Âm nhạc cho thiếu nhi - Bài 2: Sáng tác nhạc cho trẻ em, cần có tâm và có tầm

Không ít người sai lầm khi cho rằng viết nhạc thiếu nhi là rất dễ. Trên thực tế, viết nhạc cho thiếu nhi rất khó, rất cần những nhạc sỹ có tầm và có tâm. Để viết được một tác phẩm hay, người nhạc sỹ vừa phải nghiên cứu để hiểu tâm lý lứa tuổi của các em, vừa phải dành nhiều tâm sức để cho ra đời tác phẩm phù hợp với yêu cầu của thời đại.

Chú thích ảnh
Viết nhạc cho thiếu nhi là rất khó, rất cần những nhạc sỹ có tầm và có tâm. Ảnh: P.L

Khoảng trống âm nhạc thiếu nhi hiện nay

Theo nhạc sỹ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, đối với lứa tuổi từ mầm non cho đến hết cấp học Trung học cơ sở (độ tuổi từ 1 - 15 tuổi), trong đó trọng tâm là từ mẫu giáo (3 - 5 tuổi) đến hết tiểu học (6 -10 tuổi), giáo dục đóng vai trò hết sức quan trọng. Giáo dục góp phần hình thành nhân cách cũng như quyết định giá trị của một con người trong tương lai. Trong giáo dục, âm nhạc có một vị trí đặc biệt. Đã có nhiều công bố khoa học mang tính ứng dụng chỉ ra rằng, bên cạnh sứ mệnh đáp ứng nhu cầu giải trí tinh thần, âm nhạc kích thích sự phát triển trí não của trẻ nhỏ. Vì vậy việc nghe nhạc gì, nghe như thế nào và nghe trong bao lâu để phát huy được những giá trị tích cực của âm nhạc đối với lứa tuổi thiếu nhi là một vấn đề rất đáng được quan tâm.

Ở Việt Nam, âm nhạc thiếu nhi vẫn chủ yếu là mảng ca khúc. Những năm 1960-1990 có thể coi là thời hoàng kim của những ca khúc dành cho thiếu nhi, với hàng loạt ca khúc của các nhạc sỹ tên tuổi như: “Trường cháu là trường mầm non” của Phạm Tuyên, “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng” của Phong Nhã, “Con chim vành khuyên” của Hoàng Vân, “Đưa cơm cho mẹ đi cày” của Hàn Ngọc Bích, “Đi học về” của Hoàng Long - Hoàng Lân, “Chú ếch con” của Phan Nhân, “Cháu yêu bà” của Xuân Giao... Hàng trăm ca khúc thiếu nhi đã đi vào đời sống và đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Tuy nhiên, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, những sáng tác mới và hay dành cho thiếu nhi lại không nhiều, tạo nên một "khoảng trống" về âm nhạc thiếu nhi trong giai đoạn hiện nay, khi có rất ít tác phẩm âm nhạc chất lượng cao. Nhiều tác phẩm mới ra đời lại “chết yểu” do không được dàn dựng hoặc công chúng không đón nhận do không phù hợp với nhu cầu của các em.

Theo chia sẻ của một số nhạc sỹ và nhà nghiên cứu âm nhạc, nguyên nhân chính khiến cho nhiều tác phẩm âm nhạc dành cho thiếu nhi không “sống” được trong lòng công chúng, là do các tác phẩm chưa theo kịp với thời đại. Những nhạc sỹ nổi tiếng trong sáng tác nhạc thiếu nhi trước đây đều đã lớn tuổi. Họ có thể vẫn còn nhiều tâm huyết, có thể vẫn sáng tác được, nhưng lại khó tiếp cận với tâm lý, suy nghĩ và cách sống của thiếu nhi hiện nay, nên nhiều tác phẩm ra đời không bắt kịp với tâm sinh lý thiếu nhi hiện nay, nên các em không thích.  

Sáng tác mới phải mang hơi thở thời đại

Nhạc sỹ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng, nhiều ca khúc sáng tác trong thời gian gần đây vẫn đi theo lối mòn, thiếu hơi thở thời đại nên không được công chúng đón nhận. Trong khi thiếu nhi bây giờ đang sống trong thời đại của công nghệ số, của thế giới phẳng, nên suy nghĩ và tư duy của các em khác xa với thiếu nhi ngày xưa, đó là yếu tố mang tính thế hệ và chúng ta phải chấp nhận thực tế đó. Các nhạc sỹ khi sáng tác âm nhạc cho thiếu nhi cũng phải chấp nhận và ý thức được sự thay đổi về tư duy, thẩm mỹ mang yếu tố thời đại, đưa hơi thở đương đại phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi thiếu nhi hiện nay vào trong các sáng tác của mình.

“Trẻ em giờ không thích những giai điệu chậm chạp, ê a, nên âm nhạc cho các em phải sôi động hơn, tiết tấu, âm hưởng nhanh, mạnh hơn, kể cả nhạc dance, đôi lúc lại có cả Rock, Pop... Ca từ trong bài hát cũng cần sâu sắc hơn, hình ảnh sinh động hơn và các đề tài cũng gần gũi với đời sống hiện nay của các em hơn. Ví dụ như bài ‘Bống bống bang bang’ hiện được rất nhiều em yêu thích”, Nhạc sỹ Nguyễn Quang Long nói.

Khi nhiều nhạc sỹ lớn tuổi không bắt kịp thời đại, thì lớp nhạc sỹ trẻ có tài dễ tiếp cận với tư duy của lớp trẻ hiện nay, nên các sáng tác cũng mang hơi thở thời đại hơn. Tuy nhiên, lại không mấy người mặn mà với việc sáng tác nhạc cho thiếu nhi, bởi lẽ sáng tác được một tác phẩm âm nhạc hay cho thiếu nhi là rất khó, chứ không hề dễ.  

Nhạc sỹ trẻ Nguyễn Văn Chung, tác giả của ca khúc “Nhật ký của mẹ”, “Gia đình nhỏ, hạnh phúc to” chia sẻ, rất nhiều người nghĩ, nhạc thiếu nhi dễ viết. Đó là họ đang nhầm lẫn. Không phải ai và lúc nào cũng có thể sáng tác được ca khúc cho thiếu nhi. Nhạc thiếu nhi đúng là dễ thuộc, dễ hát theo và ở một mặt nào đó dễ viết, nhưng lại rất khó hay. Bởi khi người lớn viết nhạc cho thiếu nhi, thì cần phải tìm chủ đề gì, nội dung gì cho phù hợp, bài hát đó có thông điệp gì cho các con. Nếu viết một cách hời hợt, đơn giản, không có ý nghĩa gì, nhạc thiếu nhi sẽ không có sức sống lâu dài.

Bản thân Nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung trước đây viết rất nhiều ca khúc cho tuổi trẻ, nhưng phải đến khi anh được làm cha, từ tình yêu thương của mình dành cho con, anh mới viết được những ca khúc thiếu nhi.  

Đồng quan điểm này, Nhạc sỹ Nguyễn Lân Cường, Phó Chủ tịch thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội cũng khẳng định, sáng tác nhạc cho thiếu nhi không dễ như nhiều người vẫn tưởng. Khi sáng tác nhạc cho thiếu nhi, chúng ta phải chú ý rất nhiều yếu tố: âm vực không được quá thấp hay quá cao, lời ca trong sáng, giản dị nhưng lại phải trau chuốt, hợp với từng lứa tuổi của các em. Giai điệu không được trùng lặp với các ca khúc trước đây của các nhạc sỹ lão thành đã viết về trẻ em… Điều cốt lõi là các nhạc sỹ phải hiểu được tâm sinh lý của các em, ước vọng của các em, cố gắng tìm ra khía cạnh mới trong đời sống của các em thiếu nhi, tránh lý luận chung hay lời ca sáo rỗng... 

Số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có trên 20 triệu trẻ em trong độ tuổi thanh thiếu nhi (dưới 15 tuổi). Như vậy, nhu cầu âm nhạc của các em là rất lớn, nhưng chúng ta lại đang thiếu vắng một đội ngũ sáng tác trẻ có tài. Làm thế nào để có những sáng tác mới và hay cho thiếu nhi là trăn trở của rất nhiều nhạc sỹ, những người yêu âm nhạc, yêu thiếu nhi hiện nay.

Bài cuối: Cần sự vào cuộc của cộng đồng

Lan Lộc (TTXVN)
Âm nhạc cho thiếu nhi - Bài 1: Báo động tình trạng trẻ em hát nhạc người lớn
Âm nhạc cho thiếu nhi - Bài 1: Báo động tình trạng trẻ em hát nhạc người lớn

Âm nhạc được xem là một thành tố quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm hồn và phát triển nhân cách con người, đặc biệt là với các em thiếu nhi. Nhưng hiện nay, âm nhạc cho thiếu nhi đang đối mặt với thực trạng đáng buồn là có rất ít bài hát mới và hay về thiếu nhi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN