Tự hào khi đặt chân tới Trường Sa

Cũng đã hơn 1 năm kể từ chuyến hành trình ra đảo của Nguyễn Thế Toàn cùng đoàn nghệ thuật xung kích của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, mà Nhà hát Tuổi trẻ là nòng cốt (tháng 4/2013), nhưng trò chuyện với phóng viên, chàng trai rắn rỏi này vẫn tràn đầy xúc động. Dường như những ký ức về chuyến đi Trường Sa là đề tài bất tận cho câu chuyện của Toàn, mà đã nói là không thể ngừng lại được…

 

Tiết mục của đội nghệ thuật xung kích cùng những ca sĩ “nhí” trên đảo Song Tử Tây.


“Đó là chuyến công tác do Công đoàn Viên chức Việt Nam tổ chức. Đoàn chúng tôi có hơn 200 người, đến từ tất cả các địa phương, tỉnh thành trong cả nước. Trong đó, các nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ đã vinh dự được Bộ VH, TT & DL cử đi, làm nòng cốt cho đoàn nghệ thuật xung kích lần này. Ngoài các nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ như NSƯT Hồng Kỳ, ca sĩ Ngọc Hậu, Minh Hải, Hoàng Nga… thì đoàn còn có nghệ sĩ kịch câm Kế Đoàn, ảo thuật gia Tô Nhật Huy của Liên đoàn xiếc Việt Nam, nhạc công Tạ Huấn của Nhà hát Nhạc vũ kịch. Bên cạnh đó là hai nghệ sĩ quan họ là Quỳnh Mai và Lan Hương, giảng viên của trường nghệ thuật Bắc Giang.


Tác giả Thế Toàn (hàng đầu, ngoài cùng bên trái) cùng các nghệ sĩ và chiến sĩ Trường Sa.


Khi tổ chức đội nghệ thuật xung kích, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận đã quyết định cho tôi tham gia, bởi nhiều lý do: Tôi vừa được kết nạp Đảng, lại còn trẻ, năng động, biết nhiều về máy móc, nên có thể hỗ trợ được nhiều cho việc biểu diễn của đội. Và thế là tôi trở thành người phụ trách âm thanh, tổ chức biểu diễn cho đội nghệ thuật xung kích. Hành trang của tôi vì thế ngoài các vật dụng như mọi người, còn bao gồm một đôi loa và một số trang thiết bị biểu diễn cơ động. Suốt cả hành trình, tôi luôn phải ôm theo tất cả những trang thiết bị này, lo kiểm kê, giữ gìn để không bị hỏng hóc trong quá trình vận chuyển hay do gió biển; đảm bảo tốt âm thanh cho các buổi biểu diễn của đội nghệ thuật xung kích.


Biểu diễn văn nghệ cho các chiến sĩ.


Sau khi thành lập đội nghệ thuật xung kích, Nhà hát giao nhiệm vụ cho chúng tôi xây dựng một chương trình với chủ đề biển đảo, Tổ quốc, tình yêu đất nước để phù hợp với mục đích chuyến đi. Anh chị em ai cũng say mê luyện tập, bởi đây thực sự là một chuyến lưu diễn mang nhiều ý nghĩa lớn lao.


Đến ngày xuất phát, chúng tôi đáp máy bay từ Hà Nội vào Khánh Hòa, rồi từ sân bay Khánh Hòa di chuyển vào đến Nhà khách của Hải quân vùng 4. Sau khi tập kết ở Nhà khách, chúng tôi tổ chức một đêm giao lưu văn nghệ nhỏ rồi sáng hôm sau di chuyển bằng ô tô ra quân cảng Cam Ranh, sau đó lên tàu HQ-561, bắt đầu chuyến hành trình không thể nào quên của mình.


Cũng phải kể thêm là khi vào đến Khánh Hòa thì đội xung kích được bổ sung thêm một thành viên “ngoài biên chế” là ảo thuật gia Tuấn Phương, thuộc Đoàn xiếc Hà Nội. “Cơ duyên” để nghệ sĩ Tuấn Phương tham gia chuyến công tác này cũng rất thú vị. Vốn là NSƯT Vy Hoa (vợ của anh) được cử tham gia chuyến công tác, nhưng với khao khát được một lần đặt chân tới vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc, nên anh đã quyết định… xin được đi thay vợ một lần và đã được chấp thuận. Từ Hà Nội đáp máy bay vào TP Hồ Chí Minh, Tuấn Phương mang theo rất nhiều đạo cụ, gồm một số con thú, để biểu diễn, nhưng vì hàng không không cho phép mang thú theo, nên anh đành để lại tất cả, vào TP Hồ Chí Minh mới mượn đạo cụ, con thú của bạn bè, thuê một chuyến ô tô chở ra Khánh Hòa để mang theo biểu diễn. Ai cũng xúc động với sự say mê và tận tụy với nghề nghiệp của anh. Đặc biệt, dù không phải là thành viên chính thức, nhưng anh lại là một điểm sáng trong suốt hành trình biểu diễn. Những màn ảo thuật hấp dẫn của anh đã có sức hút rất lớn với các cán bộ, chiến sĩ Trường Sa.


Cùng hát và cùng cười.


Quay trở lại với con tàu HQ-561, “căn nhà” của chúng tôi trong suốt hành trình mười mấy ngày trên biển. Đây là một tàu bệnh viện di động, hiện đại bậc nhất thời điểm đó, vừa hạ thủy cách đó mấy tháng, với đầy đủ trang thiết bị y tế cũng như đội ngũ cán bộ, bác sĩ, có thể thực hiện những ca phẫu thuật qua vệ tinh. Đoàn công tác của Công đoàn Viên chức Việt Nam, được đặt tên là đoàn công tác số 4, là đoàn công tác dân sự đầu tiên của tàu.


Còn nhớ cảm xúc của chúng tôi khi đặt chân lên tàu, ai cũng rất háo hức, vì đây là chuyến đi xa lênh đênh trên biển gần như đầu tiên của mọi người, bên cạnh đó, nó còn có ý nghĩa là chuyến đi đến với quần đảo Trường Sa. Vì vậy, có rất nhiều cảm xúc đan xen, vừa là niềm tự hào - vì những người được cử đi đều được cân nhắc và lựa chọn, vừa hạnh phúc vì đây là một trải nghiệm có thể là độc nhất cho mỗi cá nhân.


Những em bé trên đảo Song Tử Tây.


Đoàn đi mất 2 ngày thì đến được đảo đầu tiên trong hải trình. Trong hai ngày ấy, dù cuộc sống trên tàu rất tiện nghi, nhưng vẫn có tới 80% thành viên của đoàn say sóng, trong khi thời điểm tháng 4 là thời điểm sóng yên biển lặng nhất trong năm. Trong 2 ngày đầu tiên này, BTC cũng quyết định tổ chức một chương trình văn nghệ trên tàu để cả đoàn giao lưu, gắn kết với nhau và còn một mục đích nữa là phục vụ cán bộ chiến sĩ phục vụ trên tàu. Đêm giao lưu văn nghệ ấy, dù các anh chị em của đội nghệ thuật xung kích đều say sóng, nhưng vẫn cố gắng lên biểu diễn phục vụ. Và đó cũng là một đêm diễn rất đặc biệt của chúng tôi. Theo quy định an toàn trên biển, thì không cho phép biểu diễn, sinh hoạt, giao lưu trên boong tàu. Nhưng hôm đó, do sóng yên biển lặng nên BTC cho phép tổ chức trên boong. Tôi còn nhớ như in buổi biểu diễn ấy: Tàu cứ chạy, rẽ sóng mà đi, nước trắng xoá và bốn bề là màn đêm mịt mùng, nhưng trên boong tàu thì thắp điện sáng trưng và chương trình văn nghệ diễn ra sôi nổi và đầy say mê, các nghệ sĩ hát như chưa bao giờ được hát, hát về tình yêu, về quê hương đất nước, về biển đảo… thuộc bài nào là hát bài ấy. Bản thân tôi cũng lên biểu diễn một ca khúc, dù không phải là nghệ sĩ.


Tình cảm quân dân gắn bó.


Hành trình của chúng tôi đến với 10 đảo và nhà giàn thuộc quần đảo Trường Sa. Đảo xa thì phải mất cả ngày mới đến, đảo gần vài tiếng là tới nơi. Có những chương trình đoàn phải biểu diễn buổi tối như chương trình ở đảo Song Tử Tây, diễn xong thì ngủ lại ở đảo.


Trong những chương trình biểu diễn này, đôi khi chúng tôi cũng được trở thành khán giả, bởi lính đảo luôn là những người yêu văn nghệ và không ít người trong số họ hát rất hay. Tôi còn nhớ mãi tiết mục biểu diễn của 5 chiến sĩ hải quân với ca khúc “Lính đảo đợi mưa” khiến cả đoàn vỗ tay mãi không dứt. Hay tiết mục của các cháu nhỏ trên đảo Song Tử Tây với trang phục là áo in hình cờ đỏ sao vàng, các cháu đã tham gia biểu diễn cùng với đoàn, rất vui và xúc động.


Biểu diễn cho chiến sĩ.



Chuyện về Trường Sa có lẽ kể mãi cũng không thể hết. Tôi nhớ mãi hình ảnh những chiến sĩ trên những đảo mà chúng tôi đã đi qua. Họ đều còn rất trẻ, có những người mới 18 - 19 tuổi, nhưng đều quả cảm và luôn chắc tay súng để canh giữ biển trời quê hương. Tôi còn nhớ một chiến sĩ, khi cầm súng canh gác thì quả thật là một gương mặt vô cùng cương nghị với ánh mắt đầy kiên định, nhưng khi vào giao lưu với chúng tôi thì thật hiền khô, vô tư và trẻ trung. Đến bây giờ, tôi vẫn không quên được những hình ảnh ấy. Kỷ niệm về chuyến đi này có lẽ sẽ theo tôi tới suốt đời…”


T.A (ghi)

Ảnh: Thế Toàn

Trường Sa mãi trong trái tim tôi

Tháng 4/2013, tôi đã vinh dự được tham gia chuyến công tác do Công đoàn Viên chức Việt Nam tổ chức, tới 10 đảo và nhà giàn thuộc quần đảo Trường Sa để biểu diễn phục vụ các cán bộ, chiến sĩ. Đoàn các nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ tham gia chuyến công tác lần đó gồm 14 người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN