong tim.
Tôi chưa lần đến Trường Sa
Chỉ nghe lời kể ông cha thuở nào.

Hôm nay hội tụ nhân duyên,
Mang theo tình cảm đất liền về đây.
Ngắm nhìn biển đảo trời mây,
Sóng gào gió thét, mưa quay trắng chiều.

Những người lính trẻ đáng yêu,
Mặc cho giông bão bao nhiêu chẳng sờn.
Ẩn trong đôi mắt sáng ngời,
Là tình yêu nước, thương nòi chứa chan.

Dẫu cho còn lắm gian nan,
Nụ cười vẫn nở muôn ngàn niềm tin.
Ngày đêm gìn giữ chủ quyền,
Biển đảo Tổ quốc thiêng liêng ngàn đời.

Trắng đêm thức gác biển trời
Mắt quầng thâm chẳng nửa lời kêu ca.
Nụ cười vẫn nở như hoa,
Rộng dài như biển bao la tình người.

Trường Sa cảnh vật xinh tươi,
Xuyến xao say đắm lòng người xiết bao.
Ôi! Trường Sa đẹp làm sao,
Cảnh quan hùng vĩ nơi nào sánh ngang.

Vinh quang đất nước Việt Nam
Chủ quyền biển đảo ngàn năm vững bền
Trường Sa lớn - nhỏ đẹp thêm
Mái chùa xây đắp nên nền đại thiêng

Nào là đảo nổi - đảo chìm
Song Tử sừng sững uy nghiêm như thành
Nơi đây thanh tịnh đất lành…
Những người học Phật tu hành tĩnh tâm

Trường Sa quần đảo ngàn năm
Đã từng thấm máu cha ông thuở nào
Quyết tâm bảo vệ sơn hà
Giữ yên biển đảo quốc gia lưu truyền...”

P.V

Triển lãm ảnh và tư liệu 'Hoàng Sa, Trường Sa - Biển đảo của Việt Nam'
Triển lãm ảnh và tư liệu 'Hoàng Sa, Trường Sa - Biển đảo của Việt Nam'

Nhân dịp kỷ niệm 15 năm phố cổ Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới (1999- 2014),tại xã đảo Tân Hiệp, UBND thành phố Hội An tổ chức Triển lãm ảnh và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa - Biển đảo của Việt Nam”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN