Chiến sỹ Trường Sa ứng dụng linh hoạt kỹ thuật vào đời sống

Cùng với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, những người lính đảo Trường Sa còn không ngừng nghiên cứu, tiếp thu và ứng dụng linh hoạt khoa học kỹ thuật vào tăng gia sản xuất, chăm sóc sức khỏe cho người dân, vận hành hệ thống công trình dân sinh.

* Trồng thành công nhiều giống cây mới

Các đảo thuộc quần đảo Trường Sa có sự tương đồng về điều kiện thời tiết khắc nghiệt, độ mặn trong hơi nước biển cao, nền đất chủ yếu là cát và san hô vụn, nước ngọt khan hiếm. Mọi điều kiện dường như đều bất lợi cho tăng gia sản xuất, nhưng với sự sáng tạo, cần mẫn, chiến sĩ Trường Sa đã trồng thành công nhiều giống cây mới có nhiều công dụng. Chiến sĩ trên đảo Nam Yết đã trồng thành công cây nhàu, một loại cây rất có ích khi vừa làm dược liệu vừa làm thực phẩm. Hiện, cây nhàu trên đảo Nam Yết phát triển rất tốt và đã có quả. Khi quả nhàu chín, các chiến sĩ thu hoạch rồi xắt mỏng đem phơi khô; khi dùng thì nấu lấy nước uống chữa bệnh cao huyết áp. Lá cây nhàu có thể dùng nấu canh hoặc ăn sống. Thân, rễ cây dùng chữa một số bệnh.

Tại đảo Sơn Ca, lần đầu tiên các chiến sĩ trồng thành công nhiều loại hoa cùng lúc như cúc, thược dược... mang giống từ đất liền ra. “Trước đây các đoàn công tác ra thăm đảo thường mang theo hoa tươi làm quà tặng cho cán bộ, chiến sĩ. Nay thì chiến sĩ trên đảo có thể lấy chính những bông hoa do mình trồng được để tặng cho đoàn công tác mang về đất liền làm quà”. Thiếu tá Trần Đình Quý - Chính trị viên Cụm chiến đấu 2, đảo Sơn Ca, chia sẻ.

Màu xanh bao trùm đảo Trường Sa. Ảnh: Báo Khánh Hòa


Chỉ vài năm trước, việc nhân giống cây bàng vuông, mù u... còn phụ thuộc hoàn toàn vào quá trình nảy mầm tự nhiên của quả. Hiện nay, chiến sĩ Trường Sa áp dụng phương pháp chiết cành để nhân giống các loại cây này. Theo kinh nghiệm của các chiến sĩ, chiết cành cây xanh ở Trường Sa phải tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật, thời điểm, thời gian. Việc có thêm phương pháp nhân giống nhiều loại cây đã giúp các đảo đẩy nhanh phủ xanh và làm đẹp cảnh quan, thay vì chỉ ưu tiên trồng cây để chắn sóng, chắn gió như trước đây. Chiến sĩ tại các đảo chìm Cô Lin, Đá Nam, Đá Thị… cải tiến chậu, thùng để trồng rau xanh, đảm bảo chắc chắn nhưng cơ động, dễ dịch chuyển hơn theo mùa; nhờ vậy đã trồng thêm được nhiều loại rau xanh và cho năng suất cao hơn. Hàng năm, các đảo Đá Thị trồng được đến gần 1.000 kg rau, Cô Lin trên 830 kg rau…

Vườn rau ở các đảo nổi Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn… vẫn đang xanh tốt, bất chấp từ đầu năm đến nay chưa có mưa. Đảo Song Tử Tây đang phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam thực hiện dự án “Sản xuất thử nghiệm một số cây trồng, vật nuôi tại quần đảo Trường Sa” với 5 loại rau và một số vật nuôi mới. Chiến sĩ Phan Trí Đức, đảo Song Tử Tây cho biết: “Dự án hỗ trợ hạt giống còn kỹ thuật trồng, chăm sóc rau do chiến sĩ trên đảo đảm nhiệm. Do thiếu nước ngọt, đất khô cằn nên các chiến sĩ đã làm nhiều cách để rau phát triển tốt, như: Giàn che nắng, xây bể trồng rau sâu dưới đất để giữ độ ẩm, làm thêm phân bón...”. Từ năm 2013 đến nay, các đảo Nam Yết trồng được trên 17.000 kg rau, Sinh Tồn gần 9.400 kg rau, Song Tử Tây khoảng 14.700 kg rau… Ngoài ra, các đảo này cũng trồng được nhiều loại cây ăn quả, như: đu đủ, dừa, mía, chuối… cho năng suất, chất lượng tương đương trong đất liền.

Để trồng được nhiều loại cây, trước tiên chiến sĩ ở Trường Sa dựa vào sự phân hóa thời tiết theo mùa. Chẳng hạn như mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 12 thì trồng cây cần nhiều nước, mùa khô từ tháng 1 đến tháng 6 trồng cây chịu hạn. Bên cạnh đó, các chiến sĩ còn tự làm phân để bón cho cây trồng… bằng chính lá cây có sẵn trên đảo. Theo đó, lá cây già hoặc héo úa được cắt bỏ, đem ủ hoặc đốt lấy tro rồi bón cho cây trồng để bổ sung chất mùn. Trung tá Nguyễn Văn Dũng– Chính trị viên đảo Nam Yết, chia sẻ: "Trồng trọt, chăn nuôi ở trên đảo cứ làm theo kinh nghiệm “nhất nước, nhị phân, tam cần, tứ giống” thì năng suất sẽ không thể cao, mà phải hiểu điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng trên đảo để có kỹ thuật chăm sóc phù hợp cây mới sống và phát triển tốt được".

* Làm chủ nhiều kỹ thuật hiện đại

Không thụ động trước diễn biến khắc nghiệt của tự nhiên nơi đầu sóng ngọn gió, các chiến sĩ ở Trường Sa luôn vận hành an toàn tuyệt đối và khai thác hiệu quả hệ thống điện gió, pin năng lượng mặt trời; trạm thu phát sóng phát thanh, truyền hình. Đến nay, tất cả các đảo ở quần đảo Trường Sa đều đã có hệ thống điện gió, pin năng lượng mặt trời, góp phần nâng cao đời sống của quân và dân trên đảo. Và nhờ có điện nên khi màn đêm buông xuống, nhìn từ xa, các đảo như một thành phố lung linh huyền diệu, tràn đầy sức sống giữa biển nước bao la Trường Sa. Để dòng điện sáng mãi ở Trường Sa, không kể ngày hay đêm, các chiến sĩ phải tiến hành bảo dưỡng, chống ăn mòn, han gỉ do tác động của độ mặn trong hơi nước biển đến từng cột điện.

Cũng không tự bằng lòng với những gì hiện có, đội ngũ bác sĩ, y tá ở các Bệnh xá ở Trường Sa không ngừng nâng cao trình độ, làm chủ máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại để chăm sóc sức khỏe cho người dân, cán bộ và chiến sĩ; đồng thời tiến hành cứu chữa kịp thời, thành công nhiều ca bệnh nặng, phức tạp, như: Viêm ruột thừa cấp, tai biến, nhiễm độc... Tiêu biểu là Bệnh xá đảo Sinh Tồn, từ năm 2013 đến nay đã điều trị bệnh cho 250 lượt người dân; mổ cấp cứu thành công 3 ca bệnh nặng, trợ giúp sản phụ sinh con đầu tiên trên đảo an toàn.

Ngoài ra, chiến sĩ Trường Sa còn ứng dụng hiệu quả phương pháp “tịnh tiến” để di chuyển những vật dụng nặng hàng tấn phục vụ xây dựng công trình dân sinh, trường học; các kỹ thuật sửa chữa, lai dắt tàu thuyền… Đại tá Nguyễn Viết Thuân – Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, tâm sự: “Những điều phi thường mà chiến sĩ Trường Sa làm được, trước hết là bởi ai cũng có “tâm” giữ đảo, coi đảo như nhà của chính mình; rồi khi bắt tay vào thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể luôn nêu cao quyết tâm “cái khó ló cái khôn”.



Nguyên Lý
Ngư dân là cột mốc bảo vệ chủ quyền biển đảo
Ngư dân là cột mốc bảo vệ chủ quyền biển đảo

Hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam đã gây thiệt hại nặng nề cho ngư dân Việt Nam. PV báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Trần Cao Mưu, Tổng Thư ký Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam về vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN