Cụ bà giữ số báo như kỉ vật

46 năm trước, số báo Quân đội nhân dân đặc biệt 2980 phát hành ngày chủ nhật 7/9/1969, trang trọng in thông tin về lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên trang nhất, làm nghẹn lòng triệu triệu đồng bào cả nước. Trong nỗi thương đau của cả dân tộc, giữa phố cổ Hà Nội, có một người phụ nữ đã giữ gìn số báo ấy nguyên vẹn đến tận ngày nay.

Đó là bà Trịnh Thị Đông (sinh năm 1933), dù năm nay đã ngoài bát thập nhưng vẫn rất minh mẫn. Bà thường xuyên mang tờ báo quý giá của mình đi nhờ người đọc cho nghe bởi bà không biết chữ.

Nghe mãi mà không chán

Trong căn nhà nhỏ chừng hơn chục mét vuông trên con ngõ Hội Vũ (Hà Nội), giữa lỉnh kỉnh đồ đạc của một bà cụ sống neo đơn, bà cụ Đông ngồi trầm ngâm lắng nghe từng câu, từng chữ của số báo. Ngồi cạnh bà là anh Nguyễn Hữu Đoàn, chủ quán cà phê Bonbon hàng xóm, đang đọc tròn vành rõ chữ cho bà nghe. Tờ báo khổ A3 đã ngả màu thời gian với tuổi đời gần nửa thế kỷ được anh cầm nâng niu, trân trọng. Với anh Đoàn, công việc đặc biệt này đã quá quen thuộc đến nỗi, anh có thể không cần nhìn báo mà vẫn có thể đọc được nội dung cho bà nghe.

Bà Đông nghe anh Hữu Đoàn đọc báo.

“Hàng chiều, bà lại mang tờ báo quý của mình sang quán của tôi và nhờ các em nhân viên đọc. Nhiều khi mấy đứa còn nói đùa ‘đọc mãi mỏi hết cả mồm’ nhưng bà thì bảo nghe mãi không chán. Hôm nào thấy đông khách bà lại thôi. Bà giữ mấy tờ báo như một kỉ vật, ai mượn bà đều không dám cho vì sợ người ta lấy mất”, anh Đoàn nói.

Số báo đặc biệt này được bà cắt làm bốn miếng cất giữ cẩn thận. Người thân thiết lắm, cao tuổi bà mới cho mượn. Có khi đến nhà bạn chơi bà cũng mang theo nhờ con bạn đọc cho. Đọc xong bà lại gấp mang về.

Bà Đông nói, bà rất nhớ những câu chuyện về gia đình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đặc biệt là sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời trên báo Quân đội nhân dân. Hỏi tại sao bà cứ nghe đọc mãi mà không thấy chán, bà chỉ trầm ngâm mỉm cười và không lí giải được.

Số báo đặc biệt được bà Đông cất giữ cẩn thận nên vẫn nguyên vẹn sau 46 năm.


Bà có thể kể vanh vách, trên trang nhất số báo đó có các đồng chí Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Trường Chinh, Tôn Đức Thắng đứng bên linh cữu Bác trong bức ảnh của Việt Nam Thông tấn xã. “Tôi thấy xúc động quá. Trong lúc Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt như vậy, đường giao thông bị phá hoại mà khách các nước và đồng bào miền Nam vẫn đến Hà Nội và dự lễ tang Bác Hồ. Không hiểu họ đi kiểu gì?”.

Hồi đó, bà không được đến viếng đám tang Bác Hồ, nhưng hơn 40 năm sau, bà đã đi bộ ra phố Tràng Thi, hòa mình vào một đám đông đồng bào khác để tiễn đưa linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Có đám tang vị tướng nào mà đoạn đường 40 cây số dân đứng đông nghịt”, bà xúc động nhớ lại.

Là thế hệ sinh sau đẻ muộn, không trực tiếp trải qua những thời khắc lịch sử của dân tộc, nhưng chúng tôi hiểu những dòng tin trên báo chí ở thời điểm đó quý giá với bà Đông như thế nào. Đồng bào miền Nam có thể nghe một dòng tin qua Thông tấn xã Giải phóng rằng Hà Nội bắn rơi máy bay Mỹ mà có thêm sức mạnh chiến đấu. Cũng như đồng bào miền Bắc nghe được tin một vùng miền Nam được giải phóng qua Đài Tiếng nói Việt Nam mà tràn đầy niềm lạc quan, tin tưởng. Đó là những giá trị vô giá mà thông tin báo chí đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Quyết tâm cho con ăn học

Chia sẻ về cuộc đời mình, đôi mắt bà cụ người gốc làng Thụy Khuê nheo lại. Bà kể, vì nhà nghèo, bà cùng các anh chị em đều không được đi học, phải làm lụng vất vả để nuôi các con khôn lớn. Đến giờ, bà vẫn không biết chữ, chỉ có thể viết được tên mình. Nhưng cũng chính vì thế, bà càng quyết tâm phải nuôi các con ăn học đầy đủ.

Bà Đông từng làm cấp dưỡng cho Trung tâm huấn luyện Thể dục thể thao Hà Nội, ông làm công nhân. Mặc dù sống ở phố cổ nhưng hai ông bà chỉ là những người lao động nghèo, cuộc sống những năm tuổi trẻ rất nhiều thiếu thốn. Hai vợ chồng đầu tắt mặt tối, có khi 9 - 10 giờ tối mới được ăn bữa cơm.

Mạch chuyện tiếp tục với những câu chuyện về Hà Nội những ngày gian khó. Khi máy bay Mỹ cách Hà Nội 30 - 40 cây số, tất cả đã phải chui xuống hầm trú ẩn an toàn. Những bữa ăn chỉ có khoai sắn hay sang lắm là món thịt mỡ. “Hồi đó khổ nhưng mọi người sống hạnh phúc hơn bây giờ. Không trấn lột, không trộm cướp, không đút lót, ăn uống sạch sẽ, không khí trong lành”, bà nói.

Thế rồi trời không phụ lòng người, đáp lại sự tần tảo của bố mẹ, hai cậu con trai của ông bà đều đỗ vào Đại học Bách khoa cả. Thời điểm đó, đỗ đại học là cả một niềm tự hào rất lớn. “Từ đầu phố Cửa Nam đến đoạn Hàng Bông - Phủ Doãn, không có nhà nào buôn thúng bán mẹt như tôi mà nuôi được hai con vào đại học cả”, bà kể với ánh mắt đầy tự hào.

Vào đại học, các con của bà Đông đều học hành chăm chỉ. Một anh học xây dựng, một anh học tin học, còn được cả học bổng. Điều đó làm bà Đông rất vui và yên tâm. Hiện nay, hai con trai của bà đều đã trưởng thành, mỗi người có một công việc riêng. Nhưng cũng như mẹ mình, các anh đều nuôi nấng con cái ăn học đàng hoàng, thi vào những trường cấp 3 danh tiếng của Hà Nội.

82 tuổi, mang trong mình nhiều bệnh tật, người bạn đời tri kỷ không còn, bà cũng từ bỏ công việc bán cơm trên ngõ Hội Vũ như trước. Con trai hàng ngày hai lần về tiêm thuốc, chăm sóc mẹ già. Lương hưu vừa đủ để bà thuốc thang, tiền con đưa bà để lại chứ không tiêu đến. Tuy cuộc sống già yếu bệnh tật nhưng bà vẫn lạc quan, hàng ngày lại sang quán cà phê bên cạnh nhờ các cháu đọc báo cho nghe. Bà coi đó như một niềm vui sống giản dị của mình.

Hoàng Dương
Chợ Đệm - cái nôi của Cách mạng tháng Tám tại Nam Bộ
Chợ Đệm - cái nôi của Cách mạng tháng Tám tại Nam Bộ

Đi theo con đường quốc lộ 1A, chúng tôi đến với xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh), nơi có con sông Chợ Đệm chảy qua với một truyền thống hào hùng trong lịch sử.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN