Giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc gắn liền với sự ra đời, lan tỏa và phát triển của Phật giáo Trúc Lâm, một thiền phái độc đáo của Việt Nam được các vua Trần cùng nhiều thành viên hoàng tộc và thiền sư, cư sỹ vĩ đại khác khởi xướng trong bối cảnh đế chế Mông Cổ đang chinh phục thế giới vào thế kỷ 13-14.

Chú thích ảnh
Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (còn gọi là Chùa Lân) nằm trên núi Yên Tử, thuộc Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí, Quảng Ninh), là nơi được vua Trần Nhân Tông chọn làm nơi để tu hành. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Khởi xướng từ dãy núi Yên Tử, Phật giáo Trúc Lâm, với các đặc điểm riêng có, kết hợp với truyền thống yêu nước của dân tộc, đã trở thành nền tảng tư tưởng của văn hóa và xã hội Đại Việt, góp phần huy động, đoàn kết toàn quân, toàn dân cùng vương triều trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và bản sắc dân tộc, phát triển một nước Đại Việt hùng cường, góp phần gìn giữ hòa bình, ngăn chặn sự bành trướng và ảnh hưởng của đế chế Mông Cổ ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

Chuỗi di tích - danh thắng liên tỉnh

Cách các vị vua, hoàng tộc, thiền sư và cư sỹ đầu triều Trần, từ vùng đất quê hương chiến lược Yên Tử, sáng tạo ra và phát triển Phật giáo Trúc Lâm trên cơ sở chắt lọc những tinh hoa của nhiều tông phái Phật giáo và các tôn giáo đương thời khác, kết hợp với tín ngưỡng bản địa, liên minh với nó và sử dụng nó, cũng như ảnh hưởng tôn giáo, xã hội và quân sự của Phật giáo Trúc Lâm là một câu chuyện có ý nghĩa to lớn không chỉ ở Việt Nam mà còn cả khu vực châu Á rộng lớn hơn, và không chỉ trong khoảng thế kỷ 13-14 mà còn đối với cả thế giới đầy biến động ngày nay.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là một di sản dạng chuỗi liên hoàn gồm 12 di tích, cụm di tích, được chắt lọc từ hàng trăm di tích và danh thắng của 6 khu di tích quốc gia đặc biệt thuộc 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang (nay là Bắc Ninh) và Hải Dương (nay là thành phố Hải Phòng), tất cả đều nằm trên dãy núi Yên Tử ở Đông Bắc Việt Nam có tổng diện tích 525,75 ha, vùng đệm là 4.380,19 ha.

Đó là các di tích, cụm di tích liên quan đến quê hương họ Trần và nơi yên nghỉ của nhiều vị vua và hoàng tộc triều Trần với di tích Thái Miếu (Khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh), đền Kiếp Bạc (Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai, tỉnh Hải Dương, nay là Hải Phòng).

Chú thích ảnh
Ảnh: TTXVN phát

Các di tích liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp tu hành của Phật Hoàng Trần Nhân Tông và sự ra đời của Phật giáo Trúc Lâm trên dãy núi Yên Tử với các di tích chùa Hoa Yên, chùa Lân (đều thuộc Khu di tích và danh thắng Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh), chùa Ngọa Vân (Khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).

Cụm di tích liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Đệ nhị Tổ Pháp Loa và Đệ tam Tổ Huyền Quang và thời kỳ phát triển cực thịnh của Phật giáo Trúc Lâm với các di tích chùa Vĩnh Nghiêm (Khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử, tỉnh Bắc Giang, nay là tỉnh Bắc Ninh), chùa Thanh Mai và chùa Côn Sơn (đều thuộc Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai, tỉnh Hải Dương, nay là thành phố Hải Phòng).

Các di tích liên quan đến thời kỳ chấn hưng và hội nhập của Phật giáo Trúc Lâm với các di tích như chùa Bổ Đà (Khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử, tỉnh Bắc Giang, nay là tỉnh Bắc Ninh) và chùa Nhẫm Dương (Khu di tích và danh thắng An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, tỉnh Hải Dương, nay là thành phố Hải Phòng) và những di tích liên quan đến vai trò, ảnh hưởng của Phật giáo Trúc Lâm trong cuộc sống Đại Việt và truyền thống sử dụng tài nguyên đất, nước… của người Việt, bao gồm động Kính Chủ (Khu di tích và danh thắng An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, tỉnh Hải Dương, nay là thành phố Hải Phòng) và Bãi cọc Bạch Đằng (Khu di tích lịch sử Bãi cọc Bạch Đằng, tỉnh Quảng Ninh).

Giá trị nổi bật toàn cầu

Chú thích ảnh
Ảnh: TTXVN phát

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc có giá trị nổi bật toàn cầu, gồm ba yếu tố liên hệ hữu cơ, mật thiết với nhau. Dãy núi Yên Tử là quê hương của nhà Trần, nơi khởi xướng Phật giáo Trúc Lâm. Hoàng gia nhà Trần là những người cầm quyền và triết lý, thực hành và vai trò, ảnh hưởng của Phật giáo Trúc Lâm. Giá trị nổi bật toàn cầu quần thể di tích và danh thắng này là sự tương tác hữu cơ giữa địa điểm (dãy núi Yên Tử), niềm tin tôn giáo (Phật giáo Trúc Lâm) và sức mạnh chính trị (triều Trần), tiến triển theo thời gian và được thể hiện rõ trong cảnh quan văn hóa độc đáo của ngày nay.

Liên minh chiến lược giữa nhà nước (Hoàng gia nhà Trần), tôn giáo (Phật giáo Trúc Lâm) và nhân dân phát triển từ quê hương (dãy núi Yên Tử) đã tạo nên một truyền thống văn hóa độc đáo có ý nghĩa toàn cầu, định hình bản sắc dân tộc và thúc đẩy hòa bình, an ninh cho cả khu vực rộng lớn hơn.

Sự hiểu biết sâu sắc và tôn trọng thiên nhiên của người Việt ở dãy núi Yên Tử từ xa xưa là một minh chứng nổi bật trên thế giới về sự tương tác giữa con người với môi trường thuận lợi cho việc thực hành tôn giáo, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ đất nước.

Phật giáo Trúc Lâm, được khởi xướng và phát triển chủ yếu bởi các thành viên Hoàng gia nhà Trần, là một minh chứng có ý nghĩa toàn cầu về cách một tôn giáo, được hình thành từ nhiều tín ngưỡng khác nhau, bắt nguồn và phát triển từ quê hương tâm linh của nó ở dãy núi Yên Tử, đã ảnh hưởng đến xã hội thế tục, qua đó góp phần củng cố quốc gia, đảm bảo hòa bình và hợp tác trong khu vực.

Tính toàn vẹn, tính xác thực

Chú thích ảnh
Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc (huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương cũ) luôn là một trong những trung tâm văn hóa tâm linh lớn của đất nước. Ảnh: Phương Lan/TTXVN

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đều là bộ phận của các Di tích quốc gia đặc biệt, được bảo vệ nghiêm ngặt theo luật pháp quốc gia với ranh giới pháp lý được xác định rõ ràng và kế hoạch quản lý và bảo tồn. Mọi thay đổi đáng kể về giá trị văn hóa của các di tích này đều phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mọi giá trị và thuộc tính nổi bật của văn hóa Phật giáo Trúc Lâm và triều Trần đều được chứa đựng và thể hiện một cách toàn diện trong Khu di sản, bao gồm cả một hệ thống các di chỉ khảo cổ, kiến trúc và các yếu tố phi vật thể đang được bảo vệ, bảo tồn và tiếp tục được coi trọng và biểu hiện.

Mỗi di tích thành phần đều được một vùng đệm bảo vệ bao quanh. Quy hoạch tổng thể với các mục tiêu tăng cường bảo vệ, được áp dụng cho toàn bộ khu vực. Rừng tự nhiên chiếm một phần đáng kể, các nguồn tài nguyên thiên nhiên được sử dụng một cách bền vững trong khi mật độ dân cư nhìn chung là thấp. Không có yếu tố đáng kể nào tác động tiêu cực đến Khu di sản hoặc vùng đệm.

Bằng chứng của tính xác thực thể hiện qua giá trị và thuộc tính thể hiện từ kết quả khai quật khảo cổ học, ghi chép trong các sử ký của Việt Nam, văn bản tôn giáo cổ, kinh Phật, văn bia, bản đồ và bia ký cổ... Tính xác thực rõ ràng của các di tích và kiến trúc công trình được xác nhận bởi tính nguyên gốc, vị trí, mục đích, chức năng và cách thức sử dụng không thay đổi về truyền thống văn hóa.

Hầu hết các địa điểm và công trình được xây cất đều nhằm mục đích thờ Phật, truyền giảng đạo pháp, luân lý, và làm nơi ăn nghỉ của tăng ni. Một số công trình khác để thờ cúng và tưởng nhớ tổ tiên, thần linh, các vị vua, anh hùng dân tộc hoặc các sự kiện lịch sử. Ngày nay chúng vẫn đang được sử dụng vào những mục đích như vậy.

Vật liệu tự nhiên sẵn có tại chỗ được dùng để xây cất. Khi tu bổ, phục dựng công trình, các cấu trúc, vật liệu và trang trí ban đầu thường được cố gắng sử dụng đến mức cao nhất. Một số công trình bị hư hại đã được phục dựng trên cơ sở kết quả của các cuộc khai quật khảo cổ học, tài liệu lịch sử, kinh văn, chuyện kể..., nhưng tất cả các công trình đều ở vị trí ban đầu.

Các truyền thống thờ cúng và thực hành tôn giáo, trải qua hàng trăm năm và nhiều thế hệ vẫn được duy trì. Mục đích và ý nghĩa cốt lõi của các lễ hội cơ bản vẫn được giữ nguyên. Tinh thần và cảm xúc vẫn ngự trị vẹn nguyên trong trái tim và khối óc của người dân.

Văn Đức (TTXVN)
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn - Kiếp Bạc: Hành trình vận động trở thành Di sản Thế giới
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn - Kiếp Bạc: Hành trình vận động trở thành Di sản Thế giới

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ngày 16/6, tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam - Bộ Ngoại giao và Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Ninh tổ chức sự kiện quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn - Kiếp Bạc. Quần thể này đang được đề cử ghi danh là Di sản văn hoá thế giới tại Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban Di sản thế giới UNESCO, dự kiến diễn ra tại Paris vào tháng 7 tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN