Trường Sa mãi trong trái tim tôi

Tháng 4/2013, tôi đã vinh dự được tham gia chuyến công tác do Công đoàn Viên chức Việt Nam tổ chức, tới 10 đảo và nhà giàn thuộc quần đảo Trường Sa để biểu diễn phục vụ các cán bộ, chiến sĩ. Đoàn các nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ tham gia chuyến công tác lần đó gồm 14 người.

 

NSƯT Hồng Kỳ biểu diễn tại đảo Song Tử Tây.


Đã tham gia hàng trăm chuyến công tác, biểu diễn trong và ngoài nước, nhưng có lẽ đây là chuyến công tác và biểu diễn ý nghĩa nhất đối với tôi. Trước khi lên tàu và trong suốt cả hành trình, lúc nào tôi cũng hồi hộp và mong chờ được nhìn thấy phần lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.


Chuyến công tác này, đoàn chúng tôi đã vinh dự đặt chân tới 10 địa điểm thuộc quần đảo Trường Sa, gồm Trường Sa Lớn, Nam Yết, Sinh Tồn, Song Tử Tây, Cô Lin, Đá Đông, Đá Tây, Quế Đường và hai nhà giàn... Tới đâu, chúng tôi cũng nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt của các chiến sĩ và tới đâu, với mỗi nghệ sĩ chúng tôi cũng là buổi biểu diễn đầu tiên và cũng là buổi biểu diễn có thể là duy nhất trong cuộc đời mình, với sân khấu là mênh mông sóng gió của biển khơi và khán giả những người lính đang ngày đêm canh gác phần phên dậu này của Tổ quốc; vì vậy nghệ sĩ nào cũng hát hết mình, hát tới khản giọng, hát tới hết “vốn liếng” thì thôi.

 

Nói như nhiều nghệ sĩ, đây là những buổi biểu diễn cho gia đình, cho người thân, là live show riêng của mỗi người, nên ai cũng hát tới hàng chục bài mỗi đêm, có bài nào là hát bài đó, không kể đó là bài tủ của mình hay không, không kể là ánh sáng, âm thanh có đảm bảo hay không... Có những bài hát, mà cả ca sĩ lẫn chiến sĩ cùng đồng ca, vang cả đảo. Có một điều đáng mừng là mọi đảo, cả đảo chìm, đảo nổi, nhà giàn đều có tivi, đầu karaoke nên các chiến sĩ cũng thuộc rất nhiều bài hát, kể cả những bài hát mới nhất, nên hầu hết bài nào cũng có thể hát cùng các nghệ sĩ được. Buổi biểu diễn của chúng tôi ở mỗi đảo cũng không hề có ngày hay đêm, sáng hay tối. Đến đảo giờ nào là hát giờ ấy, có những buổi diễn hát tới muộn thì phải trở về tàu, nhưng cũng có những buổi diễn thâu đêm vì hôm đó chúng tôi được ngủ lại đảo... Nhớ lại, vẫn còn thấy vui và hạnh phúc như thể mới là chuyện của ngày hôm qua, xúc động vô cùng.


Mỗi buổi biểu diễn đều là một kỷ niệm vô cùng đẹp với chúng tôi, nhưng ấn tượng nhất, khiến tôi nhắc tới là lại trào nước mắt là buổi biểu diễn cho nhà giàn, trong chặng cuối của hành trình của đoàn. Hôm đó, tàu chúng tôi đã vào tới gần nhà giàn nhưng do sóng quá to nên không thể tiếp cận nhà giàn được. Đoàn đã bố trí một cán bộ và ca sĩ Ngọc Hậu của Nhà hát Tuổi trẻ cũng xung phong đi cùng, đi ca nô để vào đảo. Lúc đó, thật sự vô cùng nguy hiểm khi sóng cứ đánh canô 3 m lên, rồi lại vùi 3 m xuống, ca sĩ Ngọc Hậu và một cán bộ của đoàn đã vô cùng dũng cảm vượt sóng vào tới nơi, nhưng rồi cũng lại phải rút ra vì không thể lên được nhà giàn.

 

Cảm giác lúc đó ai cũng thấy đau lòng vì có thể nhìn thấy nhà giàn mà không thể vào với anh em được. Ai đã từng đi Trường Sa thì đều biết, nhà giàn là nơi vô cùng khó khăn, vất vả, giữa biển khơi bao la mà chỉ có những cột sắt dựng chông chênh, sóng gió ngày đêm đe dọa, anh em thiếu thốn đủ thứ. Cả tàu ai cũng trào nước mắt, chúng tôi quyết định hát qua bộ đàm để phục vụ anh em. Và thế là trong sóng gió gầm gào, giọng người vang lên, trào dâng át cả sóng gió. Các nghệ sĩ cứ thay nhau hát, hát thật to, hát thật khỏe, hết bài này tới bài kia, đôi khi lời hát chìm khuất trong cả tiếng nấc nghẹn. Phía nhà giàn, các chiến sĩ cũng hát tiếp sức cùng chúng tôi. Hơn một tiếng đồng hồ như thế, rồi tàu cũng rời đi, nhưng chúng tôi cứ đứng mãi ở boong tàu, để ngắm nhà giàn, gửi lời chào và những tình cảm yêu thương tới các anh...


Suốt cả hành trình, có một điều mà tất cả các nghệ sĩ đều không hiểu, là mình lấy đâu ra sức khỏe để có thể tỉnh táo như thế mỗi khi lên tới đảo. Đoàn rất nhiều phụ nữ, chuyến đi đó thời tiết lại xấu, biển động nhiều, nên rất nhiều người say sóng. Bản thân tôi cũng say, nằm bẹp, không ăn nổi gì trên tàu, thậm chí khi về tới Hà Nội rồi, chỉ cần xem tivi thấy cảnh sóng nước là lại thấy chóng mặt, quay cuồng. Thế mà mỗi khi lên tới đảo là tất cả lại tỉnh táo, khỏe khoắn, lại hát, lại vui hết mình, lại trở thành người nhà với các chiến sĩ, cùng sẻ chia, gắn bó.

 

Để rồi khi trở lại tàu, lại say, lại nằm bẹp. Có lẽ, đó là sức mạnh của tình yêu thương, lòng khát khao muốn phục vụ cho những người chiến sĩ đã dũng cảm ngày đêm cầm chắc tay súng nơi đầu sóng ngọn gió.
Kết thúc chuyến công tác, tôi và ca sĩ Ngọc Hậu đã vinh dự là hai nghệ sĩ trong đoàn được trao tặng “Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo” do Bộ Tư lệnh Hải quân trao tặng và bằng khen của Công đoàn Viên chức Việt Nam. Đây là phần thưởng vô cùng cao quý và ý nghĩa đối với chúng tôi.


Vẫn biết cơ hội trở lại Trường Sa là rất khó, nhưng tôi vẫn mong muốn sẽ có dịp lại được đến với đảo, được hát phục vụ các chiến sĩ, được nghe các chiến sĩ gọi mình là “nghệ sĩ hài”, dù thực ra tôi là một ca sĩ; được nghe họ gọi mình là bác, là chú, là anh, thậm chí là bố; được biểu diễn cho những em bé được sinh ra và lớn lên ở đảo, trở thành những công dân của đảo, cùng cha mẹ sinh sống, bảo vệ mảnh đất yêu thương này của đất nước. Và tôi rất mong điều này thành sự thật. Nếu như có chuyến công tác nào tới Trường Sa, tôi sẽ xung phong đầu tiên.


T.A (ghi)

Tự hào khi đặt chân tới Trường Sa
Tự hào khi đặt chân tới Trường Sa

Cũng đã hơn 1 năm kể từ chuyến hành trình ra đảo của Nguyễn Thế Toàn cùng đoàn nghệ thuật xung kích của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, mà Nhà hát Tuổi trẻ là nòng cốt (tháng 4/2013), nhưng trò chuyện với phóng viên, chàng trai rắn rỏi này vẫn tràn đầy xúc động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN