Chủ tịch Hồ Chí Minh qua hồi ức của Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Với độ dài hơn 34 phút, cùng những hình ảnh tư liệu có giá trị, bộ phim tài liệu “Hồ Chí Minh - Quá khứ, hiện tại và tương lai” của đạo diễn, NSƯT Nguyễn Lê Văn - Tạ Quốc Lâm, do Công ty CP NETVIET Truyền thông đa phương tiện sản xuất đã đạt giải B thể loại phim tài liệu trong Cuộc thi Sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Lê Văn nhận giải thưởng “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.


Là bộ phim tài liệu về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh dựa theo những tác phẩm và hồi ức của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, bộ phim được chia thành các chương:

Chương 1: Hồ Chí Minh - cuộc gặp gỡ lịch sử;

Chương 2: Hồ Chí Minh - Người lãnh đạo, người tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng;

Chương 3: Đạo đức Hồ Chí Minh;

Chương 4: Hồ Chí Minh - nhà thơ, nhà văn hóa lớn;

Chương 5: Hồ Chí Minh - Con người của mọi con người;

Chương 6: Di chúc Hồ Chí Minh.

Với những cảnh quay, những thước phim tư liệu quý về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua lời kể và gắn với hồi ức của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, bộ phim đã tạo cho người xem ấn tượng về chân dung một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, đã dẫn dắt thành công con đường cách mạng của dân tộc. Thông điệp của bộ phim khi tham gia giải thưởng chính là cuộc sống giản dị, đơn sơ và hết lòng vì dân vì nước của Bác sẽ là những tấm gương để thế hệ trẻ soi vào và tu dưỡng mình.

Là một đạo diễn đã có nhiều thành công trong lĩnh vực phim tài liệu, từng có nhiều tác phẩm đạt giải thưởng trong nước và quốc tế như: “Việt Phủ Thành Chương - Nơi trú ngụ tâm hồn Việt” (Đạt giải Cánh diều vàng năm 2011 và giải nhất Liên hoan phim điện ảnh và truyền hình quốc tế), phim “Dòng chảy không có tận cùng”, “Thầy tôi, nhà văn Kim Lân” đã từng được giải cánh diều vàng, cánh diều bạc năm 2012... Tuy nhiên với đạo diễn, NSƯT Nguyễn Lê Văn, để làm được bộ phim tài liệu “Hồ Chí Minh - Quá khứ hiện tại và tương lai” ông đã phải “mất ăn mất ngủ” gần một năm ròng. Đạo diễn chia sẻ: “Từ khi bắt tay vào xây dựng ý tưởng và làm kịch bản, hầu như lúc nào trong đầu tôi cũng nghĩ về bộ phim. Lúc nào tôi cũng suy nghĩ xem cảnh này dựng thế nào, cảnh kia sử dụng hình ảnh gì... Bởi vì làm phim về lãnh tụ là một công việc vô cùng khó khăn và phải đòi hỏi tính chính xác cao độ đến từng chi tiết nhỏ”.

Chia sẻ về quá trình làm phim, đạo diễn Nguyễn Lê Văn cho biết: “Từ đầu năm 2014, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Giám đốc Công ty cổ phần NETVIET Truyền thông đa phương tiện đã nói chuyện với tôi về ý định muốn làm một bộ phim tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì năm 2015 là kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Bác và cũng là năm diễn ra nhiều ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước. Trước lời đề nghị đó, tôi đã suy nghĩ và lên kịch bản cho bộ phim này và được ban lãnh đạo duyệt ngay. Giữa năm 2014, sau khi kịch bản được thông qua, chúng tôi bắt tay vào sản xuất”.

Bộ phim được làm hoàn toàn dựa trên các nguồn tư liệu sưu tầm. Ngoài tư liệu về cuộc phỏng vấn Thủ tướng Phạm Văn Đồng mà như mở đầu phim đã giới thiệu về “cuộc gặp gỡ lịch sử” giữa Thủ tướng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã khai sáng tinh thần cách mạng. Trong phim còn phải sử dụng những tư liệu cả ở trong nước và ở nước ngoài, cho nên công đoạn sưu tầm tài liệu là công đoạn khó khăn nhất với những người làm phim.

“Chúng tôi phải mất 4 tháng mới đủ tư liệu để làm bộ phim này. Khi làm cũng phải rất cẩn thận, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ để chọn ra những chi tiết, hình ảnh “đắt nhất”. Có lẽ, để nói toàn diện về chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh thì không biết bao nhiêu hình ảnh, lời nói mới diễn tả được hết nhưng về cơ bản thì bộ phim cũng đã cố gắng để làm nổi bật lên được những dấu ấn trong cuộc đời hoạt động và nhân cách cao đẹp của Bác”.

Không chỉ làm phim bằng tất cả tình cảm, lòng tôn kính đối với vị lãnh tụ của dân tộc, bộ phim còn mang nhiều cảm xúc bởi khi làm bộ phim này còn sử dụng những hình ảnh do chính NSND Nguyễn Đăng Bảy, cha của đạo diễn Nguyễn Lê Văn ghi lại được, đã khiến đạo diễn cảm thấy một niềm tự hào trào dâng trong lòng.

“Điều đó nhắc nhở tôi phải thực sự nghiêm túc để làm được một bộ phim thật hay về chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dường như những hình ảnh về Bác Hồ mà cha tôi đã ghi lại được khi ông được đi cùng với Bác đã như một sự thôi thúc, giúp tôi có động lực mạnh mẽ để hoàn thành bộ phim tài liệu này. Bởi thế mặc dù chỉ tranh thủ được vào những ngày cuối tuần và buổi tối nhưng chúng tôi chỉ mất 2 tháng là đã hoàn thành việc dựng bộ phim này”.

Nói về những điều tâm đắc trong bộ phim, đạo diễn - NSƯT Nguyễn Lê Văn chia sẻ: “Dù phải trau chuốt từng cảnh, từng đoạn, đến âm nhạc và lời bình nhưng bản thân tôi cũng cảm thấy xúc động nhất là đoạn Bác Hồ về thăm lại quê nhà sau bao năm bôn ba đi tìm đường cứu nước. Hình ảnh ngôi nhà đơn sơ với cánh võng vẫn còn đó, chiếc đèn dầu lạc trên chiếc chõng tre và hình ảnh Bác đứng nhìn khiến tôi xem lại cũng phải rưng rưng xúc động”.

“Sau 50 năm xa cách, Bác Hồ về thăm nhà. 70 xuân tâm hồn Bác vẫn là tâm hồn thơ trẻ của muôn đời.

Nhớ cánh võng ngày xưa còn bé mẹ ru...
Nhớ đĩa dầu đèn treo trên vách liếp
Nhớ mẹ...
Quê hương xin tạ ơn Người!...”

Tạ Nguyên
Hồ Chí Minh - biểu tượng của hòa bình và hữu nghị giữa nhân dân toàn thế giới
Hồ Chí Minh - biểu tượng của hòa bình và hữu nghị giữa nhân dân toàn thế giới

Cuốn sách “Hồ Chí Minh - biểu tượng của hòa bình và hữu nghị giữa nhân dân toàn thế giới” do tác giả Đỗ Hoàng Linh và Nguyễn Văn Dương sưu tầm và biên soạn đã ra mắt bạn đọc đúng vào dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh Bác Hồ (19/5/1890 - 19/5/2015).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN