Với sự phát triển của công nghệ, sự nở rộ của các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là sự xuất hiện của vô số kênh truyền hình, băng đĩa nhiều... cộng với việc phổ cập giáo dục âm nhạc trong các trường tiểu học, THCS... là cơ hội rất tốt để âm nhạc thiếu nhi “sống” khỏe. Và đây sẽ là một mảnh đất màu mỡ để các nhạc sỹ đua tài. Tuy nhiên, để làm được điều này, rất cần những bà đỡ “mát tay”.
Nhu cầu âm nhạc rất lớn
Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 15.000 trường tiểu học, khoảng hơn 10.000 trường THCS, và cả chục nghìn trường mầm non với tổng số khoảng 20 triệu em. Nhu cầu âm nhạc của các em rất lớn, nhưng chúng ta lại đang thiếu hẳn một đội ngũ sáng tác chuyên nghiệp. Ca khúc dành cho các em đang ngày càng nghèo nàn. Những nhạc sĩ thuộc hàng “cây đa, cây đề” trong sáng tác nhạc thiếu nhi trước đây đều đã có tuổi; họ có thể vẫn còn nhiều tâm huyết, có thể vẫn sáng tác được nhưng lại khó tiếp cận với tâm lý, suy nghĩ và cách sống của thiếu nhi hiện nay.
Thực tế cho thấy, mỗi bài hát đều có sức sống trong một giai đoạn lịch sử nhất định, đã gần 40 năm đất nước thống nhất, trẻ em bây giờ không thể cứ hát mãi bài "Đưa cơm cho mẹ đi cày" cho dù đó là một tác phẩm vô cùng xuất sắc với lời ca trong sáng, giai điệu mượt mà. Cũng giống như bài "Em đi thăm miền Nam" - một trong những sáng tác đầu tay của anh em nhạc sỹ Hoàng Long - Hoàng Lân, những năm 70 của thế kỷ trước, trẻ em nào cũng thuộc, cũng biết hát, nhưng từ sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, bài hát đã hoàn thành sứ mệnh của nó và trở thành ký ức đẹp đối với thế hệ thiếu niên, nhi đồng của thời kỳ đó; dù bài hát có giai điệu rất hay, lời ca rất đẹp, nhưng thế hệ thiếu nhi sau này không còn ai hát nữa.
Đa số các nhạc sỹ, nhà giáo đều cho rằng, để thúc đẩy đội ngũ sáng tác, nâng cao chất lượng cũng như số lượng của ca khúc dành cho thiếu nhi - đầu tư cho thế hệ tương lai của đất nước, thì điều quan trọng nhất là những định hướng, chiến lược cụ thể, mạnh mẽ từ Nhà nước. Nhạc sỹ Phạm Tuyên cho rằng, cần có sự quan tâm của các cơ quan có trách nhiệm như từ Bộ VH, TT & DL, Bộ GD-ĐT, đoàn Thanh niên… để động viên lực lượng sáng tác trẻ. Tuy nhiên, nhạc sỹ cũng lưu ý, viết cho trẻ em hôm nay rất cần chú ý đến bản sắc dân tộc, song cũng cần quan tâm đến sự biến đổi của xã hội và hội nhập quốc tế. Bởi lẽ, trong thời đại công nghệ số như hiện nay, nếu cứ giữ mãi bản sắc ê a như kiểu "Con cò bay lả bay la…" ngày trước thì không phù hợp, mà các tiết tấu cho các em thiếu nhi hiện nay phải nhanh và mạnh hơn. Các nhạc sỹ khi sáng tác cho trẻ cần tìm hiểu thật kỹ tâm lý các em thiếu nhi của từng lứa tuổi vì chính các em sau này sẽ là những khán giả thẩm định những bài hát ấy.
Nhạc sỹ Hoàng Long, chủ biên chính của bộ sách giáo khoa giảng dạy âm nhạc cho thiếu nhi từ lớp 1- 9 cho rằng, các nhạc sỹ khi sáng tác cho thiếu nhi nên tìm những đề tài gần gũi, dễ hiểu như cây cối, con vật. Còn các thầy cô giáo khi giảng dạy nên tránh cách giáo dục đơn thuần là dạy nốt nhạc và dạy lời bài hát, mà hãy tạo sân chơi để trẻ có thể vừa học vừa chơi nhạc cụ… như vậy sẽ dễ hiểu và dễ thuộc hơn. Ông Long cho rằng, Nhà nước, các hội âm nhạc nên xây dựng một quỹ giải thưởng cho ca khúc thiếu nhi để trao cho những sáng tác hay về thiếu nhi hàng năm… Bên cạnh đó, cần tăng cường tổ chức các hội diễn cho thiếu nhi, từ đó thôi thúc các em tập bài hát mới.
Đa số ý kiến các nhạc sỹ đều khẳng định, điều quan trọng nhất là Nhà nước phải đầu tư thật tốt mảng ca khúc cho thiếu nhi, đồng thời các cơ quan báo chí, nhất là các đài phát thanh, truyền hình cần phối hợp với các nhạc sỹ chuyên về âm nhạc thiếu nhi, xây dựng chương trình quảng bá để đưa những sáng tác mới đến với đông đảo công chúng.
Và những tín hiệu vui
Tín hiệu vui đầu tiên là sự trở lại của chương trình "Những bông hoa nhỏ" trên kênh VTV6 Đài truyền hình Việt Nam từ đầu tháng 6/2012. Trong lần "tái xuất" này, "Những bông hoa nhỏ" sẽ được phát sóng vào lúc 17 giờ 30 phút hàng ngày với nhiều chuyên mục hấp dẫn. Sau “Những bông hoa nhỏ”, từ tháng 7/2012, mỗi tuần trên kênh VTV6 sẽ có một chương trình âm nhạc mang tên "Cánh én tuổi thơ", giới thiệu những bài hát thiếu nhi mới hay nhất.
Theo PGS.TS - nhạc sỹ Nguyễn Lân Cường, chương trình “Cánh én tuổi thơ” ra đời sẽ giải quyết được những khó khăn về đầu ra cho ca khúc thiếu nhi, góp phần đưa tác phẩm mới đến với công chúng. Theo dự kiến, trong những dịp kỷ niệm đặc biệt như ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, ngày Rằm Trung thu hoặc đầu xuân năm mới… sẽ tổ chức giao lưu, gặp gỡ các em thiếu nhi, dành sân chơi để cho các em thể hiện và đánh giá các ca khúc của lứa tuổi mình. Bên cạnh đó, các chương trình Đồrêmí, Vietnam's Got Talent... cũng là những sân chơi tốt để giới thiệu những ca khúc, những sáng tác mới có chất lượng.
Theo nhạc sỹ Hàn Ngọc Bích, rất mừng là ngành giáo dục còn có hội diễn "Giai điệu tuổi hồng" - một sân chơi cho các em học sinh có từ những năm 1990 đến nay. Đây là một cái "máy" tiêu thụ bài hát rất tốt. Thêm vào đó, các kỳ thi, các đợt phát động sáng tác của Nhà nước, các cơ quan, đoàn thể sẽ là những "bà đỡ" mát tay cho ca khúc thiếu nhi. Tuy nhiên, nhạc sỹ Hàn Ngọc Bích cũng cho rằng, sau những giải thưởng được trao, các nhà quản lý cần tính đến việc quảng bá, tuyên truyền để đưa những ca khúc mới đến với công chúng, tránh tình trạng nhận giải xong thì bản nhạc cũng được cất vào... kho, gây lãng phí rất lớn.
Hiện nay, Hội Âm nhạc Hà Nội đang phối hợp cùng Công ty An Việt sưu tầm để tiến tới xuất bản tổng tập các ca khúc thiếu nhi Việt Nam một cách có hệ thống và đầy đủ nhất. Đến nay, Hội Âm nhạc Hà Nội đã nhận được khoảng 300 ca khúc của 70 tác giả. Hiện mới xong bản thảo của những nhạc sỹ có tuổi đời từ những năm 1910-1929. Đây sẽ là công trình rất có ý nghĩa đối với các nhạc sỹ và với các em thiếu nhi.
Và, chỉ khi nào việc sáng tác ca khúc thiếu nhi được cổ vũ mạnh mẽ và những tác phẩm viết cho thiếu nhi được tạo cho một đời sống thực, bức tranh âm nhạc thiếu nhi Việt Nam mới có sự khởi sắc như ngày... xưa.
Phương Lan