Giữa tận cùng cơn khát, không cần nước ngọt tưới mát hay nước lợ làm ẩm gốc cây, muống biển Trường Sa vẫn vươn mình trong nắng gió tựa như những chiến sĩ kiên trung nơi đầu sóng.
Ai đã một lần được đến Trường Sa, ấn tượng đầu tiên để lại trong lòng không chỉ sự hồn nhiên yêu đời của những chiến sĩ hải quân “da bánh mật”, mà còn bị thu hút bởi một màu xanh của trăm loài cỏ cây hoa lá, có sức sống mãnh liệt, trong đó muống biển là loài sống dẻo dai nhất.
Trường Sa bây giờ đã khác xưa. Thay vào những triền cát trắng khô cằn sỏi đá là thảm muống biển trải dài vỗ về ôm lấy bờ cát, quanh mép đảo nở hoa tím thẫm. Lính đảo chúng tôi thường gọi là “hoa thủy chung”, bởi nó là loài hoa màu tím có sức sống mãnh liệt. Nắng cũng như mưa, ngày cũng như đêm, mùa biển lặng cũng như mùa bão tố, và chẳng cần nước ngọt hay nước lợ, hoa muống biển vẫn kiêu hãnh vươn mình bò trên sỏi đá, đội cát đâm chồi.
Cùng với cây phong ba, bão táp, bàng vuông, muống biển là loài thân mềm, nhưng chỉ ưa sống ở nơi có khí hậu khắc nghiệt. Nó là người bạn đồng hành chung thủy chứng kiến bao nhọc nhằn vất vả, buồn vui nhung nhớ của những người lính xa quê. Những đêm thanh gió mát, cánh lính trẻ ôm đàn ghi ta, ngồi cạnh hoa hát về quê mẹ.
Khi có văn công ra biểu diễn, hoa muống biển là món quà không thể thiếu tặng ca sĩ sau những điệu múa, bài ca. Những ca gác trong gió gào sương lạnh, hoa muống biển như người bạn tâm tình để các chiến sĩ vơi bớt nỗi nhớ nhà. Đã biết bao câu chuyện, bài thơ; bao mối tình đẹp đẽ đã ra đời từ chùm hoa muống biển lung linh màu tím này. Còn lính trẻ chúng tôi hái hoa muống biển ép khô trong sổ tay chiến sĩ gửi về đất liền để tặng người yêu.
Muống biển ở Trường Sa, ngoài tô điểm cho đảo thêm xanh, thêm đẹp, nó còn là loài cây thể hiện sự khát vọng sống mãnh liệt trước khắc nghiệt của khí hậu, nắng gió bốn mùa. Cũng như người lính Trường Sa bất chấp khó khăn gian khổ, hiểm nguy vẫn yêu đời thiết tha và vững vàng tay súng.
Mai Thắng